Nóng bỏng cuộc chiến chống virus corona

Ngọc Mai (Tổng hợp) 29/01/2020 21:40

Những ngày qua, công tác phòng chống bệnh viêm phổi cấp cực kỳ nguy hiểm do virus corona gây ra đã được Chính phủ, ngành y tế cũng như các địa phương nỗ lực triển khai. Có thế thấy, chưa bao giờ việc phòng, chống dịch lại khẩn trương như lúc này, trong khi thông tin số người chết cũng như phạm vi lây lan của nó trên toàn cầu ngày một nóng lên.

Nóng bỏng cuộc chiến chống virus corona

Đoàn khách Vũ Hán (Trung Quốc )166 người được đưa về Trung Quốc từ Đà Nẵng, tối 27/1.

Những động thái trong nước

Ngày 28/1, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, do tiếp xúc với bé trai 10 tuổi người Trung Quốc nghi nhiễm virus corona, 18 y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đang được các cơ quan chức năng giám sát, theo dõi.

Trước đó, ngày 27/1, Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc đã làm thủ tục chuyển lên tuyến trên điều trị cho một bệnh nhi 10 tuổi, quê tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, nghi nhiễm virus corona. Bệnh nhi này được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc theo dõi, điều trị vào tối 26/1, khi đang cùng gia đình du lịch sang Việt Nam. Được biết, trong hành trình từ TP Hạ Long (Quảng Ninh) về Hà Nội, bệnh nhân nhi này có biểu hiện khó thở. Cháu bé đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, ngay sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, tiếp đó là Bệnh viện Nhi trung ương ở Hà Nội.

Cũng trong ngày 28/1, thông tin từ Thanh Hóa cho biết, một nữ bệnh nhân nhập viện với biểu hiện ho, sốt cao, khó thở nghi bị nhiễm virus Corona sau khi trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) được cách ly, theo dõi đặc biệt tại Bệnh viên đa khoa tỉnh này cơ bản đã ổn định, không có biểu hiện bất thường. Thông tin trên được bác sĩ Hoàng Hữu Trường- Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa xác nhận và cho biết, BV đã kiểm tra xem có bội nhiễm các vi khuẩn khác hay không và kết quả cho thấy các xét nghiệm không có gì bất thường. Trước đó, bệnh nhân được tiếp nhận vào ngày 24/1 (ngày 30 Tết), BV đã áp dụng các biện pháp cách ly an toàn tại Khoa Bệnh nhiệt đới và chăm sóc đúng quy trình theo phác đồ của Bộ Y tế. BV cũng đã tiến hành phòng hộ cho nhân viên y tế, giám sát đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân.

Một vụ việc khác cũng rất được quan tâm là tình hình 2 ca nhiễm virus corona tại BV Chợ Rẫy (TP HCM). Theo lãnh đạo BV này, tới nay sức khỏe 2 ca nhiễm virus corona đang điều trị tại BV vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi) đã tỉnh táo, tự thở, ăn uống sinh hoạt bình thường, hết sốt hơn 5 ngày. Bệnh nhân Li Ding (66 tuổi) ăn ngủ được, thở êm, phổi ít ran bên trái, chức năng gan, thận, điện giải bình thường, tuy nhiên xét nghiệm cho thấy vẫn dương tính nCoV

Cũng trong ngày 28/1, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cách ly cha mẹ nữ tiếp viên hàng không nghi nhiễm virus corona ở Quảng Nam. Đó là trường hợp liên quan tới nữ tiếp viên hàng không P.T.H.T. (30 tuổi, trú TP HCM) bị nghi là nhiễm virus corona. Theo đó, chị T. cùng cha mẹ đi xe ô tô riêng từ TP HCM về Quảng Nam ăn Tết, họ có tiếp xúc trực tiếp với nhau. Dù họ chưa có biểu hiện gì nhưng vẫn được cách ly để tiện theo dõi. Trước đó, tối 24/1, chị T. bị sốt, ho, viêm phổi, mệt mỏi. Đến chiều 26/1, chị T. nhập viện ở BVĐK trung ương Quảng Nam điều trị…

Với tất cả những trường hợp kể trên cho thấy việc chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra ở nước ta là rất khẩn trương.

Virus corona có thể lây lan trong vòng từ 1 đến 2 m

Ngày 28/1 (giờ địa phương), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng virus corona bùng phát từ TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) là “ác quỷ” và Trung Quốc tự tin giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Ông Tập nói thêm ông tin rằng WHO và cộng đồng quốc tế sẽ đưa ra đánh giá bình tĩnh, khách quan và hợp lý về virus corona.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh (ngày 28/1), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này tin tưởng vào các biện pháp phòng ngừa mà Trung Quốc áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.

Tuy nhiên, trước nguy cơ chết người từ dịch bệnh này, nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp khẩn cấp. Đó là nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Theo chuyên gia Li Xingwang (một chuyên gia y tế) mọi người đều phải đeo khẩu trang bảo vệ và giảm số lượng tiếp xúc gần đến mức thấp nhất có thể. Tiếp xúc gần ở đây là khoảng cách từ 1 đến 2 mét vì ở khoảng cách này, việc lây nhiễm có thể diễn ra- truyền thông Trung Quốc dẫn lời. Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng virus cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc nếu nó xâm nhập vào mắt người hoặc trên màng nhầy. Trong khi đó, thật đáng lo ngại khi biết rằng, virus corona được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và hiện ít nhất nó đã có mặt tại Australia, Canada, Việt Nam, Đức, Campuchia, Malaysia, Nepal, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Thái Lan, Pháp, Nhật Bản, Sri Lanka.

Chạy đua với thời gian

Tới thời điểm này, giới khoa học đang chạy đua với tốc độ kỷ lục để điều chế vaccine phòng ngừa chủng virus gây dịch viêm phổi cấp, “nhưng có lẽ họ sẽ cán đích quá muộn”- theo cảnh báo của giới chuyên gia. Người ta nhớ lại, trong thực tế, vaccine có tác dụng giới hạn trong việc làm chậm đà tiến của dịch Zika ở Mỹ Latinh vào năm 2016, cũng như trước đó là dịch Ebola hoành hành Tây Phi trong giai đoạn 2014-2016. Nói chính xác, lúc đó vaccine chưa sẵn sàng vào thời điểm bùng nổ bệnh dịch. Lần này cũng vậy, việc điều chế vaccine chống virus corona vẫn chưa khả quan- theo chuyên san Science, hôm 27/1. Trước đó, vào ngày 23/1, Liên minh Các sáng kiến chuẩn bị dịch bệnh (CEPI)- trụ sở tại Na Uy- đã trao 12,5 triệu USD cho 3 hãng dược nghiên cứu và phát triển vaccine 2019-nCoV (corona mới). Cùng đó, Công ty Inovio ở Philadelphia (Mỹ) cũng đã nghiên cứu vaccine 2019-nCoV với sự hỗ trợ của CEPI. Và cả Moderna lẫn Inovio đều tự tin cho rằng họ có đủ vaccine để bắt tay vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật trong vòng một tháng tính từ thời điểm này. Nhóm nghiên cứu khác là các nhà nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) hy vọng có thể điều chế vaccine sẵn sàng cho công đoạn thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần nữa.

Đáng chú ý, một nhóm nghiên cứu Hong Kong (Trung Quốc) mới đây đã tuyên bố chế được vaccine “cho virus Vũ Hán”, nhưng cần thời gian để thử nghiệm. Ngày 28/1, Giáo sư Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển được vaccine cho virus corona mới. “Chúng tôi đã sản xuất được vaccine nhưng sẽ cần nhiều thời gian để thử nghiệm trên động vật”, thời gian có thể mất chừng 1 năm.

Cũng trong nỗ lực chống virus coorona, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gặp quan chức Trung Quốc để thu thập thông tin và bàn biện pháp kiểm soát dịch. “Chúng tôi đang làm việc 24/7 để hỗ trợ chính quyền và người dân Trung Quốc trong thời gian khó khăn này và giữ liên lạc chặt chẽ với các nước bị ảnh hưởng”- GS Ghebreyesus cho biết.

5 khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng đề phòng, tránh dịch viêm phổi cấp

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng bỏng cuộc chiến chống virus corona

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO