Nước Úc thấp thỏm đợi mưa

Ngọc Mai (theo Daily Mail AP) 18/01/2020 07:55

Ngày 17/1, truyền thông Úc đưa tin: Những trận mưa lớn trút xuống nhiều khu vực trên khắp nước Úc, bao gồm những khu vực chịu hỏa hoạn và hạn hán nặng nề. “Đây là đợt mưa chúng ta đã mòn mỏi đợi chờ từ hơn 4 tháng qua. Những đám cháy hy vọng sẽ được dập tắt và những khu rừng sẽ xanh trở lại. Và chúng ta sẽ lại được trở về nơi chúng ta đã phải ra đi”- South Wales New viết.

Nước Úc thấp thỏm đợi mưa

Người dân mang theo đồ đạc di tản khỏi các thị trấn ven biển phía Đông nước Úc.

Trong hôm 16/1, đợt mưa lớn đầu tiên đã trút xuống nhiều khu vực ở bang Victoria và giúp dập tắt hơn 32 đám cháy ở bang New South Wales (NSW). Đây là hai nơi xảy ra nạn cháy rừng nghiêm trọng nhất nước Úc kể từ tháng 9 năm ngoái. Không mưa, khí hậu nắng nóng không chỉ thiêu cháy những cánh rừng mà còn làm cho đất đai khô cằn, nứt nẻ. Người dân ở Victoria cũng như NSW đã phải di chuyển tới nơi khác. Trong số hàng chục ngàn người dời bỏ nhà cửa ra đi, tới nay hơn 2/3 vẫn chưa thể trở về nhà.

Dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục rơi vào cuối tuần này, nặng hạt nhất ở các khu vực quanh thành phố Sydney, vùng bờ biển Bắc - Trung của NSW và thành phố Brisbane.

Theo Cơ quan Khí tượng Úc, lượng mưa 30-80 mm có thể trút xuống nhiều khu vực, bao gồm Đông NSW, từ ngày 17/1 đến ngày 19/1. Sydney sẽ nhận lượng mưa 10-25 mm vào ngày 17/1 nhờ một trận bão sớm, trước khi con số này tăng lên 50 mm vào ngày 18/1. Đây sẽ là lượng mưa lớn nhất mà thành phố này nhận được trong hơn 3 tháng qua. Nhiều người dân ở NSW vui mừng cho biết, những dự báo về mưa là “một thông tin tích cực làm dịu mát tâm hồn đã khô héo của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cần lượng mưa lớn hơn nhiều trong những tháng tới”.

Mặc dù mưa tiếp thêm hy vọng cho nông dân và lực lượng cứu hỏa, nhưng ở khía cạnh khác chúng cũng làm dấy lên lo ngại rằng có thể gây ra lũ lụt, sạt lở và gây ô nhiễm nguồn nước với tro và mảnh vỡ từ các đám cháy trước đó. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện lo ngại về việc sấm sét gây ra hỏa hoạn. Theo Daily Mail, tính riêng khu vực Hunter của NSW hôm 15/1, hơn 10.000 tia sét đã được ghi nhận. Sét đã gây ra hỏa hoạn ở Công viên Quốc gia Great Otway, Đông Victoria, hôm 15/1 và giới chức lo ngại điều tương tự có thể xảy ra ở những khu vực đang bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề, như Đông Gippsland và các khu vực phía Đông.

Trong khi đó, Người phát ngôn Cơ quan Cứu hỏa nông thôn NSW (NSW RFS) cảnh báo các đám cháy vẫn sẽ tiếp diễn bất chấp mưa lớn. Và, “những cơn giông chẳng khác nào con dao 2 lưỡi. Mặc dù chúng có thể gây ra những cơn mưa hữu ích, chúng cũng có thể gây mưa với sức tàn phá lớn”- ông Kevin Parkyn, Cơ quan Khí tượng Úc, chia sẻ.

Cũng cần nói thêm rằng, suốt thời gian qua dư luận Úc “chia thành hai phe” trong việc quy kết trách nhiệm. Một luồng ý kiến cho rằng lỗi là do biến đổi khí hậu dẫn tới tình trạng nắng nóng bất thường làm những cánh rừng bốc cháy. Điều đó không phụ thuộc vào ý muốn và khả năng của con người, mà phải coi là thảm họa thiên nhiên.

Ngược lại, luồng ý kiến khác quy trách nhiệm cho Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison. Họ cho rằng Chính phủ đã không lường trước được tình hình, thiếu chủ động trong việc di tản người dân (tới nay đã có 26 người thiệt mạng do cháy rừng), cũng như thiếu phương tiện cần thiết để chữa cháy. Hôm 2/1, Thủ tướng Scott Morrison đến thăm địa phương đang chịu ảnh hưởng lớn bởi nạn cháy rừng nhưng lại phải nhận một màn tiếp đón không mấy niềm nở. Một người phụ nữ tại thị trấn Combargo, bang New South Wales đã từ chối bắt tay khi ông đến.

Tuy nhiên, tới nay, khi những trận mưa trút xuống, thì dư luận cũng dịu lại. “Người ta trông đợi những cơn mưa còn hơn trông đợi lính cứu hỏa”- theo Daily Mail.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Úc thấp thỏm đợi mưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO