Nuôi dưỡng doanh nghiệp

Thanh Giang 15/03/2017 08:25

Trước những nỗ lực cải thiện chính sách, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường, doanh nghiệp “khai sinh” nhiều nhưng phải “khai tử” cũng không ít. Muốn tăng nguồn thu ngân sách, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra hiện nay là kiến tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh đủ khả năng tự nuôi dưỡng doanh nghiệp một cách tích cực, công bằng sau khi hình thành, tồn tại và lớn lên.

Ảnh minh họa.

Gần dây, cộng đồng doanh nghiệp (DN) có phần lạc quan hơn vì liên tục tiếp thu những thông tin hỗ trợ DN, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, cùng đó là tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Tất cả khẳng định sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền địa phương các cấp với DN. Nhiều tỉnh/thành còn chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ DN, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngành thuế và hải quan cũng không ngừng “giảm ma sát” bằng cách đơn giản hóa thủ tục, tập trung giải quyết thủ tục hành chính qua mạng.

Sự nỗ lực của chính quyền và các ngành liên quan được giới DN đánh giá cao, song vẫn còn những bất cập nhất định. Bằng chứng dễ thấy nhất là số lượng DN thành lập mới tăng cao nhưng số DN giải thể cũng không ít.

Theo thống kê 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 14.451 DN đăng ký thành lập mới, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2017 là 2.524 DN, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, năm 2016 cả nước chứng kiến số lượng lớn DN rời bỏ thị trường tăng cao bất thường và số DN phải tạm ngừng hoạt động vẫn rất lớn.

Cụ thể, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 19.917, tăng 4.268 DN so với cùng kỳ năm trước (27,3%). Dựa trên con số DN thành lập mới và giải thể các chuyên gia kinh tế cho rằng, đừng nhìn vào số lượng DN mới thành lập mà quá lạc quan, thỏa mãn.

Những DN mới thành lập là những DN non trẻ, yếu ớt và chắc chắn hiệu quả sản xuất kinh doanh không bằng DN cũ. DN có thâm niên trên thương trường mà suy sụp chứng tỏ môi trường kinh doanh chưa thật sự lành mạnh, thông thoáng như mong muốn.

Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu DN sản xuất-kinh doanh. Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, TP HCM chủ động phát triển DN với mục tiêu đến năm 2020 thành phố có 500.000 DN.

Mong muốn chương trình phát triển DN đạt hiệu quả, tại thời điểm hiện nay thành phố yêu cầu các quận/huyện đưa hộ kinh doanh cá thể lên DN, phát triển DN khởi nghiệp.

Chương trình phát triển DN của thành phố được đánh giá cao nhưng không ít ý kiến băn khoăn việc chỉ chăm chăm tăng số lượng mà quên đi chất lượng. Đơn cử, đối với kế hoạch chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang DN, đến thời điểm này TP HCM chưa có chính sách hỗ trợ các hộ về cách tính, thanh toán và nộp thuế.

Rõ ràng chủ trương phát triển số lượng DN vẫn thiếu chính sách nâng đỡ. Giải đáp thắc mắc về sự hỗ trợ của ngành thuế cho hộ kinh doanh cá thể khi lên doanh nghiệp, mới đây ông Trần Ngọc Tâm- Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho hay, trong 245.000 ngàn hộ kinh doanh cá thể, có 14.000 ngàn hộ sử dụng hóa đơn thường xuyên và thanh toán ngân hàng.

Hiện Cục Thuế đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem hộ nào là ngưỡng lớn để kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra, Cục Thuế thành lập văn phòng hỗ trợ DN khởi nghiệp và thực hiện ủy nhiệm thu thuế cho một đơn vị thu thông quan ATM, ngân hàng. Không riêng gì hộ kinh doanh cá thể, chương trình phát triển DN khởi nghiệp cũng đã nhận được những cảnh báo. Đặc biệt là về chính sách phát triển cụ thể dành cho phân khúc DN trẻ.

Sự lơ là hỗ trợ cộng đồng DN sẽ làm hạn chế quá trình hình thành và phát triển pháp nhân kinh tế mới. Song song với kế hoạch phát triển 500.000 DN vào năm 2020 giới kinh doanh cho rằng, điều cần làm ngay hiện nay là Nhà nước nên quan tâm và chăm sóc DN đang hoạt động sản xuất hơn nữa.

Tập trung nuôi dưỡng DN bằng những chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính, nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh lành mạnh.

Lý do, thời gian qua DN liên tục đối diện với tình hình khó khăn chung, quá nhiều quy định quản lý về đất đai, thị trường, thuế, hải quan cản trở DN phát triển, “đất sống” cho văn hóa phong bì vẫn tồn tại.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì có tới 41% DN gặp phiền hà khi thực hiện các thủ tục thuế. Đặc biệt, 34% DN phải chi phí không chính thức cho cơ quan thuế.

Đại diện phía VCCI cho rằng, 34% DN phải sử dụng “bôi trơn” trở thành dấu hiệu đáng ngại. Còn nhớ một DN từng tâm sự: Ai nói DN sướng, bắt tay vào vật lộn với hoạt động kinh doanh mới hiểu được nỗi khổ. Hàng trăm khoản chi buộc DN phải lo như chi cho đơn giản hàng loạt thủ tục, chi cho phát triển mang tính đóng góp của địa phương, chi cho hoạt động từ thiện.

Thông cảm và chia sẻ cùng cộng đồng DN, giới chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ và chính quyền các cấp muốn ổn định, gia tăng nguồn thu ngân sách cần nỗ lực hỗ trợ DN bằng những chính sách thực tế, cụ thể. Phải biết chăm sóc, nuôi dưỡng để DN đủ trưởng thành với nội lực mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi dưỡng doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO