Nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Đầu tàu phải là doanh nghiệp

Minh Phương 09/10/2019 07:10

Để nông sản Việt có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, rất cần mắt xích quan trọng là doanh nghiệp (DN). DN chính là “đầu tàu” trong các mô hình liên kết với nhà sản xuất, cũng là đầu tàu để đưa nông sản ra thế giới.

Nhận định trên được đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội.

Nông sản chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp

Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, đứng thứ 15 trên thế giới, đồng thời các mặt hàng nông sản đã có mặt tới gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo,… Song thực tế bức tranh xuất khẩu nông sản thời gian qua cho thấy, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chất lượng thấp và vấn đề về an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất thiếu tính bền vững…

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Khi vươn ra thị trường thế giới, có đến đến 80% hàng nông sản Việt Nam thông qua các thương hiệu nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa rằng, các sản phẩm nông sản Việt mới chỉ tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội để nông sản Việt đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu là rất lớn. Song, nếu chỉ đơn thuần xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp thì sẽ là vô cùng đáng tiếc, rất thiệt thòi cho người nông dân Việt Nam. Chính bởi vậy, vấn đề đặt ra là: Làm sao để nâng giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt, làm sao để nông sản Việt tham gia được khâu tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi nông sản toàn cầu, như vậy đời sống nông dân mới thực sự được nâng lên.

Trả lời câu hỏi này, hầu hết các ý kiến tại Diễn đàn đều khẳng định: Vai trò của DN trong chuỗi giá trị nông sản là vô cùng quan trọng. Song tính liên kết giữa DN và nhà sản xuất trong chuỗi này đang rất yếu.

Mắt xích quan trọng là DN

Khẳng định vai trò của DN là quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, song, nhiều ý kiến DN tại Diễn đàn đều chung một băn khoăn, đó là câu chuyện về đất đai, đặc biệt là vốn. Ông Nguyễn Danh Vững, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình nêu: Với sản xuất nông nghiệp hiện nay, DN và người nông dân chưa gặp được nhau. Người nông dân có đất nhưng không có tiền còn DN thì có thể có tiền nhưng lại thiếu đất. Chúng ta chưa có những cơ chế để DN và người nông dân tiếp cận được với nhau, tạo thành một chuỗi khép kín để hỗ trợ cùng phát triển.

Cũng nêu lên những khó khăn về vốn, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phản ánh, từ Trung ương đến địa phương, từ DN đến nông dân đều rất cần mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị. Nhưng mô hình đúng đắn, hiệu quả và cần thiết này không phát triển nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng lớn liên kết ở các địa phương ngày càng thu hẹp dần, nguyên nhân chính là do thiếu vốn, kể cả vốn trung - dài hạn và nguồn vốn ngắn hạn. Ông Bình cho rằng, nếu DN được vay đủ vốn để thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết, thì chỉ sau 3 đến 5 năm, ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ phát triển bền vững ổn định.

Trả lời về những điểm nghẽn tiếp cận vốn của DN, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết bộc lộ nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của các đối tượng trong chuỗi rất yếu, hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay theo chuỗi. Nhiều DN nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo…

Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh sự liên kết giữa các DN là vô cùng quan trọng. Chính DN là lực lượng thâm nhập thương trường quốc tế, hiểu được quy định quốc tế, từ đó quay trở lại hướng dẫn người dân sản xuất, chế biến, đóng gói và giúp bao tiêu sản phẩm. “Sự liên kết, hợp tác đó là rất cần thiết và cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hơn nữa và đặc biệt là hướng tới sản xuất nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc và có giá trị gia tăng cao hơn” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Đầu tàu phải là doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO