Nỗi lo của mẹ

Ngọc Kha 05/06/2017 08:20

Trên hai chiếc giường kê tại hai gian bên cạnh của căn nhà tình nghĩa, 3 đứa con dại của bà vẫn đang tha thẩn chơi đùa với những cái túi nilon rỗng không, nhàu nát. Thỉnh thoảng một người lại kêu ré lên những âm thanh chát chúa, chửi rủa vô định hoặc nhoẻn miệng cười vô nghĩa. Nước mắt bà lại rơi...

Bà Đinh Thị Định bên những đứa con tật nguyền - nạn nhân chất độc da cam Ảnh: Minh Hà.

1. Thắp một nén nhang, bà Đinh Thị Định, xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam lại lầm rầm khấn vái người chồng của mình phù hộ độ trì cho bà có đủ sức khoẻ để thực hiện lời cam kết với ông trước lúc chia xa, tiếp tục thay ông chăm sóc 3 người con tật nguyền vì chất độc da cam.

Trên hai chiếc giường kê tại hai gian bên cạnh của căn nhà tình nghĩa, 3 đứa con dại của bà vẫn đang tha thẩn chơi đùa với những cái túi nilon rỗng không, nhàu nát. Thỉnh thoảng một người lại kêu ré lên những âm thanh chát chúa, chửi rủa vô định hoặc nhoẻn miệng cười vô nghĩa. Nước mắt bà lại rơi...

Hôm nay lại có một đoàn khách từ thiện đến thăm và tặng quà gia đình, đoàn đại diện của Nhịp cầu nhân ái (Kênh VTV1). Trên gương mặt già nua của người đàn bà 82 tuổi này ánh lên một nghị lực phi thường mặc dù vừa nói lời cảm ơn, bà vừa bảo: “Các anh đến thăm mẹ con tôi mới có chút niềm vui. Các anh ra về tôi lại khóc khi đối diện với tất cả...”.

Ông Nguyễn Văn Truyền, chồng bà, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B những năm 68-70. Họ có được với nhau 4 người con thì cả 4 đều bị nhiễm chất độc màu da cam từ bố. Đứa con gái đầu lòng mất khi 36 tuổi.

Năm 2012 ông Truyền ra đi, để lại một mình người vợ già yếu ngày ngày chăm sóc 3 người con còn lại bị thiểu năng trí tuệ, không tự làm được bất cứ việc gì cho bản thân.

Mỗi khi có ai nhắc đến việc đưa chúng vào Trung tâm bảo trợ của tỉnh, bà lắc đầu quầy quậy. “Thương chúng nó lắm! Nếu đưa chúng vào đó, có lẽ tôi nghĩ ngợi xót xa mà chết trước chúng thôi”. Ở vào độ tuổi chuối chín cây, bà chẳng lo gì cho mình mà chỉ lo “lỡ một ngày mai khi tôi đi theo ông nhà, ai sẽ là người chăm sóc chúng?”.

2. Cách đây 17 năm, ông Nguyễn Bá Uẩn, cựu chiến binh tổ 12, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam từ giã cuộc đời. Trước khi nhắm mắt, xuôi tay, ông chỉ kịp nói lời xin lỗi với người vợ yêu của mình là bà Trương Thị Nho vì đã lấy bà và sinh 4 đứa con thì cả 4 đều nhiễm chất độc da cam.

Nước mắt lưng tròng, bà Nho nói không ân hận gì khi lấy ông, cũng không trách ông điều gì mà chỉ thương các con. “Từng đi mừng bao nhiêu đám cưới người thân, bạn bè mà nay sinh được chừng ấy người con nhưng không được lo cưới xin cho con nào, ông nhà tôi nghĩ ngợi, buồn mà chết”, bà Nho bùi ngùi kể lại.

Cho mãi đến vài năm sau khi chồng mất, bà mới thay ông lo liệu cưới vợ cho cậu con trai, đứa con được gọi là lành lặn, khoẻ mạnh hơn cả trong số các con mình.

Nhìn dáng người liêu xiêu, bé nhỏ của bà bên những người con gái cao lớn nhưng không thể tự làm được việc gì cho mình, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của bà Đinh Thị Định ở huyện Kim Bảng, về nỗi lo của bà sau khi mất...

3. Cũng tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, có hoàn cảnh khác không kém phần thương tâm. Ấy là gia cảnh đôi vợ chồng người cựu chiến binh Phạm Văn Phúc và bà Đinh Thị Mỳ, ở thôn Đọ Xá, phường Thanh Châu.

Tuy đã lớn “cộc” cả rồi mà 3 người con trai của họ vẫn phải cậy nhờ cha mẹ rửa mặt mũi chân tay hàng ngày. Đến cơm ăn chúng cũng không tự xúc được.

Ông Phúc tâm sự: “Hôm nay có thuốc an thần do bệnh viện cấp nên các cháu bớt quậy phá đấy, chứ cứ như mọi ngày thì không ai có thể ngồi yên nói chuyện với nhau được”.

Những người con có lớn mà chẳng có khôn này cũng là hậu quả chất dộc da cam từ người cha đi bộ đội. Và họ cũng đau đáu nỗi lo một mai khi qua đời, ai sẽ tiếp tục chăm lo các con?

Hà Nam hiện có hơn 5.000 đối tượng nạn nhân chất độc da cam, trong đó, nhiều nhất là tại huyện Kim Bảng với gần 1.000 trường hợp. Ông Nguyễn Trọng Giao, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam Dioxin tỉnh Hà Nam cho hay, các cấp chính quyền ở đây đã có nhiều giải pháp giúp đỡ cho những đối tượng này như: Xây nhà tình nghĩa, tặng quà, mua thẻ bảo hiểm y tế... và cũng đã nghĩ đến phương án xây dựng cho họ một trung tâm bảo trợ riêng, phòng khi cha mẹ các cháu qua đời còn có nơi nương tựa.

Tuy nhiên, ông Giao cũng cho biết, hiện nay chưa tìm thấy quy định, chế độ nào để áp dụng nên việc này còn gác lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo của mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO