Nóng phiên thảo luận về tăng giờ làm thêm

H.Vũ 15/08/2019 07:30

Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Vấn đề mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Về mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc kéo dài thời gian làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời gian làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động. Đáng quan tâm hơn, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm gấp 2 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày) là vấn đề cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời gian làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, vấn đề này cần phải được cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc. Về thời gian làm việc bình thường, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nguyện vọng của đa số người lao động, Ủy ban đề xuất hai phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án 1: Như dự thảo Chính phủ đã trình Quốc hội. Phương án 2 được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đa số ý kiến người lao động, đó là, thời giờ làm việc bình thường là 8 giờ/ngày và 44 giờ/tuần được thể hiện tại Điều 107 của dự thảo Bộ luật.

Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu luật hướng tới là quan tâm đến đời sống của người lao động, bởi đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Nếu làm không tốt thì ảnh hưởng tới tâm tư nguyện vọng của người lao động, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh trật tự, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động. “Do đó vấn đề này cần xin ý kiến nhân dân vì mục tiêu hướng tới là tăng lương, giảm giờ làm”-ông Tỵ đặt vấn đề và cho rằng tăng giờ lao động chỉ phù hợp với “mùa vụ”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cho biết qua tập hợp ý kiến, nhiều cử tri không đồng ý thỏa thuận làm thêm tối đa tăng lên 400 giờ/năm và cần đánh giá tác động thận trọng hơn. Bà Hải đặt vấn đề: “Nếu thời gian tăng lên vậy vì sao lại tăng gấp đôi? Vì đúng theo quy định là 200 giờ/năm nhưng hiện đã tăng tối đa lên 300 giờ/năm, và giờ đề xuất lên 400/năm?”.

Theo bà Hải, nếu tăng giờ thì có lợi cho giới chủ sử dụng lao động vì không phải tuyển thêm lao động mới. Ví dụ năm nay phải tăng thêm 100 người nhưng vì tăng giờ làm thì không cần tuyển thêm người mới nữa, không tuyển thêm người mới thì không phải mua BHXH. Điều này dễ khiến doanh nghiệp lợi dụng để ép tăng giờ làm thêm, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động, nhất là hiện nay tình trạng trốn đóng BHXH đang tăng rất nhiều.

Bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc tăng thời gian lao động lên 400 giờ/năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần có sự kiểm soát, giám sát vấn đề này. “Người lao động sẵn sàng bán sức lao động làm việc thêm giờ cũng chưa phải là tốt, còn chủ doanh nghiệp lợi dụng để ép người lao động. Cho nên cần có cơ chế để kiểm soát việc tăng thêm giờ làm việc”-ông Lưu bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động tới từng đối tượng, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp thu ý kiến của ĐB QH để đánh giá thấu tình đạt lý, thuyết phục. Về việc này cần lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

“Khối Nhà nước làm việc 40 giờ/ tuần, nghỉ thứ 7, chủ nhật. Còn khối ngoài Nhà nước là 48 giờ/tuần, nghỉ chủ nhật. Cho nên mục tiêu hướng tới giảm xuống 44 giờ/tuần là tiến bộ. Hiện chưa giảm được mà lại tính tăng thêm giờ làm. Xã hội văn minh mà giờ chúng ta ngồi tính tăng thêm thời gian lao động là việc cần hết sức cân nhắc. Quan điểm cá nhân tôi là không đồng ý”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tăng tuổi nghỉ hưu vì mục tiêu lâu dài

Về tăng tuổi nghỉ hưu hiện nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.

Trước vấn đề trên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và với mục tiêu lâu dài để chủ động chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng phiên thảo luận về tăng giờ làm thêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO