Nơi mùa Xuân đến sớm

Lưu Hải - Nguyễn Tuấn 09/02/2021 06:30

Đất trời đã sang Xuân. Tết đến với bà con dân tộc thiểu số miền núi thật đậm đà. Từ một phiên chợ cho đến một lễ hội đều rực rỡ sắc màu. Năm nay, Tết đến, phòng chống dịch nhưng vẫn là cái Tết ấm áp trong tiết trời Xuân mơn man, khi mà hoa đào, hoa ban, hoa mận nở khắp núi rừng. Nơi đây, mùa Xuân đến sớm…

Đường xuống chợ.

Dịp này, đồng bào dân tộc Dao sống tại huyện miền núi Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) đã tạm gác lại công việc thường ngày để đón Tết.

Tới thôn Thạch An (xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy), không khí Xuân tràn ngập đường làng, ngõ xóm. Nhà nào cũng có gà trống thiến, gạo nếp và những nồi bánh.

Bà Triệu Thị Quê, người thôn Thạch An cho biết, Tết đến bà con trong xóm cùng mổ lợn, nặn bánh, làm gà, đồ xôi. Không khí tết ở bản người Dao là vậy, tính cộng đồng rất cao. Đây là nét văn hóa truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nó chính là mạch nguồn gắn kết mọi người. Không chỉ trong một gia đình, dòng họ mà còn với cả thôn, cả xã.

Xã Cẩm Liên có 5 thôn, trong đó có 1 thôn có 84 hộ người dân tộc Dao sinh sống. Còn thì ở huyện cẩm Thủy hiện có trên 3.500 đồng bào dân tộc Dao sinh sống tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Liên, Cẩm Châu và thị trấn Phong Sơn. Đồng bào có tết là rằm tháng Bảy, Tết năm cùng tuy nhiên Tết Nguyên đán là vui nhất.

Ai từng có dịp tới vùng biên giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vào dịp Tết thì đều sẽ có ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, khó phai. Chúng tôi có dịp tới một số xã vùng cao biên giới Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Mù Cả của huyện Mường Tè, khi mà bà con ăn Tết cổ truyền. Ở đây, đồng bào dân tộc Hà Nhì đón Tết sớm hơn so với Tết Nguyên đán. Tại bản Mé Gióng (xã Ka Lăng), người dân ai nấy cùng phấn khởi, tươi cười. Nhiều gia đình mổ lợn, gói bánh dầy, làm bánh trôi ăn Tết với những tập tục độc đáo.

Tết cổ truyền của người Hà Nhì còn được gọi là “cố nhị chà”. Đây là thời điểm nông nhàn, người dân kết thúc mọi công việc đồng áng để vui vẻ bước vào những ngày Tết, thường thì kéo dài tới 12 ngày. Nói như bà con là để thoải mái trước khi vào những ngày lao động sản xuất. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày đầu là “xôm” nhất, những ngày sau là vui chơi, nghỉ ngơi và ngày cuối cùng của Tết là cúng tổ tiên, báo cáo bước sang mùa vụ mới.

Bà Gò Chu Cả ở bản Mé Gióng (xã Ka Lăng) cho biết, người Hà Nhì cho rằng ngày Tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên cần chuẩn bị chu đáo. Từ trang phục cho đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất. Đặc biệt là các loại bánh truyền thống như bánh trôi, bánh dầy… được các gia đình làm rất nhiều. Bánh không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn chia cho con cháu hưởng lộc ngày Tết và làm quà biếu khách khi đến chơi nhà.

Theo bà Cả, bánh cúng tổ tiên, chủ nhà nặn ba chiếc to hơn bánh thường rồi đặt lên tấm lá chuối để mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Bánh để cúng phải có lạc đã giã trộn lẫn nhân bánh. Bà con cho rằng phải có nhiều hạt thì mùa vụ mới sẽ bội thu. Món bánh này cũng được coi là món khai vị ngày Tết.

Phụ nữ Hà Nhì làm bánh dầy chuẩn bị Tết.

Cũng ít người biết rằng, với bà con Hà Nhì ở huyện biên giới Mường Tè có một tục trong ngày Tết là thi mổ lợn. Sáng sớm ngày mùng Một Tết, các nhà thi nhau mổ lợn. Người ta cho rằng nhà nào mổ lợn xong sớm thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Ông Chu Cha Chừ, cũng ở bản Mé Gióng cho biết, khi mổ lợn xong, bà con nhìn vào lá gan lợn: nếu lá gan lành lặn, màu sắc tươi tắn, túi mật căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh.

Đến vùng núi cao mùa Xuân, một trong những điều thú vị nhất là được đi chợ phiên. Không nơi nào có những phiên chợ rực rỡ sắc màu thổ cẩm như ở đây. Cũng thật hiếm có phiên chợ nào lại ríu rít tiếng nói cười như thế. Chợ phiên ở vùng núi cao đặc biệt là những phiên chợ Xuân, không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để gặp gỡ trò chuyện, cũng là lúc người ta tìm tới khu ẩm thực trong chợ. Ở đó có những món ăn thật sự thú vị.

Trong chợ A Pa Chải.

Chúng tối đã có dịp vào chợ A Pa Chải. Chợ A Pa Chải hay còn được gọi là chợ ngã ba biên giới, ở vùng đất tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé (Điện Biên, Việt Nam) với huyện Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Một tháng chợ chỉ nhóm họp 3 lần vào các ngày 3, 13 và 23 (dương lịch). Khách từ bên kia biên giới sang rất thích những nông cụ của bà con người Dao bên này rèn. Đó là những cái cuốc chắc chắn, những con dao dài sắc lẻm. Để có được những nông cụ tuyệt vời đó, bà con có bí quyết rèn riêng cha truyền con nối.

Chúng tôi cũng đã tới chợ phiên ở vùng cao Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Hôm ấy là thứ Năm, một ngày giáp Tết. Chợ thật đẹp với những chiếc váy nhiều sắc màu của các cô gái Mông và những chiếc áo cóm, khăn piêu dịu dàng của cô gái Thái.

Từ thành phố Sơn La, men theo những con dốc quanh co trong màn sương sớm để đến chợ Co Mạ. Chợ nằm trong thung lũng, xung quanh là núi đá và rừng xanh. Từ các ngả đường của các xã vùng cao Mường Bám, É Tòng, Long Hẹ, Pá Lông, Co Tòng, bà con nườm nượp đổ về, không khác gì đi trẩy hội. Trong chợ các hàng quán san sát nhau, bày bán đủ thứ, từ các sản vật, dụng cụ gia đình, quần áo, đồ ăn… thứ gì cũng có.

Chợ Co Mạ chia thành 3 khu. Khu thứ nhất dọc đường tỉnh 108 dài hơn 1 km bày bán nông sản như rau rừng, măng, nấm, quả rừng hay “lợn bản”,“gà bản”, cá suối... thỉnh thoảng xen vào đó là những quán ăn bán chè, bán phở. Khu thứ hai, bên trong chợ, là các sạp hàng bán quần áo, chủ yếu là trang phục truyền thống dân tộc Thái, Mông và các phụ kiện đi kèm như mũ, xà cạp, vòng tay...

Còn khu thứ ba, nói như chị Vì Thị Đấu (người bản Co Nghè) thì mới xuất hiện gần đây, nơi bà con bán sơn tra. Ông Vừ Chớ Dế (người bản Pha Khuông) cho biết, từ khi trồng sơn tra, đời sống bà con đã khá hơn hẳn. Tết đến, nhà nào cũng sung túc hơn.

Ông Dế cho biết thêm, chợ Co Mạ nhóm họp từ tinh mơ, thường thì đến hai giờ chiều sẽ tan. “Nhưng cũng có nhiều người nán lại trò chuyện ở những hàng ăn, đến chiều tối mới về. Vui lăm”- ông Dế nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi mùa Xuân đến sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO