Non cao có những người thầy

Anh Tuấn 25/10/2017 08:30

Mùa này, với trẻ vùng cao được gọi là mùa đi học. Công việc nương rẫy tạm nghỉ, cùng sách vở, các em “hạ sơn”, xuống trường, xuống lớp. Để nâng bước những sự đam mê và khai sáng ấy, từ miền xuôi, nhiều thầy giáo đã khăn gói quả mướp lên cùng trò. Thầy người Kinh, trò dân tộc, họ cùng nhau gắn bó, sẻ chia với những mơ ước nhỏ nhoi bắt đầu được thắp sáng nơi rừng núi.

Thầy trò trường Nậm Ngà.

Vượt khó cùng trò

Không chỉ sự cách biệt về địa lý, khí hậu, điều kiện kinh tế… để trụ lại được với vùng đất này, để thuyết phục được những phụ huynh học sinh đưa con mình đến trường, các thầy giáo mầm non phải tự trang bị, tự học ngôn ngữ của các dân tộc như Mông, Hà Nhì, Cống, Khơ Mú… Để ngày ngày lên lớp dạy bọn trẻ biết vệ sinh thân thể, dạy cho chúng nhận biết được vật dụng hay tập cho chúng đánh vần từng chữ A, B, C… các thầy giáo đã phải cố gắng rất nhiều.

Trường THCS Nậm Ngà (Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) có 42 cán bộ giáo viên gồm cả người địa phương và người từ dưới xuôi lên. Trong số đó có chưa đầy 1/4 cán bộ, giáo viên là nữ. Số giáo viên nam còn lại duy cũng chỉ có một số thầy được coi là lão làng với thâm niên cả chục năm mới lập gia đình, còn lại 17 thầy giáo trẻ. Thầy Hoàng Văn Đức, sinh năm 1977 là hiệu phó trường và cũng là người được biết đến như “công thần khai quốc” ở vùng Nậm Ngà. Thầy Đức vào công tác trong vùng này từ những năm 2002 khi đó cả Nậm Ngà chỉ có thầy và 2 thầy giáo khác. Và phải 4 năm sau (2006) mới có mấy cô giáo mầm non vào đây.

Có thêm đồng nghiệp, thầy Đức vui lắm, vì có thêm người để chia sẻ gánh nặng học chữ cho trẻ vùng cao. Cùng vào Nậm Ngà một thời điểm với thầy Đức, thầy giáo Khánh người Phú Thọ, hiện cũng đang là hiệu phó. Vợ thầy cũng là cô giáo dạy tiểu học đầu tiên ở Nậm Ngà và nếu cô Hà vợ thầy không vào dạy ở đây thì có lẽ đến giờ thầy Khánh cũng chưa có cơ hội để lấy vợ. Không lận đận như thầy Đức, thầy Khánh; song thầy Đao Văn San – hiệu phó trường Mầm non Số 2 Tà Tổng (trường đóng ở Nậm Ngà) phải đi bộ mấy tiếng đường rừng sang tận Mường Toong (Mường Nhé, Điện Biên) để tìm vợ trong những ngày nghỉ dạy.

Trong số 17 thầy giáo trẻ ở Nậm Ngà đều chưa có vợ vì họ phải dành thời gian cho việc dậy và… dỗ trò, theo thầy giáo Nguyễn Đức Cường – Hiệu trưởng thì cũng thương đồng nghiệp trẻ trên này lắm. Nhưng vì trò, vì chữ cho trẻ em vùng cao thì đành phải chấp nhận chịu khổ, chịu khó mà thôi. Ở Nậm Ngà các thầy cô giáo sợ nhất là ốm đau. Nhắc đến chuyện ốm đau, các thầy giáo ở đây rất ngại vì đường sá xa xôi, cách trở. Năm 2010 có trường hợp của cô giáo Bùi Thị Chúc, vợ của thầy Kha Văn Thông dạy ở bản U Na 2 bị ốm. 12 thầy giáo trong trường thay nhau dùng võng khiêng vượt rừng cật lực, hơn một ngày mới ra đến huyện để cấp cứu. Rất may tính mạng cô Chúc không sao.

Hôm chúng tôi ở Nậm Ngà, thầy giáo Dự bị cảm lạnh, sốt nhập tâm co giật. Các thầy giáo phải buộc thầy Dự vào sau người mình rồi dùng xe máy chở ra bệnh viện huyện cấp cứu. Đi từ sáng sớm đến tối mới ra đế được huyện, nhờ đó mà tính mạng của thấy Dự được cứu. Hay chuyện của cô Lò Thị Hồng dạy mầm non bị ốm cũng là chuyện hy hữu. Cô bị ốm, biết là trầm trọng nên nửa đêm các thầy cùng trường đã phải buộc võng cáng cô ra bệnh xá dù đêm hôm, mưa gió mịt mùng. Người thay người, ngã nhiều hơn đi, thậm chí là trượt nhiều hơn bước vì đường đèo núi cuối cùng các thầy cô và gia đình cũng đưa cô Hồng ra được tới nơi cấp cứu. Được cứu chữa kịp thời nên tính mạng cô đã qua khỏi lưỡi hái tử thần và trở thành chuyện đáng nhớ về sự đồng cam,cộng khổ của anh em giáo viên trên đây.

Cô giáo Lò Thị Vỉnh dạy các em tập thể dục.

Vươn lên trong thiếu thốn

Không có sóng điện thoại, không nhận được công văn, thư tín mọi thông tin ở cụm trường Nậm Ngà gần như mù tịt. Có nhiều thầy cô giáo, người thân ở quê mất mãi đến gần năm sau mới nhận được tin. Ví như trường hợp của cô giáo Đặng Thị Hà, dạy Mầm Non quê ở Yên Lậm – Phú Thọ, nhận được tin bà nội mất sau 9 tháng. Theo như lời cô, khi bà nội mất gia đình cô có gửi thư lên nhưng không nhận được. Đến 9 tháng sau gia đình cô gửi bưu phẩm lên chồng cô ra huyện nhận bưu phẩm trong đó có thư lúc đó cô mới biết là bà nội mất.

Hay như thầy giáo Phạm Chung Tình quên ở yên bái nhận được tin bố mất, nhà trường và anh em đã cắt cử công việc tổ chức cho người đưa thầy ra huyện để đón chuyến xe sớm về quê. Nhưng do đường sá xa xôi, hẹp, lại nhiều đèo dốc nên 3 ngày sau thầy mới về đến nhà. Biết con ở nơi xa, gia đình chủ động việc tang gia nên khi thầy về thì mọi việc đã đều xong cả.

Lên chốn thâm sơn có tên Nậm Ngà này, ngoài các thầy cô giáo trẻ ở khu vực phía Bắc thì quả cảm hơn còn phải kể đến các thầy cô ở khu vực Bắc và Trung miền Trung như thầy Kha Văn Thông. Thầy Thông quê ở Tương Dương Nghệ An. Khi gia đình chuyển từ Tương Dương về Diễn Châu theo chương trình tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ có liên lạc với thầy nhưng không được. Đến khi được về nghỉ hè thầy Thông về Tương Dương tìm mãi không thấy nhà. May gặp người quen cho biết nên thầy lại phải bắt xe đi thêm 160 km để về Diễn Châu cuối cùng mất mấy ngày thầy mới gặp lại được gia đình.

Giờ lên lớp của thầy Kha Văn Thông.

Ở Nậm Ngà 2 năm trở lại đây có một số điểm đã có sóng, tuy nhiên phải đi mất mấy tiếng mới vớt được sóng. Đấy là hôm nào trời đẹp còn hôm nào trời mù, ấm u hay mưa, nắng quá thì cũng chịu không thể vớt nổi sóng. Cũng vì vậy mà mỗi lần có ai ra huyện là các thầy cô trong trường lại lập một danh sách hàng loạt các số điện thoại gửi ra để đến nơi có sóng gọi hộ về gia đình hỏi thăm tình hình rồi sau đó vào trường và thông báo lại. Ngoài ra các thầy cô còn đặt một trạm điện thoại ở nhà thầy giáo Hoàn ở trung tâm Tà Tổng để gia đình có chuyện gì điện lên thông báo. Sau đó thầy viết lại nội dung khi nào có dân trong Nậm Ngà ra thì thầy Hoàn gửi vào cho các thầy cô. Nếu là thông tin khẩn thì thầy Hoàn sẽ thuê dân mang vào luôn để tránh tình trạng như của cô Hà, thầy Thông trước đây.

Trao đổi với thầy Nguyễn Đức Cường hiệu trưởng nhà trường chúng tôi được biết: Đã hơn 2 năm nay, trường Nậm Ngà không nhận được thư tín, sách báo, công văn theo đường bưu điện. Các thầy cũng đã nhiều lần hỏi nhưng cán bộ thư báo của xã bảo một mình xa quá không thể đi được. Riêng đối với công văn, thông báo của ngành, thầy Cường bảo mỗi lần anh em trong trường ra huyện chở thực phẩm hay ra có việc Phòng sẽ gửi hoặc nhắn qua anh em. Anh em về thông báo lại chứ chờ công văn qua đường bưu điện chắc chẳng bao giờ phải đi họp vì nếu có chuyển đến nơi chắc họp cũng song trước mấy ngày rồi.

Chia sẻ về đời sống giáo viên ở Nầm Ngà, bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè ngậm ngùi: Cuộc sống của các thầy cô trên đây hết sức vất vả, có những điểm trường đi từ trường trung tâm đến đó cũng mất cả ngày đường. Nếu đi được xe máy thì không nói làm gì, đằng này chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ và mang theo cơm nắm. Nếu không có một tinh thần thì các giáo viên trên đây không ai cũng bám trụ được. Chính đặc thù địa hình là yếu tố hình thành đội ngũ thầy cô giáo có bản lĩnh quả cảm trên miền đất này. Còn với chính bản thân các thầy, nhu cầu cuộc sống, niềm say mê hay cái duyên với nghề là những lý do để họ đến với nghề dỗ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Non cao có những người thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO