Nông sản ùn ứ, làm gì?

Duy Phương 29/12/2015 09:15

Mối lo lắng trước nguy cơ ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh và một số cửa khẩu phía Bắc vẫn là một điệp khúc quen thuộc. Chiều 28/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức họp bàn giải pháp tiêu thụ dưa hấu vụ mùa 2015-2016 với mục tiêu tìm ra cách khắc phục thấp nhất nguy cơ ùn tắc nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có thể xảy ra trong vụ mùa tới.

Mùa cam sành ở Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: TTXVN.

Giảm tải cho cửa khẩu Tân Thanh

Nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm nông sản của Việt Nam cứ vào trúng vụ lại rơi vào cảnh ùn ứ tắc nghẽn khi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai.

Theo bà Đặng Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), dưa hấu là một trong những loại nông sản ngắn ngày thường thu hoạch sản lượng lớn vào mỗi vụ mùa song diện tích không ổn định và chưa được quy hoạch nên khi vào mùa vụ, thường được thu hoạch ồ ạt và xuất khẩu cũng với sản lượng lớn. Trong khi đó, cửa khẩu duy nhất mà dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chính là Tân Thanh (Lạng Sơn).

Vào chính vụ, theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, mỗi ngày tại cửa khẩu Tân Thanh có tới 700- 800 xe chở dưa hấu chờ xuất khẩu. Thế nhưng, sức chịu đựng của cửa khẩu chỉ có thể đạt mức 300-350 xe, do đó, không thể tránh khỏi tình trạng ùn tắc nông sản như trong thời gian vừa qua.

Nêu lên một trong những nguyên nhân khiến cho cửa khẩu Tân Thanh thường xuyên chịu cảnh ùn ứ mỗi khi vào một vụ mùa nông sản, bà Thảo cho hay, phía Trung Quốc chỉ làm thủ tục nhận trái cây tươi, trong đó có dưa hấu và các sản phẩm nông sản khác tại cửa khẩu Tân Thanh, không nhận tại các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Lạng Sơn, dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ, nhất là vào thời điểm chính vụ thu hoạch.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở hạ tầng như đường sá, bến bãi, khó chứa.. từ tuyến đường dẫn từ TP Lạng Sơn đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lớn dẫn đến năng lực tiếp nhận và giải phóng hàng hóa chỉ đáp ứng được tối đa 300 xe/ ngày.

“Thực trạng này đòi hỏi vụ mùa dưa tới đây, các cơ quan chức năngphải nỗ lực để tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh như đã từng diễn ra hàng năm, gây tổn thất lớn cho bà con nông dân cũng như thiệt hại nặng nề cho DN xuất khẩu” – lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nêu quan điểm.

Cùng ngày (28/12), tại TP HCM, Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế tổ chức hội nghị Phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế khẳng định, hội nhập vừa có cơ hội, vừa có thách thức. Trường hợp, có sự thống nhất về nhận thức rủi ro và hành động thì thách thức không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Nhìn nhận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, TPP là hiệp định thương mại khá khó khăn so với các hiệp định khác song sau hơn 5 năm đàm phán thành công bước đầu mở ra. Các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại và chính thức tuyên bố kết thúc hiệp định TPP. Vấn đề còn lại hiện nay là chờ sự chấp thuận từ phía Quốc hội các nước.

T. Giang

Sẽ thêm nhiều điểm thông quan

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra đề xuất, thực trạng ùn tắc cục bộ các mặt hàng nông sản tại cửa khẩu rất cần sự vào cuộc của cả DN và nhà quản lý. Trong đó, DN nên xem lại phương thức vận chuyển hàng hóa mà chúng ta đang làm trong thời gian qua.

“Hàng hóa xuất khẩu bao giờ cũng được đối tác lựa chọn kỹ càng, nhưng cách vận chuyển hàng của DN chúng ta vẫn thô sơ, chúng ta chỉ lót rơm rạ ở dưới rồi cứ thế vận chuyển hàng tấn nông sản qua chặng đường dài hàng trăm cây số, như vậy làm sao đảm bảo được chất lượng hàng hóa. Do đó cần phải thay đổi cả phương thức vận chuyển” – theo lãnh đạo Cục Trồng trọt.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ nông sản, thu hoạch cấp tập một loại nông sản dồn về cửa khẩu Tân Thanh như đã diễn ra trong thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp các địa phương định hướng cho bà con nông dân trồng xen canh rải vụ, có nghĩa là không tập trung trồng ồ ạt một loại cây vào một thời điểm để hạn chế thu hoạch cùng một lúc gây ế thừa, rồi lại bị thương lái ép giá.

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Nam cũng cho rằng, nhà quản lý cần quan tâm tạo điều kiện cho các DN hai bên ký kết hợp đồng chặt chẽ, như vậy có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc.

“Nếu chúng ta tạo điều kiện giữa DN 2 nước để có thể làm theo hợp đồng một cách chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn hàng hóa thì hiện tượng ùn ứ cục bộ này sẽ được giải quyết và đặt nền móng cho lâu dài.” – Thứ trưởng Nam đặt vấn đề.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần sớm triển khai xây dựng Khu trung chuyển hàng nông sản xuất khẩu tại Lạng Sơn để làm điểm tập kết khi lượng xe dồn về quá nhiều vượt quá khả năng thông quan.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để mở thêm các điểm thông quan ở biên giới trên cơ sở hạ tầng đã có sẵn tại một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… ưu tiên điểm có đơn vị chức năng của 2 bên để có thể xây dựng các điểm thông quan nhằm giảm bớt “gánh nặng” cho cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản ùn ứ, làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO