Nông sản Việt chinh phục thị trường tỷ đô

Lê Bảo-Minh Sang 21/07/2022 08:36

Hàng nông sản Việt Nam có mặt tại những thị trường lớn như: Nhật, Mỹ và EU không còn là câu chuyện mới. Những nỗ lực mở cửa thị trường cùng với việc tổ chức sản xuất ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm đang là điểm tựa đưa nông sản Việt vươn xa cũng như tiến tới mục tiêu xuất khẩu mới với giá trị 55 tỷ USD trong năm nay.(Xem tiếp tr 6+7)

Xuất khẩu nông sản tiếp tục mang về những con số ấn tượng trong 6 tháng đầu năm .

Theo thống kê Việt Nam có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và đầu vào phục vụ sản xuất. Nói về mặt hàng nằm trong nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,1 tỷ USD. Hiện, xu hướng tiêu dùng sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: Ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ... đều là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Điểm danh hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô

Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê, rau, quả cũng đang đón nhận nhiều đơn hàng lớn, xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường tiềm năng rất lớn đối với rau, quả Việt Nam, nhất là sản phẩm có thế mạnh như: Chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải… Ngoài ra, nhiều DN xuất khẩu nông sản đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung cho sản phẩm chế biến, khai thác đa dạng các khối thị trường.

Theo thống kê chỉ trong nửa đầu năm 2022, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã kịp thời cấp gần 200 giấy chứng nhận chủng loại gạo xuất đi châu Âu và Anh để hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan xuất khẩu các mặt hàng của ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm như: Chanh leo, sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày 12/7, sầu riêng Việt Nam chính thức được thông quan chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là tin vui lớn với ngành rau quả Việt Nam. Trước đó, nhiều DN trồng sầu riêng tại Bình Phước đã nhận thấy tiềm năng cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc và đã sớm tư duy, thay đổi chuỗi sản xuất.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu, cho biết Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng đầy tiềm năng. Thị trường Trung Quốc chủ yếu thu mua sản phẩm sầu riêng cấp đông, vì vậy Công ty Chánh Thu đã đầu tư dây chuyền cấp đông sầu riêng.

Theo ông Lưu Lý Hoàng - Giám đốc quản lý đầu vào Công ty Minh Hàng, xuất khẩu tiểu ngạch, DN phải tốn chi phí thấp nhất 700 - 800 triệu đồng cho mỗi container sầu riêng. Nhưng nếu xuất khẩu chính ngạch, chi phí sẽ giảm hàng trăm triệu đồng mỗi container, từ đó giúp DN và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Cùng với rau quả, các DN xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng bởi do ảnh hưởng xung đột với Nga, nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy ngành hàng này phát triển tốt.

Vẫn nhiều trăn trở

Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm đặc biệt là đưa hàng nông sản Việt đến những thị trường tiềm năng gặp không ít thách thức. Tại EU - thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, việc xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 10% các DN Việt Nam hiểu rõ về EVFTA. Như vậy, có đến 90% DN Việt không hiểu hoặc chưa hiểu toàn diện về hiệp định thương mại song phương này. Điều này có thể là rào cản hạn chế DN Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội từ thị trường EU.

Đánh giá tiềm năng thị trường châu Âu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết quan hệ thương mại nông nghiệp, nông sản giữa Việt Nam và châu Âu phát triển rất tốt. Tuy nhiên, rất nhiều DN còn thiếu thông tin. Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng thiếu thông tin về các quy định cụ thể về an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Còn nhiều rào cản về kỹ thuật mà hai bên cần tháo gỡ để tăng cường kết nối, giải tỏa vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Dù 6 tháng đầu năm ngành gỗ và lâm sản mang về 8,1 tỷ USD nhưng theo ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), hiện ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc. Đặc biệt là tại Mỹ - một thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam - sự biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành.

Còn theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm có khả năng gặp khó khăn khi tình hình lạm phát kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ tôm trong các tháng cuối năm.

Chuẩn bị gạo cho xuất khẩu. Ảnh: Mộc Minh

Xúc tiến mở rộng thị trường

Năm 2022, xuất khẩu nông sản đề ra mục tiêu phấn đấu cán đích con số 55 tỷ USD (cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao 5 tỷ USD). Để đạt được mục tiêu này, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường ôn đới của EU. Hiện nay Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như: gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều,...

“Hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội để cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, các DN hai bên cần cùng nỗ lực tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong đó DN Việt cần có những kế hoạch cụ thể để tiếp cận và nắm bắt cơ hội từ EVFTA đem lại” - ông Công nhấn mạnh.

Từ góc độ DN, theo đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, qua các hội chợ quốc tế, điểm mà các DN Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Khi các DN tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực.

Để đạt mục tiêu đề ra cũng như mở hướng mới cho xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, những tháng cuối năm Bộ sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị cao để bù cho những sản phẩm có thể không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Cùng với các mặt hàng, nhóm hàng đang phát triển đã có thị trường tiêu thụ ổn định, Bộ tiếp tục đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, triển khai nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi tới Mỹ.

Nếu quả bưởi được cấp phép xuất khẩu vào Mỹ thì đây sẽ là loại quả thứ 7 của Việt Nam vào thị trường này, sau xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long.

Sau quả bưởi, quả dừa sẽ được đưa ra để tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đề nghị phía Mỹ tiến hành đàm phán theo phương thức rút gọn. Không chỉ Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng. Điển hình như: bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, tôm sang Hàn Quốc; bưởi, xoài sang Myanmar; chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa sang Thái Lan; chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu sang New Zealand hay chanh leo sang Australia…

Ông Hoàng Xuân Khang - đại diện Công ty international Fresh Group (Công ty chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu) cho biết, hiện sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc. Những khó khăn, thách thức lớn đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe của thị trường này về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Ông Khang cũng cho rằng, đối với các DN, cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả các DN xuất khẩu còn lại. Do đó, các DN cần phát huy cách nghĩ, cách làm “một người vì tất cả, tất cả vì một người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản Việt chinh phục thị trường tỷ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO