Nước Pháp một năm sau dịch Covid-19: Kiều bào tìm cách thích ứng

Hiệu Constant 20/03/2021 09:00

Đại dịch Covid-19 tràn đến như một cơn gió hoang, để lại hậu quả nặng nề về người và của cho nhân dân trên toàn thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng.

Nạn dịch Covid-19 đã khiến nhiều thói quen của người dân bị thay đổi. Thoạt đầu nhiều người khá lúng túng trước sự kiện đột ngột này nhưng sau một năm, dù muốn dù không họ đã dần thích ứng với cuộc sống mới, dẫu sự chật vật là không tránh khỏi.

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp bị ảnh hưởng không nhỏ do Covid-19.

Làn sóng dịch thứ 3

Sau một năm virus Corona hoành hành thảm khốc, cuộc sống trên toàn bộ nước Pháp cũng như phần còn lại trên thế giới đã bị thay đổi rất nhiều. Chúng ta đã phải trải qua từ choáng váng, suy sụp đến dần dần gượng đứng dậy. Virus Corona ngày càng hoành hành buộc đương kim Tổng thống Pháp Emmanuelle Macron thông báo hai đợt cách li tại gia rất dài, hồi tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái.

Rồi dần nới lỏng. Cho đến thời điểm này, mọi người dần quen với cuộc sống nhưng Covid-19 vẫn âm thầm hiện hữu ở khắp nơi. Mỗi ngày, các ca dương tính vẫn tính được hàng ngàn sau mỗi buổi xét nghiệm. Sau một đợt ngắn chừng vài tuần không có bệnh nhân tử vong thì giờ lại xuất hiện. Con số tử vong tính đến hàng trăm mỗi ngày. Chính phủ Pháp cũng như các nhà chức trách Y tế đã rất cố gắng từng bước, và đã có những biện pháp hữu hiệu để trợ giúp và bảo vệ dân chúng.

Với công việc của mình, tôi đã gặp, đã trò chuyện với nhiều người, đủ các tầng lớp trong xã hội. Cuộc sống nghề nghiệp của giới văn phòng không bị ảnh hưởng nhiều, bởi họ có thể làm việc trực tuyến tại nhà, nhiều cuộc họp báo, hội thảo cũng được tiến hành qua vidéoconfrérence. Các y bác sỹ và giới lao động phổ thông thì vất vả và khó khăn hơn, bởi họ là những “chiến sĩ ở tuyến đầu” trong trận chiến phòng dịch, nguy cơ bị lây nhiễm là rất lớn. Bị chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Sau nhiều đợt ngắt quãng đóng cửa, mở cửa trở lại của các nhà hàng, quán cà phê, rạp hát, phòng chiếu phim và các trung tâm giải trí thì hiện nay, các địa điểm này vẫn có lệnh đóng cửa cho đến khi có qui định mới. Paris thật buồn, mùa giao thời cuối đông đầu xuân vốn đã ảm đạm thì nay càng trở nên hiu hắt hơn. Những hàng cây trơ trụi khẳng khiu đứng bên đường vắng tanh vào giờ tan tầm. Ở những khu thương mại, những siêu thị bán đồ nhu yếu phẩm, hay ở các khu phố chính trong trung tâm Paris, đường phố vẫn đông, nhưng im ắng. Khách đeo khẩu trang kín mít và lầm lũi bước đi. Những quán cà phê, những rạp hát, phòng chiếu phim vẫn đóng cửa im lìm một cách tuyệt vọng. Buổi tối thì mọi con phố hầu như vắng tanh, bởi để tránh cho cuộc giãn cách xã hội đợt ba, Chính phủ Pháp đã ra lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18 giờ hàng ngày.

Chính phủ Pháp vẫn tiếp tục trích ngân quỹ hàng tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và nhân viên đã trở nên thất nghiệp do nạn đại dịch Covid-19, nhưng điều ấy không khiến sự trầm lắng của các cửa hàng kinh doanh và nhân viên của họ giảm xuống. Thời tiết ấm lên và có nắng khiến người dân tụ tập ở công viên và bên bờ sông Seine rất đông, không ít lần, cảnh sát Pháp phải can thiệp để giải tỏa. Nhưng đa phần người dân đã nhìn nhận sự việc bằng suy nghĩ tích cực hơn, với phương châm “sống chung với lũ”. Bà Marie Courteaux, một người Pháp cho biết: “Có thay đổi rất lớn trong cuộc sống của tôi kể từ khi có dịch Covid-19. Chúng ta đã bị kìm hãm khá lâu và cuối cùng thì cũng thoải mái hơn, không bị cách li tại gia nữa, có thể gặp gỡ các bạn và người thân, nhưng dẫu sao vẫn phải thận trọng. Khi vào bên trong, chúng tôi đeo khẩu trang, nếu không thì cố gắng giữ khoảng cách lẫn nhau. Đi đâu thì cố gắng về trước 18 giờ”.

Đời sống kiều bào

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi việc kinh doanh nhà hàng trở nên khó khăn, nhưng các ông bà chủ cũng tìm ra giải pháp. Ví như bán đồ ăn sẵn và giao hàng tận nhà, tuy nhiên họ luôn đầy đủ các phương tiện phòng chống dịch nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc được chờ mở cửa trở lại, thì một số nơi kinh doanh đồ nhu yếu phẩm như cửa hàng siêu thị Việt Nam Thanh Bình Jeune. Cửa hàng luôn đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và cùng lúc giới thiệu kịp thời các mặt hàng mới của Việt Nam. Trong thời kỳ diễn ra dịch Covid-19, cửa hàng vẫn được phép mở cửa, lượng khách hàng vẫn đến thường xuyên. Theo bà Ngô Thị Thủy Bình, chủ cửa hàng thì mọi chuyện diễn ra bình thường, dịch Covid-19 không hề ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Bà chia sẻ: “Vì tất cả các cửa tiệm khác phải đóng cửa, chỉ có cửa hàng của chúng tôi được phép mở, cho nên rất đông khách. Và họ có thói quen hơn xưa, tức là họ không mua lắt nhắt nữa, mà mua nhiều trong một lần, để khỏi phải ra ngoài nhiều nhằm tránh bị lây vi rút, thế nên doanh thu không giảm mà trở lại bình thường, chỉ có giá cả thì tăng lên”. Về mặt giữ an toàn vệ sinh và phòng trách lây nhiễm cho khách hàng, bà nói: “Trong thời kỳ cách ly thì nghiêm ngặt hơn, nhưng hiện giờ thì nhân viên làm việc vẫn luôn phải đeo khẩu trang”. Tôi nhận thấy tại cửa hàng Thanh Bình Jeune đã có bán những lô khẩu trang “made in Vietnam” đẹp đẽ xinh xắn và đa màu.

Giá cả những mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng rõ rệt. Chị Trần Thị Phương Thảo, chủ cửa hàng Le Vietnam chuyên kinh doanh các nhu yếu phẩm và thực phẩm của Việt Nam tại thành phố Laval thuộc miền Tây nước Pháp cho biết, một trong những lý do khiến vật giá leo thang nhanh là do các nhà hàng ăn bị đóng cửa, lượng hàng hóa ngoại nhập vào Pháp bị giảm mạnh, thời gian đợi nhập hàng lâu hơn, hàng hóa bán cho người tiêu dùng trở nên khan hiếm trong khi tiền công vận chuyển vừa cao hơn, lại vẫn được tính theo lô, theo chuyến như cũ, dẫu thiếu hàng hoặc ít hàng hơn!

Tôi đã gặp và trò chuyện với anh Lâm Thành Kim. Anh Kim vốn là một đầu bếp nổi tiếng, anh là thành viên của Viện hàn lâm Ẩm thực Paris và vùng phụ cận. Anh Kim đã bị nhiễm Covid-19 rất nặng ngày từ cuối tháng 3/2020. Có thể nói anh đã từ “cửa tử” trở về. Anh đã rất xúc động khi kể lại cho tôi nghe về quá trình nhiễm bệnh và điều trị của anh. Những lo lắng, sợ hãi, thậm chí đã có lúc anh rất tuyệt vọng. “Bởi vì bị ốm và ta chỉ có một mình đối diện với bệnh. Nếu hôm nay người ta hỏi tôi thời tiết trong lúc tôi bị cách li như thế nào, tôi sẽ nói là tôi không biết. Đây có lẽ là thời kỳ trong cuộc đời mà nó sẽ chỉ gợi lại cho tôi sự hoảng loạn, những cơn đau và sự sợ hãi. Tôi đã trở về từ cửa địa ngục”.

Đã bình phục trở về, nhưng Covid-19 đã để lại những tổn thất lớn trong anh Kim. Anh như đã bị trấn động tâm lý, và chắc phải còn lâu nữa mới trở lại được như trước đây, và thậm chí không thể. Và nhất là hiện giờ, “Tôi đã gầy mất 15 kg, phổi tôi bị tổn thương nặng nề, kháng thể trong tôi bị giảm. Tôi mất đi khứu giác và cho đến bây giờ tôi vẫn hầu như không ngửi thấy gì cả. Lúc thấy lúc không. Và cùng với thời gian, tôi khám phá cơ thể mình bị tổn thương những gì” – anh Kim nói với tôi và không quên nhắn nhủ rằng:“Không thể xem nhẹ Covid-19 được, nó không phải là một trận cảm cúm, mà là một cái gì đó rất nguy hiểm quật ngã ta nằm gí xuống đất và có thể lấy đi mạng sống của chúng ta. Hôm nay ta có thể tiêm vaccine nhưng Covid-19 vẫn là thứ mà đối diện nó chúng ta không thể tự vệ được. Đừng nghĩ rằng nó chỉ xảy đến với những người khác, và đó là một thứ rất nguy hiểm và rất đáng buồn là bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể chết vì nó. Nó đã thay đổi tôi, lấy đi của tôi nhiều thứ, tôi vốn rất khỏe mạnh, cuộc sống rất ổn, tôi có nhiều dự án và rồi… chỉ một cái búng tay, mọi thứ tan tành. Hệt như một con chim đang bay lên rồi bỗng dưng ngã rúi xuống đất. Hôm nay tôi hồi phục, rất chậm, nhưng không hề dễ dàng”. Anh Kim cũng tỏ lời hoan nghênh Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, bởi vì điều đó đã cho thấy tất cả mọi kỷ luật kỷ cương của Việt Nam. Đáng buồn là ngày nay người ta không thể áp dụng ở Pháp được. Những kỷ luật của Việt Nam đã khiến họ có kết quả thật đáng ca ngợi.

Thế giới và nước Pháp đã tìm ra vaccine chống Covid-19 và nhiều người đã được tiêm phòng dịch này. Cuộc sống thường nhật của dân chúng Pháp đang dần ổn định trong những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn. Dịch Covid-19 đã mang lại nhiều thảm họa, nhưng có một điều hiển nhiên mà chúng ta ta buộc phải thừa nhận điểm tích cực của nó. Đó là nó giúp con người khám phá cuộc sống dưới một khía cạnh khác, mọi người dường như sống có ý thức kỷ luật hơn, xích lại gần nhau và quan tâm đến nhau hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Pháp một năm sau dịch Covid-19: Kiều bào tìm cách thích ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO