Nỗi lo trở lại

Hồ Hương 03/07/2015 09:16

Thông tin quả vải thiều xuất ngoại sang Úc, sang Pháp; lại được tiêu thụ rất mạnh ở phía Nam khiến người trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) và một số nơi khác vui mừng. Mà mừng thật, chỉ ít ngày trước giá 1kg vải thiều bán tại Hà Nội trung bình là 25.000 đồng; còn xuất sang Úc là 45.000 đồng.

Nhưng, chỉ còn chừng 1 tuần nữa là hết vụ vải, còn hơn 10% lượng vải vẫn ở trên cây, nhưng nỗi lo đã trở lại khi giá bán xuống thấp. Thật khó tưởng tượng chỉ trong vài ngày, những thương lái từ bên kia biên giới sang thu mua, chỉ trả chưa tới 5.000 đồng/kg.

Tại vựa vải Lục Ngạn, thời cao điểm có gần 400 điểm cân thu mua vải thiều. trong đó có 276 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc. Tới nay, vụ vải thiều 2015 đã qua 2/3 chặng đường; 1/3 còn lại không thể trông dựa vào việc xuất “sang Tây” hay là đưa vào miền Nam, mà nhìn vào chính thương lái Trung Quốc. Nhưng sau thời gian “sốt”, nay họ cũng không còn mặn mà gì, nên quả vải lại gặp khó.

Quả vải chỉ là một điển hình trong thời điểm hiện nay bằng chứng cho câu chuyện quá phụ thuộc vào một thị trường, dù đó là thị trường rất lớn. Bên cạnh quả vải, rất nhiều loại nông sản khác như cà phê, gạo, rau củ quả cũng đã hoặc đang gặp cảnh ngộ tương tự. Chưa kể thời gian tới đây sản phẩm nông sản rau quả còn phải cạnh tranh với các nông sản rau quả nhập khẩu ở nước ngoài khi mà các hiệp định kinh tế chung như ASEAN, các FTA với các nước Hàn Quốc, châu Âu… bắt đầu thực hiện.

Nói thế mới thấy, hệ thống phân phối để giúp cho người sản xuất tiêu thụ nông sản rau quả vẫn còn rất yếu kém. Trong mối liên kết 4 nhà thì mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Vai trò của doanh nghiệp không chỉ là đầu tư giống vật nuôi, cây trồng, cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, đặt hàng..., mà quan trọng là việc tiêu thụ nông sản. Khâu “đầu ra” yếu thì nguồn cung càng dồi dào lại càng tiềm ẩn nguy cơ. Các khâu chế biến sau quy hoạch vẫn đang “lẹt đẹt” thì nông sản vẫn còn trong cảnh phập phù chờ người mua. Đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán quá khó để tìm được lời giải.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, xuất khẩu nông sản giảm 2,8% trong 6 tháng đầu năm nay và mức đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng GDP giảm từ 3,44% năm 2014 xuống còn 2,17% trong 6 tháng qua chắc chắn phải được phân tích kỹ lưỡng. Tất nhiên Nhà nước không thể đứng ra mua nông sản giúp nông dân như đôi khi ta thấy yêu cầu này trên một số diễn đàn, nhưng Nhà nước có thể giúp tìm “đầu ra” cho nông sản. Chính phủ nhiều nước đã làm tốt điều này (gọi là Chính phủ tiếp thị). Quả vải ngon ngọt của Hải Dương, Bắc Giang, nhiều năm qua phải qua tay thương lái Trung Quốc để đến nhiều nước trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm, đó là điều cần thiết phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO