Thành lập Hội bảo vệ, phát huy di sản 'Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt'

Duy Hưng 27/11/2020 19:03

Từ chỗ hoạt động độc lập, riêng lẻ, cộng đồng thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu ở Nam Định vừa có “mái nhà chung”, theo luật lệ, tôn chỉ…

Ngày 27/11, Ban vận động thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định tổ chức Đại hội thành lập Hội này, với sự tham dự của 269 hội viên đợt đầu, là những thủ nhang, thanh đồng, cung văn, nhà nghiên cứu…đại diện cho cộng đồng thực hành tín ngưỡng ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh.

Tỉnh Nam Định được biết đến là một Trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ của người Việt với những nơi lưu dấu vết giáng thế của Thánh Mẫu Liễu Hạnh-vị thần chủ của tín ngưỡng-là Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (huyện Ý Yên). Hiện tại trên địa bàn tỉnh có tới gần 400 điểm thờ Thánh Mẫu.

Một giá hầu đồng ở Phủ Dầy (Nam Định).

Năm 2012, 2013, Nghi lễ Chầu Văn ở Nam Định và Lễ hội Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 1/12/2016, UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh Nam Định cũng là tỉnh đã đại diện cho các địa phương ở Việt Nam có di sản này chủ trì xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức đón bằng UNESCO vinh danh di sản ngày 2/4/2017.

Khi ấy, trong bài phản ánh sự kiện, Đại Đoàn Kết Oline đặt câu hỏi “Sau vinh danh là gì?” Và, hôm nay, được tỉnh Nam Định, cụ thể là đại diện cộng đồng những người đang thực hành tín ngưỡng ở địa phương “trả lời” bằng một trong những hoạt động cụ thể là Đại hội thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” của tỉnh.

Tại sự kiện, PV ghi nhận nhiều đại biểu xúng xính trong trang phục đặc trưng của tín ngưỡng Thờ Mẫu; nhiều thời điểm đồng loạt dùng điện thoại Livetream sự kiện lên mạng xã hội, cho thấy cộng đồng thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu ở Nam Định rất trông đợi và hào hứng với sự kiện thành lập Hội.

Có lẽ rất “thấm” với điều căn cốt di sản là của cộng đồng, do cộng đồng là chủ thể, bảo vệ, phát huy một di sản như tín ngưỡng Thờ Mẫu trước hết là trách nhiệm của cộng đồng nên tại Đại hội, nhiều ý kiến thể hiện rất rõ sự tâm huyết, trách nhiệm với việc bảo vệ, phát huy di sản. Như bà Trần Thị Vân, Nghệ nhân ưu tú, Thủ nhang Phủ Quảng Cung (huyện Ý Yên) chỉ ngắn gọn: “Hội phải thực sự đoàn kết, vui vẻ nhưng phải thật sự kỷ cương; không làm những điều những việc để xã hội xem tín ngưỡng Thờ Mẫu là mê tín, dị đoan”. Hay, một đại biểu khác thì đề xuất một trong những việc Hội phải làm được là bảo vệ, giữ gìn lề lối hát văn, hầu đồng chuẩn mực, ngăn chặn cho được sự biến tướng…

Quang cảnh đại hội

Trong một buổi sáng, Đại hội cũng đã thực hiện được những việc quan trọng như thông qua được Dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội, phương án hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2020-2013; phương án thu và sử dụng quỹ Hội; Bầu được Ban chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên…

Trong đó, Điều lệ Hội xác định rõ Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tập hợp, đoàn kết cộng đồng tôn trọng tín ngưỡng thờ Mẫu, tâm huyết, trách nhiệm chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Thông qua các hoạt động của Hội nhằm tuyên truyền, bảo vệ những giá trị của di sản, đấu tranh, phê phán những hành động làm sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của di sản; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và cộng đồng; đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương của nhà nước về xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Đại diện cộng đồng thực hành tín ngưỡng ở Nam Định tham dự Đại hội

Trong số gần 20 ủy viên BCH Hội nhiệm kỳ đầu vừa được bầu, có nhiều người từ lâu đã nổi tiếng ở Nam Định về sự gắn bó, am tường, tâm huyết với tín ngưỡng Thờ Mẫu, như ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định-người có thể “nói cả ngày về lịch sử, văn hóa, đời sống tín ngưỡng ở Nam Định”; bà Trần Thị Huệ, Nghệ nhân ưu tú, Thủ nhang Phủ Tiên Hương nổi tiếng thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy (huyện Vụ Bản); bà Trần Thị Vân, Nghệ nhân ưu tú, Thủ nhang Phủ Quảng Cung (huyện Ý Yên); ông Lưu Hải Trường, người được biết đến vừa là doanh nhân vừa là pháp sư vừa là một thanh đồng có tiếng ở TP Nam Định…

Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ đầu.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản của Hội, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nam Định nhìn nhận việc thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” ở Nam Định là rất cần thiết.

“Từ nay, cộng đồng thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu đông đảo ở địa phương đã có mái nhà chung, hoạt động sẽ có lề có lối. Việc quản lý, định hướng thực hành tín ngưỡng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản do vậy cũng sẽ hiệu quả hơn…”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành lập Hội bảo vệ, phát huy di sản 'Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO