Nơm nớp nỗi lo sạt lở bờ sông mùa mưa lũ

QUẢNG NGHĨA 05/10/2021 02:16

Ngay đầu mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở bờ sông Gianh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lại tiếp diễn, ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.

Nỗi lo… mất đất

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến tình trạng sạt lở đất diễn ra tại nhiều địa phương. Bờ sông Gianh đoạn chảy qua thôn chợ Cuồi, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 55m, độ cao 7m. Nước lũ khiến các bụi tre dọc bờ sông sạt xuống dòng nước; đồng thời xuất hiện vết nứt lớn trên đường dân sinh của những hộ sinh sống tại đây.

Chỉ vết sạt lở dọc bờ sông, bà Hoàng Thị Ngân (44 tuổi, thôn chợ Cuồi, xã Tiến Hóa) kể lại: Mấy đêm xảy ra mưa lớn, nằm ngủ trong nhà tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng ầm lớn. Cầm đèn đội nón bước ra thì phát hoảng khi thấy khoảng lớn bờ sông trước nhà bị sạt lở. Suốt đêm đó cả nhà tôi hầu như thức trắng để canh sạt lở. Hiện tại, điểm sạt lở này chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Ngôi nhà vượt lũ của gia đình tôi vừa được chính quyền, Mặt trận hỗ trợ xây dựng năm ngoái. Chưa an cư lạc nghiệp được lâu dài thì nay đang đứng trước nỗi lo sạt lở. Nhìn những vết nứt kéo dài dọc ngang nơi tường nhà mà tôi lo lắm”- bà Ngân nói.

Ông Hà Duy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hóa cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, ước tính toàn xã Mai Hóa đã mất hơn 20.000m2 đất ở và đất sản xuất do sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ gia đình. Trong đó, có 24 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mới đây nhất là phản ánh của người dân về việc sạt lở bờ sông Gianh, đoạn chảy qua thôn chợ Cuồi ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Xã đã đến kiểm tra và làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng. Trước mắt, chúng tôi cùng với 5 hộ dân làm kè chắn bằng rọ đá để hạn chế sạt lở đất”.

Mưa lớn cũng khiến nhiều kênh rạch dọc bờ sông Kiến Giang (ở huyện Lệ Thủy) bị sạt lở. Sông Phú Hòa (nhánh của sông Kiến Giang) đoạn chảy qua thôn Phú Hòa (xã Phú Thủy) đã bị sạt lở tại 2 điểm với chiều dài khoảng 150m. Sạt lở đất ở sông Phú Hòa đã làm sập trụ cổng, cuốn trôi một phần sân của một hộ dân. Ông Nguyễn Văn Sự (65 tuổi, thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy) lo lắng: Cứ tình trạng sạt lở như thế này thì chỉ vài năm nữa, gia đình tôi sẽ mất nhà, mất vườn.

Không chỉ riêng tại xã Phú Thủy, dọc bờ sông Kiến Giang chảy qua các xã Trường Thủy, Thái Thủy, Mỹ Thủy, Xuân Thủy,… tình trạng sạt lở đất hai bên bờ sông cũng đang diễn ra nghiêm trọng, cuốn trôi hàng chục ha đất sản xuất, đất vườn của người dân.

Đến khi nào người dân mới an tâm?

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, trên địa bàn huyện hiện có 392 hộ, 1.428 khẩu ở 16 xã, thị trấn có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở; trong đó có 66 hộ với 251 khẩu cần phải di dời.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác; rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở, số hộ dân bị ảnh hưởng để có phương án di dời khẩn cấp khi mưa lũ lớn xảy ra; tiến hành quy hoạch các lô đất ở xen kẽ trong khu dân cư, tạo quỹ đất để bố trí dần những trường hợp ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh về điểm sạt lở ở thôn chợ Cuồi, xã Tiến Hóa ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của 5 hộ dân. Có hai giải pháp đưa ra là nắn dòng chảy và làm kè bằng rọ đá để đảm bảo an toàn cho người dân ổn định cuộc sống”. Được biết, huyện Tuyên Hóa đã bố trí ngân sách khắc phục sạt lở, gia cố một số công trình chống lũ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế nên việc khắc phục cũng chỉ mang tính chất tạm thời.

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Kiến Giang vào mùa mưa lũ bắt nguồn từ yếu tố địa chất và tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông. Để hạn chế tình trạng sạt lở này, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ các địa phương xây dựng bờ kè; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Làm thế nào để người dân sớm vơi bớt nỗi lo sạt lở bờ sông, không còn cảnh nơm nớp nỗi lo mất đất sản xuất, đất ở lâu dài… là tâm tư, mong muốn gửi đến chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Bình sớm triển khai phương án để người dân an tâm trong mùa mưa lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơm nớp nỗi lo sạt lở bờ sông mùa mưa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO