Nông sản Việt chinh phục thị trường

Minh Phương 25/02/2019 08:00

Cùng với các loại trái cây như thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa… trái xoài của Việt Nam mới đây cũng đã chính thức được xuất khẩu sang Mỹ - một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Đây là một tin vui và tiếp tục khẳng định thế mạnh của ngành nông sản nước nhà. Song để duy trì “phong độ” cũng như khẳng định vị thế trên thị trường thế giới thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nông sản Việt chinh phục thị trường

Trái cây Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Nhiều loại trái cây thâm nhập thị trường khó tính

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trái xoài của Việt Nam sắp chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009. Đây cũng là loại quả thứ 6 của Việt Nam vào thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long.

Xoài Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand... Mỹ là một trong những thị trường khó tính bậc nhất, khắt khe với nhiều điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Bởi vậy, việc trái xoài Việt Nam đã được Mỹ mở cửa nhập khẩu thực sự là một tin vui cho ngành nông sản nước nhà.

Theo các chuyên gia, để vào được Mỹ, xoài Việt Nam phải đáp ứng được 3 yêu cầu cơ bản, gồm: Vùng trồng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và phải được cấp mã số (phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NNPTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng); đơn vị thực hiện đóng gói sản phẩm được Mỹ chứng nhận đáp ứng yêu cầu và được cấp mã số đóng gói; cuối cùng là nhà máy chiếu xạ phải được phía Mỹ chứng nhận.

Hàng năm nước Mỹ nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ ( ví dụ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong khi, nguồn cung nội địa của nước này chỉ đáp ứng được một lượng rất nhỏ. Hiện sản lượng xoài trồng ở Mỹ mỗi năm chỉ được khoảng 3.000 tấn, bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm. Như vậy, có thể thấy tiềm năng của quả xoài Việt Nam vào thị trường Mỹ là rất lớn.

Xoài cũng như nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam ngày càng chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, ngành nông sản nước nhà còn rất nhiều việc phải làm để có thể khẳng định được vị thế của mình trên sân chơi quốc tế.

Nông sản Việt chinh phục thị trường - 1

Thanh long- một trong những sản phẩm trái cây xuất khẩu uy tín.

Xây dựng bằng được thương hiệu

Để có thể vào được các thị trường khó tính, trái xoài cũng như các sản phẩm nông sản khác đã phải trải qua nhiều “thách thức”, trong đó đó phải kể đến các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm nông sản của nước nhà vẫn chủ yếu vẫn được sản xuất theo mô hình “tự phát”, vẫn rất manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Và đây chính là rào cản lớn nhất gây khó khăn cho ngành nông sản trong việc tiêu thụ, tìm đầu ra cả nội địa cũng như xuất khẩu.

Chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận: Nông sản Việt đang tồn tại nhiều hạn chế, đối mặt với nhiều thách thức cũng như rào cản trên đường vươn ra thế giới. “Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ với 7 triệu hộ, đất đai manh mún… chính là những yếu tố cản trở quá trình đổi mới phương thức quản trị, cản trở quá trình sản xuất lớn, tập trung để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng”- Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, nếu nông sản Việt tạo ra được những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh như những đòi hỏi theo “mệnh lệnh của thị trường” thì sẽ không có rào cản nào gây khó được chúng ta.

Tất nhiên để đạt được những tiêu chí nói trên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, cần phải giải tỏa được điểm nghẽn trong quá trình tích tụ đất đai của các doanh nghiệp. Điểm nghẽn này cản trở quá trình hình thành sản xuất tập trung, quy mô lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực rất cần đất rộng. “Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đến đất đai; Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu các chính sách để từ đó điều chỉnh theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ tư nhân, thành phần kinh tế tích tụ trong liên kết đất đai, các điều kiện nguồn lực khác, để hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, tạo ra năng lực sản xuất lớn hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Bên cạnh đó, để các sản phẩm nông sản Việt đi xa hơn nữa, tiếp cận được các thị trường khó tính như Hòa Kỳ, Nhật Bản, EU, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Theo giới chuyên gia, thương hiệu nông sản Việt trong thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện có rất nhiều nông sản của chúng ta đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được cũng chỉ vì vi phạm vấn đề này.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu có thể khơi thông dòng chảy các sản phẩm nông sản trong bối cảnh hội nhập hiện nay, TS Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thực tế, phần lớn mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn là xuất thô, chưa có thương hiệu. Đây chính là rào cản khiến nông sản Việt luôn rơi vào thế bị động, giảm giá trị trên thị trường thế giới. Ông Thành cũng nhấn mạnh vào yếu tố xây dựng thương hiệu đối với các nông sản Việt Nam. Vì đó là hướng đi quan trọng để các sản phẩm nông sản vươn ra thị trường thế giới và khẳng định được vị thế của nông sản nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản Việt chinh phục thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO