Nông thôn trước bước ngoặt chuyển mình

Ngọc Quang 04/08/2022 06:30

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 923 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); Quyết định 924 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Quyết định số 926 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025.

Đường hoa nông thôn mới ở Hải Hậu, Nam Định.

Đây là những quyết định quan trọng của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân; đặc biệt khi nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát gia tăng. Cùng đó, tới nay Việt Nam vẫn còn gần 70% dân số sống ở khu vực nông thôn.

Các quyết định kể trên bao trùm các chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo).

Với Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh; phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM. Từ đó, phấn đấu ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Với Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương. Theo đó, các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng; tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư... Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ và người dân về xây dựng NTM...

Với Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM, mục tiêu chung là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng NTM, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.

Chương trình cũng đề cập tới những mục tiêu cụ thể như: Tập trung đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; kiềm chế và kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự so với năm trước, mỗi địa phương kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với thống kê năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch Covid-19).

Nhiều năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, văn minh đô thị” được triển khai mạnh mẽ trong phạm vi cả nước, với những thành tựu quan trọng, trong đó có phần đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Từ đó, bộ mặt nông thôn dần thay đổi, cuộc sống của người nông dân ngày một đi lên.

Ngày 27/6, phát biểu tại Hội nghị tập huấn toàn quốc về công tác tổ chức vận động quyên góp, cứu trợ do Mặt trận chủ trì theo Nghị định số 93 của Thủ tướng Chính phủ và tập huấn nâng cao năng lực triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị", giai đoạn 2021-2025, tổ chức tại Cần Thơ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, văn minh đô thị" được triển khai từ năm 2016 và được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xác định là một trong những công tác trọng tâm trong thời gian qua và cả trong thời gian tới. Với quan điểm xây dựng NTM, cải thiện đời sống người dân là một hành trình, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; xác định nội dung trọng tâm phù hợp với bối cảnh của từng địa phương, đất nước trong từng giai đoạn để đảm bảo cuộc vận động đạt thực chất, không chạy theo hình thức.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Đối cấp huyện, phấn đấu có trên 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Ở cấp tỉnh, sẽ có 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. "Đặc biệt, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới tháng 4/2022, cả nước có 5.706 xã/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn NTM; trong đó 663 xã đạt chuẩn nâng cao và 71 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh gồm Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương được Thủ tướng công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 63 tỉnh/thành phố đánh giá, phân hạng và Quyết định công nhận 7.463 sản phẩm "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) với 4.061 chủ thể tham gia. Cả nước có 18.460 hợp tác xã nông nghiệp, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả chiếm trên 60% tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông thôn trước bước ngoặt chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO