Nữ nghệ nhân làng tranh Đông Hồ

Ngô Yến 24/02/2016 11:45

Ngày nay, làng tranh Đông Hồ không còn tấp nập như xưa mà thay vào đó là nghề làm hàng mã. Thế nhưng, trong số những người yêu tranh vẫn còn một người phụ nữ tài hoa quyết tâm giữ lại “màu dân tộc” ấy. Đó là bà Nguyễn Thị Oanh, nữ nghệ nhân duy nhất của làng tranh Đông Hồ. 

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh.

Sinh năm 1960, đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đã có đến hơn 40 năm gắn bó với tranh Đông Hồ. Khi mới 9 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà đã phải phụ giúp mẹ trong việc làm tranh. Sẵn lòng yêu tranh, yêu hội họa, lại thêm hoàn cảnh khó khăn, bà không thể đi học tiếp, 13 tuổi bà theo mẹ xin làm lao động phụ ở hợp tác xã tranh dân gian Đông Hồ. Cơ duyên đưa bà trở thành con dâu của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam – Chủ nhiệm hợp tác xã tranh dân gian Đông Hồ cũng là người có công phục dựng dòng tranh dân gian Đông Hồ năm xưa.

Được sự truyền dạy của bố chồng kiến thức, kinh nghiệm và nét vẽ của bà ngày càng điêu luyện hơn, thuần thục hơn. Những bức tranh nổi tiếng như: Vinh hoa – Phú quý, Hứng dừa, Đám cưới chuột, Cá chép trông trăng… do bà sáng tạo không chỉ có mặt ở trong nước mà còn được xuất sang thị trường Đông Âu.

Tuy nhiên đến những năm 1990, thị trường tiêu thụ của tranh giảm, người yêu tranh chuyển sang những thể loại mới. Mất chỗ đứng, thị trường giảm sút nhưng bằng lòng say mê tranh nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, bà Nguyễn Thị Oanh vẫn quyết cùng bố chồng và các con giữ nghề. Với những gia đình bỏ nghề tranh, theo nghề mã, bà đi xin lại các bản khắc gỗ, thậm chí là đi mua lại. Đến nay, nhà bà có hơn 100 bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, có những bản niên đại đến hơn 100 năm.

Cứ thế từng một gia đình ba thế hệ là cụ Sam, bà Oanh và con trai lặng lẽ cầm bút vẽ, làm giấy, pha màu để giữ lấy truyền thống của Làng Mái xưa. Đã có lúc tưởng chừng như không gắng được vì tranh không bán được là bao mà bà cũng phải cần nhiều chi phí cho việc sinh hoạt và làm tranh.

Không chịu khuất phục, bà ngày đêm trăn trở làm sao để duy trì được dòng tranh dân gian này mà vẫn phù hợp theo kịp thời đại, làm sao để tạo ra những bức tranh đánh trúng tâm lý khách hàng. Nghĩ là làm, bà bắt đầu chép tranh, vẽ tranh truyền thống thành tranh khổ to. May mắn là sự sáng tạo này được khách hàng chấp nhận nên xưởng tranh nhà bà Oanh bắt đầu đông trở lại. Bà cũng không ngừng làm cho mẫu mã đẹp hơn bằng cách lồng tranh trong khung kính, dán lên mặt tre, mặt trúc, thậm chí làm tranh lịch... để phù hợp với nhu cầu trang trí của khách hàng.

Phóng tranh thành công, vốn là người tài hoa, yêu thích và say mê hội họa bà lại tiếp tục nghiên cứu vẽ tranh. Tranh vẽ của bà nội dung hướng về những biểu tượng văn hóa tại địa phương như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Đền Đô, chùa Phật Tích… Tuy nhiên có một điều đặc biệt ở tranh của bà: tranh vẽ vẫn phải bằng màu vẽ và vẽ trên nguyên liệu giấy tranh Đông Hồ. Để có được những bức tranh ấy, bà đi đến tận nơi mình muốn vẽ, chụp ảnh cảnh vật ở nhiều góc độ rồi sẽ nhìn vào đó mà vẽ. Những bức tranh vẽ của bà không phải là tranh Đông Hồ theo bản truyền thống nhưng rất đậm chất dân gian.

Năm 2014, bà tham gia triển lãm làng nghề tại Festival Bắc Ninh lần thứ 2 bằng tranh vẽ chùa Bút Tháp và chùa Dâu… Với những đóng góp của mình cho làng tranh, cuối năm 2014, bà được nhận danh hiệu “nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nữ nghệ nhân làng tranh Đông Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO