Nỗi lo năm học mới

Ngọc Sơn 10/09/2017 11:30

Một năm học mới lại bắt đầu. Sau niềm hân hoan, vô tư của con trẻ, là ngổn ngang những mối lo tồn tại nhiều năm qua của các bậc phụ huynh.


Chào cờ đầu tuần.

Vô số khoản chi tiêu

Thời điểm này, học sinh cả nước đã có tuần học đầu tiên sau ba tháng nghỉ hè. Tại nhiều cửa hàng bán văn phòng phẩm không khí mua sắm vẫn khá sôi nổi bởi học sinh nào cũng phải bổ sung thêm những thiết bị học tập cũng như sách vở còn thiếu mà giáo viên yêu cầu.

Hầu hết các nhà sách đều áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 - 10% cho mặt hàng sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập, song nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn, tần ngần trước quầy thanh toán. Đa số các phụ huynh đều cho rằng: Mặc dù giảm giá, nhưng giá một số dụng cụ học tập vẫn còn cao, nhất là cặp sách, vở và bút viết… Ngoài ra là giấy mầu, bộ khung thêu, bộ kỹ thuật, giấy kiểm tra… cái gì cũng đắt đỏ.

Tại nhà sách ở Phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gặp bà Nguyễn Thúy Triều cùng cháu trai Minh Hoàn (học sinh lớp 6) đi mua thêm sách vở cho cháu. Bà Triều tâm sự: Tôi ở Lạng Sơn, thật ra không phải xuống tận Hà Nội chỉ để mua sách mà là một công đôi việc vừa đi khám bệnh vừa tiện mua đồ dùng học tập cho cháu luôn. Trên ấy, bộ sách lớp 12 không đủ, nhất là sách tham khảo để ôn thi, vì thế mẹ cháu nhờ bà tìm mua ở Hà Nội.

“Cũng phải đi đến hai ba hiệu sách mới mua được, may mà ở đây có đủ cả”- bà Triều chia sẻ. Bà bảo cũng tiện thể mua thêm các dụng cụ thước kẻ, bút chì, bọc vở… cho cháu nhỏ. Còn sách giáo khoa và vở là những khoản nặng hơn đã mua tháng trước rồi. Bọn trẻ dùng tốn lắm, đặc biệt hay mất sách, bút. Tuần nào cháu cũng xin tiền mua bút, cộng lại cả năm không ít đâu. Nhiều quyển sách gia đình phải mua lại đến lần thứ hai, thứ ba cho con.

Bà Triều chia sẻ, năm nào cũng thế, để bớt áp lực chi tiêu, bố mẹ các cháu thường mua sắm từ từ, thứ nào cần thiết thì mua trước, mỗi tháng mua một số thứ, chứ dồn vào một đợt chi đến 2- 3 triệu đồng thì căng lắm. Riêng đồng phục, thì năm nào cũng tốn một khoản kha khá vì các cháu nhanh lớn mà chất lượng quần áo của các nhà may cũng kém nên muốn tiết kiệm cũng khó.

Khoản chi đầu năm 4-5 triệu đồng cho các học phí, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập… là chuyện thường với những gia đình khá giả, nhưng lại là nỗi lo lớn đối với hầu hết các gia đình hiện nay. Với những gia đình có từ 2 - 3 con cùng nhập học, nỗi lo đầu năm học càng căng thẳng. Chị Phương Hà (Thanh Trì – Hà Nội) nhẩm tính sơ các khoản tiền phải mua sắm cho 2 đứa con (Tiểu học và phổ thông cơ sở ) vừa qua tốn hơn 3 triệu đồng. Riêng tiền mua giấy bọc sách vở và một vài dụng cụ học tập khác đã ngốn đến 5 - 600.000 đồng. Chị cũng lấy làm băn khoăn khi quyển sách, vở nào cũng được in đầy đủ nhãn vở để học sinh tiện điền thông tin vậy mà nhà trường vẫn yêu cầu học sinh phải dán thêm nhãn vở, bọc vở để làm gì? “Những yêu cầu đó theo tôi là thừa, gây tốn kém thêm” – chị Hà ý kiến.

Đối với gia đình nghèo ở nông thôn, nỗi lo đầu năm học mới càng đè nặng. Anh Chu Văn Hoan (xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết: Vợ chồng anh có 3 đứa con, đứa lớp 10, đứa lớp 6, đứa nhỏ năm nay lên lớp 2. Hai vợ chồng chủ yếu làm nông, lúc đi làm thuê, nhà có nuôi thêm con bò, gà. Nhưng phải tằn tiện lắm mới đủ sinh hoạt trong gia đình. Nhiều năm nay, hầu như chỉ đứa con lớn có quần áo mới, còn những đứa nhỏ mặc lại quần áo của anh, rồi quần áo cũ của chú bác ở Hà Nội gửi cho. Còn sách giáo khoa thì chủ yếu đi xin. Chứ ba đứa mà mua đủ ba bộ sách mới hơn triệu bạc thì khỏi mua sắm thứ khác.

Ngại họp phụ huynh

Thường sau khai giảng một đến hai tuần là thời điểm các trường từ mẫu giáo đến THPT sẽ tổ chức họp phụ huynh học sinh để triển khai năm học mới và quan trọng nhất vẫn là thông báo về các khoản đóng góp cho năm học mới. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và ngại họp.

Có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị Tuyết Lê chia sẻ: Năm nào, thông báo về các khoản thu trong kỳ họp phụ huynh đầu năm cũng gây choáng váng. Những năm trước thu các khoản đầu năm khoảng 2 triệu đồng, chưa kể một số khoản thu khác mà nhà trường khéo léo chia nhỏ để thu sau. Năm nay được biết học phí lại tăng, tôi lo lắm…

Tương tự, chị Hằng Nga (Vĩnh Tuy) có con học lớp 9 bức xúc: Bên cạnh các loại sách giáo khoa thì sách tham khảo cũng tốn kém không ít. Riêng môn tiếng Anh, môn Toán đã tốn mấy trăm ngàn tiền sách hỗ trợ theo gợi ý của giáo viên. Không mua thì sợ con không có sách học, mà mua rồi thì không biết liệu có dùng tới từng đó không. Mà cuộc đua vào lớp 10 trường công bây giờ càng ngày càng khó, nhìn con cái học thêmhết ca này đến ca khác bạc nhược cả người, mà lo.

Theo nhiều phụ huynh, đồng phục học sinh cũng là vấn đề gây bức xúc hiện nay. Dường như trường nào cũng muốn học sinh mặc đẹp, còn phụ huynh ai cũng muốn con bằng bạn bằng bè và đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Nhưng giá cả và chất lượng quần áo thì dường như lại đang được thả nổi. Chị Ánh Tuyết, có con học Trường THSC Nguyễn Phong Sắc cho biết, chất lượng may và vải đồng phục cho học sinh thường rất kém. Học sinh hiếu động, hay chạy nhảy ra nhiều mồ hôi thì cần phải sử dụng chất liệu mềm, thấm mồ hôi nhưng chẳng nhà trường nào quan tâm đến những chi tiết đó, chất lượng thấp mà giá cả vẫn cao vút.

Cùng với đó là khoản tiền BHYT, bảo hiểm thân thể. BHYT là bắt buộc còn thân thể thì tùy. Nhưng nói là vậy chứ ai chẳng phải đóng cả hai khoản ấy. Đặc biệt với BHYT, theo chị Thủy (Mai Động) đóng thì cứ đóng chứ khi con ốm đau, ho hắng có dùng bảo hiểm đâu, khám ngoài nhanh tới lượt và cũng nhanh khỏi hơn.

Đường dây nóng có giải tỏa được băn khoăn?

Nhằm tăng cường công tác quản lý thu chi đầu năm học mới, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng từng quận, huyện, thị xã, để phụ huynh học sinh và nhân dân phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2017 - 2018, tại các trường học trên địa bàn. Theo đó, người dân có thể gọi điện đến đường dây nóng mà Sở Giáo dục Hà Nội công bố để phản ánh những bức xúc về thu chi trong năm học.

Trước đó, Sở này cũng ban hành văn bản hướng dẫn quản lý thu chi đối với các cơ sở giáo dục trong năm học 2017-2018. Cụ thể, đối với kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, yêu cầu không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các phụ huynh.

Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, …

Mừng thì có mừng, nhưng phần đông phụ huynh vẫn băn khoăn đường dây nóng có biến thành đường dây nguội?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo năm học mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO