Nước Mỹ cố chặn nạn kỳ thị chủng tộc

Thế Tuấn 22/04/2021 06:15

Chiều ngày 20/4 (giờ Mỹ), cựu cảnh sát Derek Chauvin, người gây ra cái chết cho người đàn ông da màu 46 tuổi tên là George Floyd đã bị tòa án tuyên có tội với cả 3 tội danh: giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát. Theo đó, Chauvin bị kết tội giết người cấp độ hai đối mặt mức án tối đa 40 năm tù, giết người cấp độ ba đối mặt 25 năm tù và tội ngộ sát có mức án tối đa 10 năm tù. Chauvin bị còng tay và dẫn giải đi ngay sau khi tuyên án và Thẩm phán Peter Cahill cho biết án sẽ được chính thức thi hành sau 8 tuần.

Ngay sau phiên xét xử, Luật sư Ben Crump, đại diện cho gia đình nạn nhân Floyd tuyên bố vụ án này đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử thực thi công lý của nước Mỹ. Vụ xét xử bắt đầu từ cuối tháng 3 rất được dư luận Mỹ quan tâm. Đây chính là vụ thổi bùng phong trào chống phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ, kể từ tháng 5/2020, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại đây.

Một người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc trong tay là ảnh của George Floyd - người đàn ông da đen 46 tuổi bị chết dưới tay cảnh sát.

Kỳ thị và bạo lực

Khi thẩm phán tuyên bố Chauvin có tội, hàng ngàn người, đặc biệt ở Minneapolis, nơi vụ việc xảy ra, đã đổ ra đường bày tỏ đồng tình với phán quyết của tòa. Phát biểu trước báo giới, bạn gái của nạn nhân Floyd, Courteney Batya Ross cho biết cô tin rằng Floyd có lý do để đến với cuộc đời này. Tổng thống Joe Biden đã quyết định hoãn kế hoạch sẽ phát biểu về vấn đề hạ tầng mà ông đang muốn thuyết phục Quốc hội thông qua để phát biểu trước công chúng về vụ Derek Chauvin.

Hình ảnh cảnh sát Chauvin đè cổ người đàn ông da đen xấu số xuống đường tới khi tiếng van xin của Floyd lịm dần “tôi không thở được”, đã khiến các cuộc biểu tình chống bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc nổ ra ở khắp nơi trên nước Mỹ.

Được biết, vào tháng 8 tới, một phiên tòa khác sẽ xét xử 3 cựu cảnh sát có tên Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao cũng liên quan tới vụ việc trên.

Trong khi vụ Chauvin-Floyd đang nóng bỏng thì nước Mỹ lại xảy ra một vụ cảnh sát bắn chết người da màu: Ngày 15/4, giới chức Chicago, bang Illinois đã công bố đoạn băng hình của cảnh sát, trong đó ghi lại khoảnh khắc cảnh sát bắn chết một thiếu niên người Mỹ gốc Latin 13 tuổi. Đoạn video gây chấn động được ghi lại vào rạng sáng 29/3, khi cậu bé đã giơ 2 tay lên nhưng vẫn bị cảnh sát nã đạn vào ngực.

Lập tức, người dân xuống đường phản đối bạo lực của cảnh sát cũng như nạn kỳ thị chủng tộc. Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot đã phải kêu gọi người dân bình tĩnh, không phản ứng thái quá cho dù những hình ảnh hiện trường là “thương tâm”.

Trước đó, làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc cũng bùng phát ở thành phố Minneapolis sau khi xảy ra vụ cảnh sát bắn chết người da màu Daunte Wright - một thanh niên 20 tuổi, buộc các nhà chức trách phải áp đặt lệnh giới nghiêm.

Cựu cảnh sát Derek Chauvin.

Đóng góp của cộng đồng gốc Á cho xã hội Mỹ

Tuy nhiên, không chỉ có người gốc Phi, gốc Mỹ Latin bị tấn công, sát hại, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ người Mỹ gốc Á vô cớ bị tấn công.

Giữa lúc tình trạng kỳ thị người gốc Á sau vụ xả súng tại một loạt tiệm massage ở thành phố Atlanta (Mỹ) chưa lắng xuống, vụ xả súng sáng 27/3 tại vùng duyên hải Virginia Beach của bang Virginia, miền Đông nước Mỹ đã “đổ thêm dầu” vào làn sóng giận dữ đang diễn ra trên khắp nước Mỹ.

Các cuộc tuần hành phản đối tình trạng kỳ thị người gốc Á đã diễn ra ở một loạt thành phố trên khắp nước Mỹ. Tại khu vực Queens của thành phố New York, hàng trăm người đã tuần hành yêu cầu chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á. Các cuộc tuần hành tương tự cũng được tổ chức ở khoảng 60 thành phố tại Mỹ như: San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland…

Đỉnh điểm các cuộc tuần hành tại Mỹ được tổ chức trong “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” (27/3), theo sáng kiến của một số nghị sĩ. Một nhóm gồm 26 thống đốc bang trên khắp nước Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã cùng ký một tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực gia tăng nhằm người gốc Á, cam kết hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có những cuộc gặp các quan chức, nghị sĩ xuất thân từ cộng đồng gốc Á, khẳng định nỗ lực loại bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Vào thời điểm này, nhiều tổ chức nghiên cứu đã đưa ra những đóng góp của người gốc Á vào sự phát triển của xã hội Mỹ. Kể từ năm 1992, tháng Năm hàng năm được công nhận là Tháng Di sản người Mỹ Châu Á - Thái Bình Dương nhằm ghi nhận sự phát triển và đóng góp của cộng đồng gốc Á tại Mỹ.

Kể từ những thế hệ di dân đầu tiên như những nhân công làm đường xe lửa, phu hầm mỏ, thợ đào vàng... vào giữa thế kỷ 19, cộng đồng gốc Á là một trong những cộng đồng thiểu số phát triển liên tục và đóng góp khá lớn vào sự phát triển chung của nước Mỹ.

Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, hiện nay có khoảng 22 triệu người dân gốc châu Á - Thái Bình Dương sinh sống tại Mỹ, chiếm khoảng trên 6% dân số nước này. Tiểu bang California có đông người gốc Á nhất, với khoảng 6,7 triệu người.

Người Mỹ gốc Á có học vấn cao nhất nước này, khi có đến 57,7% những người trên 25 tuổi có trình độ đại học hoặc cao hơn, trong khi tỉ lệ chung chỉ ở mức 36% tại Mỹ. Tương tự, ở trình độ sau đại học, người Mỹ gốc Á đạt đến tỉ lệ 24,6 % với người trên 25 tuổi, so với tỉ lệ chung là 13,5%.

Trình độ học vấn cao đưa đến mức thu nhập cao hơn của người Mỹ gốc Á so với các sắc dân khác. Điều đáng chú ý là người gốc Á làm việc ngành y tế tại Mỹ chiếm tỉ lệ khá cao: 1 trong 5 bác sĩ tại Mỹ hiện nay là người gốc Á.

Vẫn theo Cục Thống kê dân số Mỹ, vào năm 2050, dân gốc Á tại Mỹ ước tính sẽ đạt đến 40,6 triệu người và chiếm khoảng 9% tổng dân số nước này. Mức gia tăng này cao gấp ba lần so với mức độ gia tăng dân số tại Mỹ nói chung.

Theo (Nguồn tham khảo: Census Bureau & Pew Research Center)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Mỹ cố chặn nạn kỳ thị chủng tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO