Nối tiếp truyền thống xung kích của thanh niên

Tuấn Trung (thực hiện) 17/09/2019 14:00

Thanh niên vượt núi, vượt đèo, giúp các em nhỏ vùng sâu, vùng xa xóa mù chữ. Thanh niên xuống ruộng cùng bà con xây dựng Nông thôn mới. Thanh niên xung phong ra biên cương, hải đảo bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên “xung kích” vào thế giới 4.0… Hoạt động tình nguyện của thanh niên Việt Nam đang diễn ra rất phong phú, đa dạng.

Nối tiếp truyền thống  xung kích của thanh niên

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong tặng quà cho sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2019.

Cuộc sống luôn vận động, hoạt động của Đoàn Thanh niên cũng vận động để thích ứng với tình hình mới, nhiệm vụ mới. Nhưng trên hết, tinh thần “3 sẵn sàng”, “5 xung phong” vẫn được tiếp nối. Đó là điều mà ông Lê Quốc Phong- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn tự hào.

PV: Là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên đã phát động nhiều phong trào hành động cách mạng tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xung kích vì cuộc sống cộng đồng… Với ý nghĩa đó, xin ông cho biết phong trào hành động nào của Đoàn nổi bật nhất trong thời gian qua?

Ông Lê Quốc Phong: Mỗi giai đoạn, Đoàn Thanh niên lại có những phong trào phù hợp với tình hình thực tế. Từ năm 2017 đến nay, trong nhiệm kỳ thứ XI, Đoàn Thanh niên triển khai ba phong trào: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và ba chương trình: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm”, “Đồng hành với thanh niên nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần”. Tuy mỗi giai đoạn có những phong trào khác nhau nhưng có thể nói hoạt động xuyên suốt, nổi bật nhất, thu hút đông đảo mọi lực lượng, tầng lớp thanh niên, thanh niên với cộng đồng, xã hội chính là phong trào thanh niên tình nguyện.

Qua nhiều thế hệ, tình nguyện đã trở thành phẩm chất quý, là truyền thống đáng tự hào của thanh niên Việt Nam. Phong trào tình nguyện được các thế hệ thanh niên Việt Nam, dưới sự tập hợp, tổ chức, phát huy của Đoàn - Hội, nuôi dưỡng, bồi đắp, ngày càng rực sáng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc sống luôn vận động, đổi thay. Vậy tổ chức Đoàn các cấp đã có những đổi mới gì trong hoạt động tình nguyện để thu hút thanh niên, thưa ông?

- Qua từng thời kỳ, từ thực tiễn tình hình thanh niên và nhiệm vụ cách mạng, phong trào thanh niên tình nguyện đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên. Nhưng dù nhiệm vụ nào, thì tinh thần “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” thuở trước vẫn được tiếp nối.

Từ việc chỉ triển khai nhóm hoạt động tình nguyện nói chung, đến nay, phong trào thanh niên tình nguyện được thiết kế gồm 5 nhóm nội dung chính: Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng đô thị văn minh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đảm bảo an sinh xã hội. Những khó khăn của người dân, những nhu cầu cần hỗ trợ giúp sức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị- kinh tế- xã hội của chính quyền các địa phương trở thành động cơ thúc đẩy sự sáng tạo, chủ động của các đội hình tình nguyện.

Về phương thức tổ chức, từ những đội hình tình nguyện riêng lẻ, giờ đây đã phát triển thành các đợt hoạt động tình nguyện liên tục. Ngay trong từng chiến dịch cũng hình thành các chiến dịch “nhánh” như: Từ Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, giờ đã có chương trình “Tiếp sức mùa thi” và 4 chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”, “Hoa phượng đỏ”, “Hành quân xanh” nhằm bám sát đặc thù, điều kiện học tập, lao động, công tác của các khối đối tượng thanh niên.

Từ những đội hình đầu tiên với phần lớn là sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng đi đến các vùng ngoại thành tham gia xóa mù chữ cho bà con nhân dân, hoạt động tình nguyện đã phát triển nhanh, lan rộng ra các lực lượng thanh niên khác: thanh niên công nhân, cán bộ công chức trẻ, học sinh THPT, thanh niên lực lượng vũ trang với nội dung bám sát, đáp ứng theo yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội ở mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa bàn triển khai chiến dịch. Các hoạt động tình nguyện tiếp tục được cụ thể hóa, chuyên sâu theo từng nhóm nội dung, thành lập các đội hình chuyên đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả, tính bền vững; các đội hình tình nguyện ngày càng được tổ chức chặt chẽ, được tập huấn các kỹ năng cần thiết đảm bảo cho an toàn về người, phương tiện và hiệu quả của chiến dịch; hàm lượng kiến thức chuyên môn trong các công trình...

Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của phong trào thanh niên tình nguyện?

- Có thể thấy nhiều kết quả nổi bật của phong trào thanh niên tình nguyện. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có gần 6 triệu lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện do Đoàn, Hội tổ chức.

Phong trào thanh niên tình nguyện đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương và đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua các công trình, phần việc cụ thể góp phần xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư; an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xung kích, tình nguyện bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình triển khai phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả đóng góp tích cực cho kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cả nước. Các phong trào lớn nhất các đợt hoạt động cao điểm, thường niên.

Phong trào là trường học thực tiễn lớn của thanh niên Việt Nam; mang đến sự trưởng thành; bổ sung nhiều bài học quý, những kỷ niệm đẹp của thời tuổi trẻ mỗi chiến sĩ tình nguyện. Thông qua phong trào đã góp phần xây dựng hình ảnh người thanh niên Việt Nam thời đại mới với tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều hoạt động, phong trào của MTTQ Việt Nam không thể thiếu vai trò của Đoàn Thanh niên. Ông có thể cho biết công tác phối hợp giữa hai tổ chức trong thời gian qua? Trong nhiệm kỳ tới, mỗi bên cần có những đổi mới, điều chỉnh phương thức hoạt động như thế nào để có thể đạt hiệu quả cao nhất?

- Đoàn Thanh niên luôn nỗ lực, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động chung của Khối thi đua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai tổ chức đã đạt những kết quả tích cực, góp phần trực tiếp vào việc thực hiện Chương trình hành động Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII. Để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phối hợp thời gian tới, chúng tôi đề nghị cần đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của từng tổ chức, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với những chủ trương chung trong Khối cần chủ động ban hành sớm văn bản, thống nhất cách làm, cách thực hiện từ trung ương đến cơ sở. Đổi mới cách thức tổ chức các hội nghị, diễn đàn chung trong Khối; công tác thông tin, báo cáo định kỳ theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội.

Có kế hoạch chung để thống nhất về phương hướng triển khai hoạt động chung, hoạt động lớn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong nhiệm kỳ. Đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội, thể hiện rõ vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến đối tượng các tổ chức phụ trách. Đối với Đoàn Thanh niên là các văn bản: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên (sửa đổi); Báo cáo thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nối tiếp truyền thống xung kích của thanh niên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO