Nước Pháp trước kỳ bầu cử nhiều biến động

Khánh Duy 23/04/2017 08:35

Kỳ bầu cử Tổng thống Pháp đang diễn ra sẽ tổ chức 2 vòng bỏ phiếu vào ngày 23-4 và 7-5. Các lá phiếu thăm dò trước đó đã dự đoán rằng chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy Marine Le Pen sẽ là người dẫn đầu cuộc đua này, dù thời điểm hiện tại bắt đầu xuất hiện nhiều diễn biến bất ngờ.

Bà Le Pen và ông Macron.

Các lá phiếu thăm dò trong khoảng thời gian 6 tháng gần đây đều cho thấy bà Le Pen, người từng cam kết sẽ rút nước Pháp khỏi khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), có khả năng sẽ để thua trước ông Emmanuel Macron, một cựu Bộ trưởng Kinh tế theo đường lối ôn hòa.

Nhưng cuộc đua ở thời điểm hiện tại rất sát sao. Cả ứng viên Francois Fillon, cựu Thủ tướng cánh hữu bị dính bê bối tham nhũng mới đây, và Jean-Luc Melenchon, một cựu binh cực hữu đã đưa ra chương trình kinh tế gây tranh cãi, cũng có khả năng đi đến vòng hai. Thực tế cho thấy, khi Pháp còn có tới 1/3 số cử tri chưa quyết định, việc dự đoán xem 2 ứng viên nào tham gia vòng đua nước rút cuối cùng là điều không thể.

Sau khi Anh thực hiện trưng cầu rút khỏi EU và sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thì khả năng một Tổng thống Le Pen sẽ đưa ra hành động tương tự với châu Âu là rất có thể, từ đó tiếp tục gây bất ổn thị trường. Trong trường hợp ông Melenchon, một ứng viên hoài nghi EU, đắc cử, tình hình cũng không mấy tươi sáng hơn khi ông này có thể lật đổ giới chính trị truyền thống ở Paris. Còn trong trường hợp ông Macron chiến thắng, Pháp sẽ có một vị lãnh đạo ôn hòa, ủng hộ EU.

Hệ thống bầu cử Pháp

Hiện nay có khoảng 11 ứng viên tham gia tranh cử và mỗi người chỉ cần sự ủng hộ của ít nhất 500 thị trưởng, nghị sỹ, thành viên Quốc hội là đủ tiêu chuẩn tham gia vòng đầu tiên. Nếu như không có ai giành được số phiếu áp đảo thì 2 ứng viên có điểm số cao nhất sẽ được lựa chọn để đối đầu trong vòng 2. Người chiến thắng cuối cùng cần phải có trên 50% số phiếu.

Hệ thống 2 vòng bỏ phiếu còn được áp dụng trong Quốc hội Pháp, các cuộc bỏ phiếu địa phương, được cho ra mắt vào năm 1962 bởi Charles de Gaulle và đã chứng tỏ được tính hiệu quả của nó trong việc tránh những người có tư tưởng cực đoan nắm quyền lực, như người Pháp thường nói: Đầu tiên là bỏ phiếu bằng trái tim, sau đó mới bằng cái đầu.

Dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử này thì đây cũng sẽ là một kỳ bầu cử đặc biệt: Có khả năng rất lớn là không ứng viên nào thuộc đảng trung hữu và trung tả truyền thống, hai đảng vốn dẫn dắt nước Pháp từ những năm 1950 đến nay, sẽ hiện diện trong vòng bỏ phiếu cuối cùng.

Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Le Pen đã lấy được đà tiến một cách vững chắc. Các cuộc thăm dò năm 2015 cho thấy họ giành được 28% số phiếu bầu, điểm số cao nhất của họ từ trước đến nay. Trong khi đó, một số ứng viên khác liên tiếp vướng phải bê bối mà đơn cử là ông Fillon, một ứng viên tự do, bị cáo buộc đã tạo nên các việc làm giả cho vợ và con mình để thu tiền thuế.

Nhưng sau một khoảng thời gian, ông Fillon đã lấy lại được đà tiến, trong khi ông Melenchon, nhờ chiến thắng trong các cuộc tranh luận trực tiếp mới đây, đã trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi đó, ứng viên mới nổi Macron, 39 tuổi, người từng là cố vấn và sau đó là Bộ trưởng kinh tế cho chính phủ của Tổng thống Francois Holland, cũng nhận được sự ủng hộ nhờ quan điểm trung dung, tự do về mặt kinh tế và ủng hộ giới kinh doanh trong nước.

Hiện nay, bà Le Pen- người cũng dính bê bối công việc giả mạo có chủ trương chấm dứt dòng người nhập cư đổ vào Pháp, trấn áp tội phạm, xóa sổ đọa Hồi, kéo nước Pháp ra khỏi EU và tách khỏi quá trình toàn cầu hóa. Tư tưởng kinh tế chủ nghĩa dân tộc của bà được cho là có lợi cho doanh nghiệp trong nước, bên cạnh các chính sách ưu đãi về nhà ở, giáo dục và lao động…

Ông Fillon, 63 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy trong 5 năm, là một ứng viên có quan điểm bảo thủ. Ông chủ trương đưa ra cải cách kinh tế bao gồm cắt giảm thuế và chi tiêu công, cắt giảm công việc ở khu vực công, nâng tuổi nghỉ hưu, nới lỏng các bộ luật về lao động.

Ông Melenchon, 65 tuổi, từng giữ chức Bộ trưởng của đảng Xã hội trong khoảng 2000-2002. Chính sách mà ông đưa ra bao gồm rút ngắn tuần làm việc, hạ độ tuổi nghỉ hưu, tăng mức lương tối thiểu và an sinh xã hội, và tăng mức thuế mới những người giàu nhất lên tới 90%. Ông cũng muốn cấm điện hạt nhân, rút Pháp khỏi NATO, thắt chặt quan hệ với Nga và đàm phán lại các điều khoản về tư cách thành viên EU của Pháp.

Những vấn đề nóng

Hàng loạt các vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris và Nice, trong đó mới đây nhất là vụ tấn công tại Champ-Elysee tối hôm 20/4, chính là những vấn đề chủ đạo trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp 2017 và là các vấn đề đã giúp cho bà Le Pen trỗi dậy nhờ đưa ra chủ trường thắt chặt an ninh, hạn chế người nhập cư, Hồi giáo.

Về vấn đề này thì cả bà và ông Melenchon đều nhận được sự ủng hộ nhờ quan điểm cho rằng Pháp cần phải tự giải phóng cho mình mới có thể phát triển.
Ngoài ra, chủ điểm của các cuộc tranh luận cũng nhằm vào nền kinh tế đã suy yếu trong suốt nhiều năm qua của nước Pháp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới trên 10%. Bộ luật lao động, tạo công ăn việc làm, thuế và an sinh xã hội chính là tâm điểm trong chiến dịch của các ứng viên Tổng thống Pháp.

Ai sẽ chiến thắng?

Các lá phiếu thăm dò mới nhất cho thấy bà Le Pen và ông Macron đang ganh đua quyết liệt trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, trong khi ông Fillon và Melenchon bám sát phía sau với khoảng cách từ 3-6 điểm. Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Macron được dự đoán sẽ vượt qua bà Le Pen khoảng 20 điểm hoặc cao hơn, và sẽ đánh bại cả ông Fillon và Melenchon.

Hầu hết các nhà quan sát đều nghi ngờ khả năng giành được trên 50% số phiếu của bà Le Pen trong vòng bỏ phiếu thứ hai. Tuy nhiên, sự ủng hộ giành cho bà Le Pen lại thuộc vào hàng vững chắc nhất trong số các ứng viên, nhờ các cử tri của bà phần lớn cam kết rằng họ chắc chắn sẽ ủng hộ cho ứng viên mà họ lựa chọn; trong khi ông Macron lại không có sự ủng hộ vững chắc như vậy.

Trong trường hợp giành chiến thắng, ông Macron sẽ làm nên lịch sử: Chưa từng có một ứng viên ôn hòa nào từng được vào Điện Elysee, và cũng chưa từng có ứng viên nào không nhận được sự ủng hộ chính trị từ một trong 2 đảng truyền thống ở nước Pháp mà vẫn giành chiến thắng.

Khả năng giành chiến thắng của ông Macron là khá rõ ràng, bởi các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 89% cử tri Pháp tin rằng chính trị gia không hề lắng nghe họ. Bởi vậy, lá phiếu của những cử tri đang tức giận, nản lòng này sẽ mang tính quyết định.

Dự đoán hậu bầu cử

Do thiếu đi một nhóm đa số trong Quốc hội, một vị Tổng thống Pháp sẽ có quyền lực khá hạn chế trong thời điểm này. Đặc biệt, một tháng sau khi vòng bỏ phiếu thứ hai diễn ra, Pháp sẽ tiếp tục tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp, cũng trong 2 vòng, vào ngày 11 và 18/6 tới.

Kết quả các cuộc bầu cử này sẽ quyết định xem liệu tân Tổng thống Pháp có thực sự có quyền lực cai quản đất nước hay không. Ông Macron sẽ cần phải xây dựng nên một kiểu nhóm đại đa số trong Quốc hội mà trong đó gồm nhiều thành viên giữ ghế ủng hộ ông, thêm vào đó là các nghị sỹ ôn hòa đến từ các đảng phái khác nhau.

Đảng FN của bà Le Pen, hiện chỉ giữ 2 ghế trong Quốc hội, sẽ gần như không có cửa để đạt đủ 289 ghế cần thiết để lập nên nhóm đa số, khiến cho bà Le Pen nếu đắc cử cũng khó vận hành đất nước – một vấn đề tương tự mà ông Melenchon cũng phải đối diện.

Bởi lý do trên, cả hai ứng viên này cũng khó có thể thực hiện các đề xuất cải cách của mình. Ví dụ, Điều 88-1 của Hiến pháp Pháp nói rằng Pháp là một phần của EU. Bất kỳ sự sửa đổi Hiến pháp nào cũng cần có sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện, chưa kể tới một cuộc trưng cầu dân ý.

Và trong khi một Tổng thống Pháp theo nguyên tắc có đủ thẩm quyền để kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý mà không cần Quốc hội thông qua, họ vẫn cần có sự phê chuẩn của tòa án Hiến pháp. Trên thực tế, khả năng Pháp rời khỏi EU là rất khó xảy ra, nếu chưa nói là không thể, do cả 2 ứng viên tuyên bố về điều trên đều ở thế khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Pháp trước kỳ bầu cử nhiều biến động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO