Nội lực

Nam Việt 23/09/2015 11:10

“Cần quan tâm đến đối tượng yếu thế bị tác động thế nào? Bởi suy cho cùng là Nhà nước phải chịu vì Nhà nước không thể để dân khổ. Vì vậy cần tính toán để tăng cường “sức khỏe” của nhóm yếu thế” - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước.

Nội lực

Phát triển đàn gà tại các trang trại tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa.

Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào các Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (sửa đổi), nhiều ý kiến băn khoăn rằng nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ của ta có trụ được không khi nền kinh tế hội nhập sâu. Như vậy, chính sách thuế phải biến đổi phù hợp với việc tăng cường sức mạnh cho hàng hóa sản xuất trong nước, rộng đường cho xuất khẩu. Điều đó cũng có thể được hiểu là phải tăng cường “sức khỏe” cho nhóm yếu thế.

“Nhóm yếu thế” ở ta khi nền kinh tế mở cửa, hội nhập sâu tất nhiên không chỉ là lĩnh vực nông nghiệp hay công nghệ phụ trợ, mà có thể còn một số ngành nghề, lĩnh vực khác. Ngay cả những lĩnh vực vốn là thế mạnh của đất nước khi xuất khẩu cũng không thể khẳng định sẽ mạnh mãi, nếu để mất đà.

Ví như việc xuất khẩu gạo. Từ chỗ là một quốc gia thiếu lương thực, chúng ta đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng, theo thời gian người ta thấy rằng xuất khẩu gạo của ta thiên về số lượng trong khi chất lượng không được chú ý. Vì thế mới có việc bán gạo nhiều nhưng tiền thu về ít, so với một số nước xuất khẩu gạo khác, như Thái Lan chẳng hạn.

Do đó, điều đầu tiên cần nói là không chỉ đầu tư mạnh, tạo cơ chế tốt, kể cả chính sách bảo hộ trong một thời gian cho “nhóm yếu thế”; mà cần quan tâm tạo sức mạnh nội lực cho tất cả các lĩnh vực. Nội lực mạnh mới đủ sức cạnh tranh, đủ sức xâm nhập giành thị trường. Tuy nhiên, đầu tư phải có trọng điểm, trọng tâm, không thể đầu tư dàn trải, nhưng nếu không ý thức tự vươn lên thì rất nhiều cố gắng về mặt chủ trương, chính sách sẽ trở nên vô nghĩa.

Trở lại hai lĩnh vực được cho là thuộc “nhóm yếu thế” là nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Trước hết nói về nông nghiệp. Nền nông nghiệp của chúng ta đã bật dậy liên tục trong vòng hơn 20 năm qua. Tới nay, an ninh lương thực không còn là vấn đề. Nhiều mặt hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực này dồi dào về số lượng, lan tỏa tại nhiều thị trường các quốc gia trên thế giới. Đó là gạo, cao su, hồ tiêu, cà phê, cá da trơn, cá ngừ đại dương, tôm... Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Gần đây, có thêm nhiều mặt hàng khác, trong đó có thể kể đến một số loại trái cây, hoa... cũng trên đường gia tăng xuất khẩu. Vùng chuyên canh hoa Đà Lạt đang được quy hoạch, mở rộng theo hướng sản xuất công nghiệp, đã mở ra tương lai tươi sáng. Giá trị một luống hoa bằng cả một sào lúa, ấy là nói chọn lựa loại hàng hóa nào đem lại lợi nhuận lớn là việc cần cân nhắc, tính toán, để từ “nhóm yếu thế” trở thành “nhóm sức mạnh”.

Với xuất khẩu gạo, không có con đường nào khác là phải tăng cường chất lượng. Phải chọn được và nhân rộng diện tích các loại lúa thơm, chất lượng cao. Với các loại hàng thủy sản, cần tăng cường khâu bảo quản, chế biến, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu đầu để không để xảy ra những “cuộc chiến pháp lý” với những quốc gia nhập khẩu hoặc các đối thủ cạnh tranh. Ngay cả những mặt hàng lớn về khối lượng như cà phê, cao su, hồ tiêu... thì cũng cần giành được vị thế dẫn dắt thị trường.

Công nghiệp phụ trợ ở ta yếu, tuy nhiên điều đó đã được nhận ra và cảnh báo. Tỉ lệ nội địa hóa thấp trong các sản phẩm cao cấp, đắt tiền (ví dụ ôtô) là do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, buộc phải nhập khẩu. Ở đây cũng còn vấn đề bản thân một số tập đoàn lớn vào Việt Nam cũng không thực tâm phát triển công nghệ phụ trợ cho mặt hàng của mình, vẫn muốn duy trì tình trạng nhập khẩu với mục đích duy nhất là có được lợi nhuận cao. Do đó, đầu tư mạnh vào lĩnh vực này là cần thiết.

Không phải chúng ta không làm được, “chỉ may được vỏ bọc ghế ngồi ôtô” như ai đó nhận xét, mà cái chính là hệ thống công nghiệp phụ trợ nói chung trước nay chưa được quan tâm đúng mức. Không phải chúng ta đã đánh mất thị phần ngay trong nước ở lĩnh vực này, mà cái chính là quyết tâm giành lại thị phần sân nhà. Mà điều đó thì cần đến cơ chế, chính sách, cần đến một chiến lược đầu tư.

Tạo điều kiện, bảo vệ, hỗ trợ, mở đường cho hàng hóa sản xuất trong nước cũng chính là một cách quan trọng để tăng cường sức mạnh nội tại. Nói như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì khi vẫn giữ nguyên thuế đối với linh kiện, chi tiết bộ phận rời sẽ tạo điều kiện cho nhập khẩu các loại linh kiện. Như vậy, sẽ hạn chế sản xuất trong nước phát triển. Ta mà giữ cái này là giết chết công nghiệp phụ trợ- ông Phúc bày tỏ.

Ở một tình thế khác, vẫn theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần nghiên cứu chính sách thuế nhập khẩu với cây trồng, vật nuôi, phân bón..., có nghĩa là chính sách thuế sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất trong nước, khi mà chi phí trong lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống, sẽ tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng; giảm giá thành để tạo ra sức mạnh cạnh tranh. Không lý gì gà nuôi ở Mỹ lại bán rẻ hơn gà nuôi ở Việt Nam. Cũng không lý gì hàng năm nhập khẩu cả trăm ngàn con bò từ Úc trong khi khả năng phát triển đàn bò nuôi trong nước vẫn còn rất dồi dào.

Cũng tại buổi góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, sửa đổi các luật thuế xuất, nhập khẩu cần tính đến 3 lợi ích là: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. “Cần quan tâm đến đối tượng yếu thế bị tác động thế nào? Bởi suy cho cùng là Nhà nước phải chịu vì Nhà nước không thể để dân khổ. Vì vậy cần tính toán để tăng cường “sức khỏe” của nhóm yếu thế”- theo ông Phước.

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ông đồng tình với việc phải quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ, nhưng “Luật này phải tính thế nào vì hội nhập cần sức bên trong phải khoẻ, thuế khoá cứ theo làm mãi thì làm sao khoẻ lên được”.

Như vậy là bảo vệ, bảo hộ, tạo điều kiện về chủ trương, chính sách là cần thiết, nhất là trong những giai đoạn cụ thể, tình hình cụ thể. Nhưng về lâu về dài thì nội lực vẫn là mấu chốt của vấn đề. Tự ta không khỏe lên thì sẽ bị người lấn át. Phát huy nội lực, phương châm ấy không bao giờ cũ, tuy rằng giải pháp cho nó là gì, cụ thể ra sao..., thì phải có bước đi đúng, thích hợp.

Cho nên mới nói, chốt lại vấn đề vẫn là câu chuyện nội lực. Mà nội lực thì phải bắt đầu từ chính mình, chứ không phải tự nhiên mà có được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO