'Nóng' điều kiện kinh doanh gas

Thanh Giang 30/09/2016 06:35

Ngày 29/9, tại TP HCM, Bộ Công thương tiếp tục lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương. Tại đây, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến quy định kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng (LPG - gas).

Kinh doanh gas đang được sắp xếp lại trật tự cùng các điều kiện mới.

Ông Phan Tấn Bửu - đại diện Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh PLG tại Quảng Nam – Đà Nẵng gặp vướng mắc liên quan đến Nghị định 19/2016/NĐ-CP về quản lý kinh doanh LPG.

Theo ông Bửu, Nghị định 19 đang gây khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vì nhiều quy định bất cập. Ông Phan Tấn Bửu chỉ ra một vài vướng mắc cần tháo gỡ.

Thứ nhất, quy định về điều kiện kinh doanh của thương nhân đầu mối phải có số lượng chai LPG các loại có sức chứa tối thiểu 2.620.000 lít và sở hữu trạm chiết nạp.

“Các tỉnh nhỏ, quy mô thị trường không lớn thì doanh nghiệp kinh doanh trạm chiết không thể đáp ứng đủ điều kiện”, ông Bửu giải thích.

Vấn đề thứ hai được đề cập đó là, theo quy định điều kiện về tổng đại lý thì kho phải có tổng sức chứa 2.000 vỏ bình. Trong khi đó nhiều địa phương không có lập kho chứa gas ở khu dân cư. Mà vào khu công nghiệp doanh nghiệp không có khả năng thuê diện tích đất khá lớn, nhỏ nhất cũng 10.000 m2.

Ông Phan Tấn Bửu khẳng định, Nghị định 19 đang làm khó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong ngành. Liên quan đến việc kinh doanh LPG, ông Nguyễn Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí LPG, đồng thời đại diện cho các doanh nghiệp gas miền Trung cho rằng, cải cách nhưng không có nghĩa bỏ qua điều kiện kỹ thuật, nhất là ngành kinh doanh có điều kiện về an toàn cháy nổ thì vấn đề an toàn phải được đưa lên hàng đầu... Nếu để trạm chiết chỉ có hợp đồng thuê, không đủ vỏ bình, chiết lậu, các bình gas không đảm bảo kỹ thuật.

“Tôi tha thiết đề nghị Bộ Công thương xem xét kỹ. Không thể tách rời trạm chiết ra khỏi các thương nhân đầu mối vì không có bình gas thì chiết sao được”- ông Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.

Ủng hộ quy định mới về điều kiện kinh doanh LPG, đại diện Công ty Gas Petrolimex cũng cho rằng, theo Nghị định 19, LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi sự đầu tư và kinh doanh bài bản, chính vì lẽ đó mà quy định vỏ bình, kho chứa như hiện tại là phù hợp nên giữ nguyên. Song vị đại diện này cũng bày tỏ quan điểm không nhất thiết cứng nhắc về việc quy định “đồng sở hữu” và quy định một tổng địa lý được ký với bao nhiêu thương nhân. Nếu như quy định như vậy đồng nghĩa với việc hạn chế người bán và người mua.

Trước thắc mắc của doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh LPG, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Nghị định 19 thực chất sửa đổi lại Nghị định 107 trước đây và đã hạ thấp một số điều kiện so với Nghị định 107. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi xây dựng một văn bản pháp luật sẽ phải đáp ứng nhiều mục tiêu.

Với một mặt hàng nhạy cảm như gas với mong muốn lập lại trật tự thị trường, tạo thuận lợi cho người kinh doanh,… chắc chắn sẽ có tác dụng phụ, ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp nào đó. Bộ khẳng định, điều kiện mới không có ý định gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi sân chơi. Nếu doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện có thể làm tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh. Doanh nghiệp chưa có đầu tư lớn sẽ nằm ở phân khúc khác trong chuỗi kinh doanh.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở chuỗi kinh doanh LPG chứ không phải là có ý định gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi ngành kinh doanh gas”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nóng' điều kiện kinh doanh gas

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO