Nước Mỹ phân hóa vì Thỏa thuận hạt nhân với Iran

Khánh Duy 24/07/2015 06:30

Thỏa thuận mới đạt được giữa 6 cường quốc với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này đã gây nên nhiều tranh cãi trong chính trường Mỹ những ngày qua, trong khi gây nên sự ngờ vực về Thỏa thuận này ngay trong cộng đồng người dân.

Dân Mỹ xuống đường phản đối Thỏa thuận hạt nhân với Iran (Nguồn: CBS).

Trong một phiên chất vấn tại Thượng viện Mỹ hôm 23/7, các nhà làm luật có quan điểm hoài nghi về Thỏa thuận hạt nhân mới đạt được với phía Iran đã thề rằng sẽ thúc ép các quan chức cấp cao thuộc chính quyền Tổng thống Barack Obama phải công bố thêm thông tin về Thỏa thuận này trước công chúng. Sự việc diễn ra trong khi Quốc hội Mỹ đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng Thỏa thuận này trong vòng 2 tháng tới.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz sẽ bị chất vấn tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Đây là lần đầu tiên một số quan chức cao nhất trong Nội các của Tổng thống Obama xuất hiện trước một phiên chất vấn kể từ sau khi các bên ký kết Thỏa thuận hạt nhân vào ngày 14/7.

Trước đó, trong hôm 22/7, các vị Bộ trưởng này đã phải thông báo ngắn gọn trước Thượng viện và Hạ viện về Thỏa thuận hạt nhân trong một phiên họp kín. Các vị quan chức này cũng liên tục nhận được nhiều cuộc điện đàm và cuộc họp riêng tư với các nhà làm luật Mỹ trong suốt thời gian vừa qua.

Theo các nhà làm luật, một trong số các vấn đề chính gây bức xúc cho họ chính là sự mập mờ về thông tin. Họ kêu gọi chính quyền Tổng thống Obama công khai mọi thông tin trong Thỏa thuận hạt nhân mới đạt được, gồm thời điểm gỡ bỏ lệnh cấm vận, khả năng “đảo ngược” việc gỡ bỏ cấm vận trong trường hợp Iran không tuân thủ Thỏa thuận, công khai thời điểm bắt đầu thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran và số tiền mà nước này thu được khi được gỡ bỏ cấm vận…

“Trong vòng 9 tháng, họ (Iran) sẽ thu về lượng tiền lớn và mọi lệnh cấm vận được gỡ bỏ. Nhiều nhà đầu tư sẽ đến đó ký hợp đồng làm ăn, và rõ ràng Thỏa thuận này có lợi cho Iran” – Thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tỏ rõ quan ngại.

Ông Corker cùng nhiều nghị sỹ khác ở Thượng viện cũng tỏ rõ sự quan ngại về Thỏa thuận này trong thời điểm còn thiếu thông tin về nó, nhưng tuyên bố sẽ chờ đợi thêm trước khi quyết định có nên bỏ phiếu phản đối Thỏa thuận này hay không. Theo ông Corker, một số cuộc họp kín được tổ chức gần đây tỏ ra hữu ích nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. “Còn rất nhiều mối quan ngại mà chúng tôi muốn được làm rõ” - ông Corker nói.

Nhiều nghị sỹ khác thuộc Thượng viện cũng chia sẻ chung quan điểm và nói rằng họ chưa thể quyết định bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận này một khi mọi thông tin về nó còn chưa được công khai.

Thỏa thuận mới đạt được với Iran không chỉ khuấy đảo chính trường Mỹ, mà cả người dân nước này. Tối 22-7, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung ở Quảng trường Thời đại ở New York để yêu cầu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ Thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo đó Mỹ sẽ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran để đổi lấy các biện pháp ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nguyên Thống đốc New York George Pataki, người cũng tham gia cuộc biểu tình này, nói rằng: “Đây là một Thỏa thuận kinh hoàng và cần phải bị loại bỏ. Quốc hội phải làm công việc của mình và bênh vực nhân dân Mỹ, ủng hộ an toàn cho chúng ta và nói không với Thỏa thuận này”.

Theo một dự luật mà Tổng thống Barack Obama ký kết hồi tháng Năm vừa qua, Quốc hội Mỹ sẽ có khoảng thời gian từ nay cho đến ngày 17/9 tới để quyết định thông qua hoặc bác bỏ Thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong khi rất nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa đang xếp hàng dài để chờ bỏ phiếu phản đối Thỏa thuận này, ông Obama chỉ còn cách thuyết phục các nghị sỹ Đảng Dân chủ để bỏ phiếu ủng hộ. Nếu như Quốc hội Mỹ quyết định không thông qua Thỏa thuận hạt nhân này, ông Obama sẽ không thể gỡ bỏ hầu hết các lệnh cấm vận đối với Iran, và Thỏa thuận này có thể bị phá vỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Mỹ phân hóa vì Thỏa thuận hạt nhân với Iran

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO