Nữ cán bộ của dân trong lũ dữ

Hải Nhi 25/09/2017 10:15

Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái-chị Giàng Thị Ái người dân tộc Mông luôn năng nổ, tâm huyết với hoạt động Hội. Chị là một trong những tấm gương tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động giúp bà con khắc phục hậu quả đợt lũ đầu tháng 8 vừa qua.


Chị Giàng Thị Ái.

Lên Mù Căng Chải ngày này, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng. Dòng Nậm Kim đã trở lại hiền hòa, nhưng lòng suối vẫn ngổn ngang đất đá, củi gỗ. Chị Giàng Thị Ái - Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Nọi – nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ vừa qua trò chuyện với chúng tôi, nét mặt vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng bởi gia đình chị bị lũ dữ cuốn trôi toàn bộ nhà và tài sản, may mắn cả 3 mẹ con còn sống sót.

Hiện 3 mẹ con chị Ái đang ở tạm tại Trạm Y tế xã Kim Nọi vì chưa tìm được đất làm nhà. “Giờ toàn bộ nền nhà cũ là bãi đá lớn, không thể dựng lại nhà trên đó được. Lòng suối giờ còn cao hơn nền nhà cũ. Qua trận lũ, gia đình tôi rất khó khăn, cái khó nhất là hiện giờ không có nhà ở. Tôi mong được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ gia đình sớm làm được căn nhà để ổn định cuộc sống”, chị Ái nói.

Lũ cuốn sạch nhà cửa, cuộc sống tạm bợ, nhưng chị Ái luôn ý thức lo cho dân trước bản thân mình. Hằng ngày, chị đi tới từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền chị em trong xã vượt khó, phát triển sản xuất. Đặc biệt phối hợp với các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ làm lại nhà cho bà con, để bà con yên tâm. Chị nói: “Cần phải dựng nhà ngay cho bà con, chứ bản thân mình thì làm lúc nào cũng được”.

Xã Kim Nọi có diện tích tự nhiên 3.226 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 191 ha, đất lâm nghiệp 2.248 ha. Xã có 6 bản là La Phu Khơ, Kháo Giống, Dào Xa, Háng Chú, Háng Đăng Dê, Tà Chơ với 325 hộ, 1.773 khẩu, phần lớn là người dân tộc Mông sinh sống.

Do địa hình vùng cao, nên việc vận động tuyên truyền gặp nhiều trở ngại. Chị Ái may mắn được nhà hảo tâm hỗ trợ một chiếc xe máy, đây là món đồ giá trị nhất của gia đình hiện nay. Chị Ái khẳng định, chiếc xe sẽ là phương tiện để chị đi đến các gia đình vận động chị em khắc phục khó khăn, ổn định đời sống sau lũ.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Ái tự cho mình là một người phụ nữ mạnh mẽ. Chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó bởi thời gian qua, với vai trò là người đứng đầu Hội Phụ nữ xã, chị đã tích cực vận động chị em sinh từ 1-2 con, chăm chỉ lao động sản xuất, đến từng nhà vận động các ông chồng từ 5h30 chiều là về nhà giúp chị em. Nhờ đó chị em đã không còn tư tưởng muốn rời khỏi địa phương đi làm ăn xa.

Ngay cả việc tảo hôn cũng đã được hạn chế thấp nhất. Theo chị Ái, nếu như trước đây tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra khá phổ biến, thì tảo hôn hiện còn vài ba cặp, năm 2017 có 2 cặp.

Trước đây trong xã nơi chị Ái sinh sống vẫn tồn tại một số tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, buôn bán, tàng trữ ma túy, việc thả rông gia súc phá hại hoa màu, cùng với đó là cái nghèo đeo bám…

“Các anh nam giới chỉ rượu chè, không giúp đỡ vợ, nên một số chị có hoàn cảnh khó khăn đã tự ý bỏ ra nước ngoài sinh sống, lấy chồng, đi tìm cuộc sống mới. Tuy nhiên, nhờ có sự vận động tuyên truyền của các đoàn thể mà nay đã có những đổi thay”, chị Ái chia sẻ.

Hiện nay, tại Kim Nọi, hoạt động nổi bật nhất của chị em là việc tham gia phát triển sản xuất. Đặc biệt là phát huy thế mạnh kinh tế rừng, cùng bảo vệ tốt diện tích rừng giao khoán bảo vệ, các hộ dân còn trồng và chăm sóc 20 ha sơn tra, sản lượng từ 30 - 35 tấn/năm; trên 20 ha thảo quả, sản lượng từ 10 - 15 tấn/năm.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình, dự án, đến nay, toàn xã có đàn gia súc 1.413 con. Bà con nuôi trên 347 tổ ong mật, sản lượng trên 1.400 lít/năm, tạo thêm nguồn thu nhập.

“Chúng tôi đã nhận thức và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước luôn luôn chấp hành tốt mọi chủ trương nên cuộc sống không còn lạc hậu như ngày xưa. Chị em tham gia chăn nuôi, sản xuất giỏi. Giờ chặt phá rừng không còn, đặc sản của Kim Nọi giờ là táo mèo và mật ong đấy”, chị Ái hào hứng chia sẻ.

Khi được hỏi, Hội Phụ nữ xã có nghĩ tới giải pháp thay đổi đời sống của bà con xã Kim Nọi bằng cách giới thiệu, quảng bá đặc sản táo mèo và mật ong với khách du lịch hay không? Chị Ái cho biết cũng đã nghĩ tới điều này, nhưng trước mắt ưu tiên cho việc khôi phục lại sản xuất và giúp người dân có chỗ ở.

Kim Nọi là xã bị thiệt hại nhiều nhất của huyện Mù Cang Chải. Đến thời điểm này, 100% các gia đình mất nhà tại xã Kim Nọi đã được Đảng ủy, các đoàn thể trong xã, huyện Mù Cang Chải cùng tấm lòng muôn nơi hỗ trợ dựng lại nhà.

Sau đau thương mất mát, cuộc sống lại bắt đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nữ cán bộ của dân trong lũ dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO