Nước mắt

Trần Hữu Thăng 21/08/2019 14:20

Nước mắt là một sản phẩm đặc biệt mà Tạo hóa đã ban tặng cho con người và các loài động vật để nuôi dưỡng và bảo vệ đôi mắt - cơ quan thị giác hết sức quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Bài này không mô tả thành phần kỳ diệu của nước mắt, cũng không nói đến nguồn gốc của nước mắt từ đâu, mà chỉ đề cập đến những ngữ nghĩa lý thú của nước mắt con người qua một số danh ngôn, một số thành ngữ đã được đưa vào sách vở và Từ điển.

Nước mắt

Theo Từ điển tiếng Việt, trang 681 thì: “Nước mắt là nước do tuyến ở mắt tiết ra khi khóc hay khi mắt bị kích thích mạnh. Thí dụ: Rơm rớm nước mắt. Khói quá nước mắt chảy giàn giụa”.

Như thế, khi nào ta khóc nước mắt sẽ chảy ra. Có ít nước mắt chảy ra gọi là rơm rớm nước mắt. Khóc to, khóc nức nở thì nước mắt giàn giụa, lai láng. Vậy nước mắt có giá trị như thế nào?

Theo tác giả Cổ đại Ovid (khoảng năm 43 trước Công nguyên) thì: “Có ít nhiều sự thoải mái trong cơn khóc” (Nguyên văn Latin là: Est quedam flere voluptas). Chả thế mà lúc gặp cô thiếu nữ thất tình vì bị người yêu trẻ đẹp, giầu có bỏ rơi, người bạn gái động viên: “Thôi bạn còn khóc được thì cứ khóc đi, đừng giữ mãi trong lòng làm gì cho khổ thân mình. Cứ khóc cho bao giờ hết nước mắt thì lòng mình sẽ vơi đi, sẽ nhẹ đi sự buồn phiền, đau khổ”. Lời an ủi này hoàn toàn có cơ sở khoa học, hoàn toàn hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh của cô gái lụy tình này. Bởi vì nó cũng giống như một câu ngạn ngữ cổ của người Pháp an ủi con người lúc hoạn nạn: “Ai cũng hiểu nước mắt chảy ra thì đắng ngắt, nhưng nếu không chảy ra được thì còn cay đắng hơn” (Les larmes qui coulent sont amères mais plus amères celles qui ne coulent pas).

Đến đây tạm hiểu tác dụng thứ nhất, đầu tiên của nước mắt là làm nhẹ lòng, làm vơi bớt nỗi sầu muộn cho những ai gặp phải lúc đau lòng, cảnh thương tâm.

Tiếp theo, ta hãy suy nghĩ về một câu thơ cổ phương Đông sau đây: “Sớm mai chàng đã đi chưa/ Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng”. Thì ra cái sức mạnh níu kéo được con người không phải bằng xiềng xích gì, sức mạnh gì, mà bằng “nước mắt làm mưa”, bằng “lạt mềm buộc chặt”. Đó cũng là ý chính của câu thơ cổ nhiều người còn nhớ: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Tạm dịch: Mưa không có lưới mà giữ được chân khách/ Sắc đẹp không có sóng gió mà dìm chết người). Trên thực tế, nước mắt có giá trị đến đâu, xin hãy tham khảo thêm một số tác giả khác.

Tác giả Colley khẳng định: “Lời nói để khóc và nước mắt để nói” (Words that weep and tears that speak). Chao ôi, cái cảm thụ của con người thật tinh tế, thật nhân bản, thật sâu sắc, thật thâm trầm khi phát hiện ra cái bản chất thật sự của lời nói, chính là để khóc. Lại cũng phát hiện ra cái bản chất thật sự của nước mắt lại chính là để nói. Tuy không tìm ra được năm sinh của tác giả Colley với lời khẳng định kỳ lạ này, vì nó đã đúng trong quá khứ và ngay cả trong hiện tại, lúc mà thời kỳ công nghệ 4.0, thời kỳ trí tuệ nhân tạo đang được quảng cáo thì cái cách dở khóc, dở cười như cách nhìn của ông lại càng trở nên sinh động. Cách nhìn này cũng na ná như câu sau: “Cười là tiếng khóc khô không lệ/ Người ta cười trong lúc quá chua cay”. Thì ra, những khái niệm về nước mắt và nụ cười, lời nói để khóc, nước mắt để nói lúc nào cũng có, thời gian nào cũng có, không gian nào cũng có. Đến nỗi, nhà soạn kịch, nhà thơ và tiểu thuyết gia người Pháp Alfred de Musset (1810–1857) đã phải thốt lên: “Cái duy nhất còn lại cho tôi ở trên đời/ Chính là những lúc đã đôi lần nhỏ lệ” (Le seul bien qui me reste au monde / Est d'avoir quelquefois pleuré).

Vậy thì cái dòng nước mắt, cái “đôi lần nhỏ lệ” quả thật xứng đáng là những kỷ niệm buồn, kỷ niệm vui, kỷ niệm xót thương, kỷ niệm lưu luyến từ thủa ta còn ấu thơ cho đến lúc trưởng thành và đến tận buổi hoàng hôn của cuộc đời.

Nước mắt tuổi trưởng thành

Ta còn gặp “nước mắt” trong muôn mặt của đời thường, nghĩa là trong các ngày vui, ngày gặp mặt, ngày được nhận danh hiệu hoa hậu, ngày được nhận bằng tốt nghiệp... Ai cũng thuộc câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính khi ông mượn lời người mẹ mắng con gái yêu: “Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Sao mày lại khóc, nín đi không”. Đây là những giọt nước mắt hạnh phúc của cô con gái sắp về nhà chồng nhưng lại quyến luyến cha mẹ anh chị em.

Còn nhà thơ người Scotland Thomas Campbell (1777-1844) đã thật sắc sảo phát hiện ra cái sắc đẹp của cô con gái được nâng cấp, được tôn vinh bởi những cái chớp mắt có nhỏ lệ của nàng khi ông viết: “Với nhan sắc, nước mắt còn đáng yêu hơn những nụ cười của nàng” (For beauty's tears are lovelier than her smile).

Nếu cứ nói mãi, nói mãi như thế thì chẳng biết đến bao giờ cho xong việc lý giải về những giọt lệ, về những dòng nước mắt của người đời. Cũng nên chốt lại bằng nhận xét tài tình của nhà thơ người Anh Robert Herrick (1591–1674): “Giọt lệ chính là ngôn ngữ cao quý của đôi mắt” (Tears are the noble language of the eyes).

Nước mắt buổi chia ly:

Chúng ta đang được hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp với ánh sáng chói lọi của buổi bình minh, với chim hót líu lo trên cao, hoa nở ngập tràn mặt đất, khung cảnh không gian thanh bình và con người chúng ta: “Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn giờ tinh khôi/ Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mến thương nhìn cuộc đời” (Thơ Thiền).

Còn nhà thơ Liban nổi tiếng Khalil Gibran (1883–1931) thì đã ca ngợi cuộc sống đầy xúc cảm yêu thương: “Cảm ơn đời, mỗi sớm mai thức giấc/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”.

Cuộc sống tươi đẹp như thế, con người đáng yêu như thế, ai cũng yêu thương quyến luyến nhau, như một nhà thơ Nhật Bản đã viết: “Dưới bóng hoa anh đào/ Không có ai xa lạ”.

Cuộc đời đang hớn hở, đang thấm đẫm yêu thương như thế, nhưng vẫn phải tuân theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” mà không có cách nào tránh được. Thế cho nên tránh sao được những giọt nước mắt buồn đau. Mặc dù như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nêu thành quy luật: “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, nhưng khi nghe tin một người bạn cũ, một người trong họ đã ra đi, trái tim ta tránh sao khỏi phút nhói đau. Rồi đến lượt người thân của ta giã từ mãi mãi, những giọt nước mắt thân thương cứ trào ra, cứ ngập chảy cho đến khi trái tim ta mách bảo: “Thôi đừng khóc nữa, phải lo tiếp cho những người còn sống, phải sống tiếp cuộc đời của mỗi chúng ta”.

Cả thế giới đã khóc khi nghe tin sóng thần, động đất đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn con người ở Nhật Bản. Những giọt nước mắt yêu thương và cần thiết biết bao! Chính nhờ có những giọt nước mắt sẻ chia ấy mà con người vẫn tin tưởng chắc chắn ngay từ những giây phút đau thương khủng khiếp nhất là: “Hoa anh đào sẽ lại tươi thắm trên đống tro tàn đổ nát”.

Rõ ràng, nước mắt là sản phẩm của những người tử tế, của những trái tim nhân hậu biết đồng cảm, yêu thương và động viên con người!

Rõ ràng, nước mắt là sản phẩm tuyệt vời mà Tạo hóa đã ban tặng cho con người, nó có thể làm ta vợi bớt nỗi khổ đau, nó giúp ta giữ lại những kỷ niệm buồn, vui trong cuộc đời và nó là cách con người sẻ chia tình cảm cho nhau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO