Nỗi lo lớp 1

Tùng Linh 15/08/2021 14:00

Tuần tới, nhiều tỉnh thành bắt đầu cho học sinh lớp 1 tựu trường, khởi động năm học 2021-2022. Nỗi lo trẻ phải học online ngay từ lớp 1 đang là một trong những băn khoăn của nhiều phụ huynh, đặc biệt là các gia đình sống ở các khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu như mọi năm, thời gian nghỉ hè các bậc cha mẹ có con sắp vào lớp 1 đã chuẩn bị tâm lý cũng như một vài kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp thì suốt mấy tháng hè năm nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động bị dừng lại… Các phụ huynh ở thời điểm này đang có nhiều băn khoăn, lo lắng khi ngày tựu trường đang đến rất gần.

TP Hồ Chí Minh tăng gần 31.000 học sinh trong năm học mới

Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở đã trình UBND TP HCM phương án kế hoạch năm học 2021-2022 với nhiều kịch bản giảng dạy khác nhau, tùy khối lớp và bậc học, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Dự kiến đến giữa tháng 9 ngành giáo dục TP HCM mới khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến, muộn hơn 2 tuần so với kế hoạch chung của Bộ GDĐT.

Theo Báo cáo của Sở GDĐT TP HCM, năm học 2021-2022, toàn thành phố tăng 30.939 học sinh. Theo đó ở bậc mầm non tăng 5.140 học sinh, tiểu học tăng 31.517 học sinh, THPT tăng 1.015 học sinh, riêng THCS giảm 6.733 học sinh

Số học sinh tiếp tục tăng nhiều ở cấp tiểu học, tập trung tại thành phố Thủ Đức và Quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh do trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Nỗi lo… online

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay có con vào lớp 1. Từ đầu năm chị Mai lên kế hoạch cho con học trước tại trường mầm non và tại một lớp học “tiền Tiểu học” ở gần nhà. Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát khiến mọi kế hoạch bị đổ bể.

Trong thời gian con ở nhà nghỉ dịch, chị tranh thủ hướng dẫn con viết chữ. Do không có nghiệp vụ sư phạm, nên việc dạy con học cũng khá khó khăn. Chị vừa muốn con chuẩn bị kiến thức thật tốt để tự tin vào lớp 1 lại vừa sợ ép con học quá con sẽ sợ đi học...

Chị Mai còn chia sẻ thêm nỗi lo khi con mới chuẩn bị vào lớp đầu tiên của khối Tiểu học thì đã phải học online. Với đứa trẻ mới qua Mẫu giáo, việc học online quả là khó khăn vô cùng.

Cũng có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Đỗ Thị Luân (Phan Chu Trinh, Hà Nội) tỏ ra khá tâm trạng: Những ngày đầu mới nghỉ học tại trường, tôi vẫn cho con học với cô giáo 1 tuần 2 buổi online. Tuy nhiên việc ôn luyện online cho con rất khó khăn vì con không hợp tác lắm. Mỗi khi bảo con ngồi vào bàn học là con tỏ ra khó chịu. Nếu sắp tới mà phải học online chắc cả mẹ và con đều sẽ rất căng thẳng.

Nỗi lo trẻ phải học online ngay từ lớp 1 hiện cũng là băn khoăn chung của rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là các gia đình sinh sống ở các khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tại TP HCM một số trường tiểu học còn đang được trưng dụng làm khu cách ly.

Chính vì vậy, ngay khi Bộ GDĐT ban hành khung năm học 2021-2021, trên nhiều diễn đàn, phụ huynh đã xôn xao bàn tán, và nhiều ý kiến băn khoăn đã được bày tỏ. Bởi với những đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch” thì việc làm quen với cô, với bạn, với viết chữ, học số qua hình thức trực tuyến quả là một thách thức, không chỉ với thầy cô giáo mà còn với cả người lớn khi đồng hành cùng con.

Chính ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cũng thừa nhận, năm nay, mặc dù Bộ GDĐT đã có tính toán, ưu tiên cho học sinh lớp 1 và học sinh nội trú tựu trường từ 23/8 để có thời gian làm quen với trường, lớp. Tuy nhiên, “với tình hình dịch bệnh như hiện nay, kế hoạch này khó khả thi đối với một số địa phương”.

Ông Tài khẳng định, học sinh lớp 1 là đối tượng đặc biệt khi vừa chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học, nên phải đặt quyền lợi học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu.

“Các địa phương cần căn cứ tình hình dịch bệnh để tính toán phân khu, phân luồng đảm bảo học sinh lớp 1 được tựu trường, tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp, hạn chế học trực tuyến… Các địa phương nếu buộc phải dạy học trực tuyến, nhà trường, giáo viên cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi, điều kiện, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Điều này nhằm giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc”, ông Tài lưu ý.

Ngày khai giảng là một kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò, nhưng trong năm học sắp tới, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương sẽ không tổ chức khai giảng theo thông lệ mà phải thực hiện theo hình thức online. Ảnh: Thanh Tùng.

Cần chuẩn bị gì cho con?

Khá nhiều phụ huynh khi con chuẩn bị vào lớp 1 đã trang bị cho con những dụng cụ học tập như que tính, vở tập tô, học trước kiến thức…

Là một phụ huynh có con từng học Tiểu học, chuẩn bị có con thứ hai vào lớp 1, đồng thời là một tác giả sách về trẻ em, chị Phạm Thị Hoài Anh- người sáng lập Dự án “Thủ thà thủ thỉ” chia sẻ: Việc chúng ta chuẩn bị cho các con điều mà các con sẽ trải qua ở Tiểu học (như dụng cụ học tập, que tính, bảng chữ số…) là rất quan trọng. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất.

Với trải nghiệm của mình, chị Hoài Anh cho biết, chị sẽ ưu tiên và dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho con một số những năng lực như: Khả năng tự phục vụ; năng lực tập trung; giúp con cảm nhận được rằng đi học rất vui, các con được có thêm bạn bè, được khám phá thêm những điều mới mà ở nhà với bố mẹ các con không thể nào có được.

“Tôi nghĩ là với 3 năng lực nền tảng như thế thì hành trình của các con khi bước vào lớp 1 sẽ có nhiều hào hứng, động lực, và các con có thể duy trì động lực ấy theo các con rất lâu trong quãng đường các con đi học”, chị Hoài Anh nói.

Cô Nguyễn Kim Anh, một giáo viên Tiểu học tại Hà Nội chia sẻ: Phụ huynh lo lắng khi con vào lớp 1, tìm trường lớp, giáo viên cho trẻ học trước khi vào lớp 1 rất phổ biến, nhưng có điểm chưa được hiểu đúng. Nếu phụ huynh cho trẻ làm quen với lớp 1 bằng cách tham gia những hoạt động mang tính định hướng học tập, làm quen với bàn học, cách ngồi, xem tranh, nặn đất hay tô màu, thay vì để trẻ chơi tự do... là điều rất tốt. Việc dạy trẻ nhớ và biết nhận mặt chữ, số cũng cần thiết trước khi vào lớp 1.

Nhiều năm trong nghề, cô Kim Anh từng gặp những học sinh không biết cách cầm bút và chưa từng được dạy qua về bảng chữ cái. Việc này sẽ khiến cả cô và trò rất vất vả, nhất là khi sĩ số lớp đông. Với những trẻ chậm, việc không biết trước chút nào có thể là cú sốc chuyển cấp.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, cô Lưu Khánh Ly, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) lưu ý phụ huynh cần “kiên nhẫn với con”, bởi bất kỳ hoạt động học tập nào, giáo viên luôn cần sự đồng hành của gia đình trong việc kèm cặp và hỗ trợ trẻ. Đối với học sinh lớp 1, sự kiên nhẫn của bố mẹ là một trong những yêu cầu đầu tiên. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tích cực tương tác với giáo viên để đề nghị thầy cô hướng dẫn một số kỹ năng sư phạm cơ bản như thứ tự các nét được viết, cách đọc trơn, các thuật ngữ, khái niệm dùng trong lớp học.

“Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng trẻ phải học online, quá trình tự học dưới sự kèm cặp của bố mẹ lại càng quan trọng. Việc tích cực tương tác với giáo viên để học hỏi kỹ năng sư phạm và trao đổi tình hình sẽ tác động tốt đến quá trình phát triển và học tập của trẻ”, cô Khánh Ly chia sẻ.

Một số chuyên gia giáo dục thì cho rằng, chuẩn bị tâm lý cho trẻ là yếu tố quan trọng. Bởi lên lớp 1 đối với trẻ là một bước ngoặt, khi đó các em gia nhập một môi trường hoàn toàn mới, làm quen với rất nhiều thầy cô, bạn bè, anh chị lớp trên trong một không gian rộng lớn hơn rất nhiều so với khi học mẫu giáo.

Vì vậy, phụ huynh có thể tạo cho trẻ tâm lý hứng khởi cho con thông qua việc nói và cho con xem hình ảnh về ngôi trường sắp tới, chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con, hướng dẫn con làm quen với việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… Mỗi ngày nên động viên trẻ ngồi vào bàn học 15 phút, sau đó nâng dần lên, để con khám phá và tìm hiểu những đồ dùng mới…

Học online là giải pháp tình thế trong khi nhiều tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội.

Tránh làm tổn thương con

Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, câu hỏi chúng ta cần làm gì để phát triển nhưng không làm tổn thương con khi con chính thức bước chân vào quãng đường học sinh của mình, là thử thách mà rất nhiều phụ huynh đang lúng túng.

Chị Hoài Anh kể: Tôi có 2 con. Bạn thứ nhất khi vào lớp 1 tâm sinh lý rất ổn định. Một phần tôi nghĩ mình may mắn. Một phần do tôi đã từng dành rất nhiều thời gian quan sát, hiểu hơn về con. Khi mà chúng ta quan sát, thấu hiểu thì sẽ biết cách hành xử thế nào cho phù hợp.

Thay đổi lớn nhất ở các bạn lên lớp 1 có lẽ là việc các bạn đang dần ở hành trình tách hẳn ra khỏi bố mẹ. Khi nhận ra sự thay đổi tâm lý ấy của con, bố mẹ cần dung hòa. Cho nên “hiểu trẻ” là một từ khóa quan trọng với bố mẹ và nhà trường, đặc biệt trong những giai đoạn nền tảng như Tiểu học. Điều quan trọng nhất bố mẹ nên làm là luôn luôn để cho con cảm nhận được cho dù có thế nào thì con luôn luôn có bố mẹ. Bố mẹ luôn luôn là người bảo vệ con.

Bên cạnh năng lực, phẩm chất là điều được nhiều bậc phụ huynh và nhà trường chú trọng xây dựng cho trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ tiền Tiểu học lên Tiểu học. Với con gái đang ở độ tuổi này, chị Hoài Anh luôn khuyến khích con giúp đỡ mọi người, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn cũng như phát triển khả năng đồng cảm.

Lắng nghe là thứ trừu tượng nhưng con cái có thể học theo bố mẹ. Ví dụ, thay vì vừa nói chuyện với con vừa bấm điện thoại thì bố mẹ nên tập trung vào câu chuyện của con hơn.

Đây cũng là vấn đề được TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp Olympia quan tâm. Theo TS Hiếu: Có 2 xu hướng xây dựng chương trình giáo dục là chú trọng vào học thuật và chú trọng vào phát triển môi trường xã hội, xây dựng phẩm chất. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng cách về khả năng học thuật của hai nhóm càng ngày càng bị thu hẹp. Từ đó, họ đưa ra kết luận rằng việc xây dựng phẩm chất cho học sinh, đặc biệt trong giai đoạn tiền Tiểu học và Tiểu học, rất quan trọng.

Học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 được đánh giá là mạnh dạn, tự tin hơn, và đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Học theo chương trình mới, học sinh lớp 1 mạnh dạn, tự tin hơn

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học hôm 12/8, Bộ GDĐT đánh giá, năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nề nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò phải chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Riêng kết quả triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng thừa nhận, dù đạt nhiều kết quả tích cực, song năm học vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Do biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành. Bên cạnh đó là những khó khăn khác liên quan đến nội dung giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất; sự chưa đồng đều trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại các địa phương…

Năm học mới 2021-2022, giáo dục tiểu học đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó, tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT và được hướng dẫn sử dụng SGK lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, Bộ GDĐT sẽ phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học...

P.Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo lớp 1

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO