Nuôi lợn đen Lũng Pù

Trần Kế 09/10/2021 10:07

Ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) có giống lợn đen Lũng Pù nổi tiếng, được bà con phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lợn đen Lũng Pù là giống lợn bản địa, có tầm vóc to lớn, có đặc điểm: lông đen, dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình. Lợn đen Lũng Pù có 2 loại: một loại 4 chân trắng và có đốm trắng ở trán và mõm; một loại đen tuyền; trung bình có 10 vú và bình quân đẻ 1,5 đến 1,6 lứa/năm. Nuôi 10 đến 12 tháng đạt trọng lượng 80 đến 90 kg.

Giống lợn này có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của tỉnh Hà Giang. Do được thuần hóa lâu đời nên lợn đen Lũng Pù thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của các huyện vùng cao, dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt. So sánh với các giống lợn Việt Nam, lợn đen Lũng Pù có tốc độ tăng trọng khá cao, thịt lại thơm ngon đặc biệt.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lợn đen Lũng Pù, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp phát triển đàn lợn Lũng Pù, với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt, các giải pháp về tiêu thụ, chế biến sản phẩm, phòng chống dịch bệnh…

Hiện, Mèo Vạc là nơi có nhiều mô hình nuôi lợn Lũng Pù để bà con tham khảo. Toàn huyện Mèo Vạc có trên 11.000 hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, mấy năm nay tại Mèo Vạc xuất hiện nhiều trang trại và hợp tác xã chăn nuôi lợn Lũng Pù quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc phục hồi giống lợn này đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng năng suất, giá trị và giảm thiểu tối đa thiệt hại từ dịch bệnh.

Để mô hình chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học thành công, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện khảo sát, tư vấn cho các hộ thực hiện mô hình xây dựng chuồng trại đúng với các quy định; chuồng trại chăn nuôi phải có các khu riêng biệt, như: Khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, khu thay quần áo cho người lao động; khu tập kết và xử lý rác thải; khu cách ly lợn ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; lợn giống phải là lợn đen Lũng Pù có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch định kỳ…

Giống lợn đen Lũng Pù có khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt, ăn tạp, dễ nuôi và có sức đề kháng cao. Tuy vậy, để đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon, thức ăn cho lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và khẩu phần ăn của lợn; không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn bị dịch cho đàn lợn mới; thức ăn hỗn hợp được phân theo 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 hậu bị (nuôi để chọn giống mà chưa phối), giai đoạn 2 là cám hỗn hợp cho lợn mang thai và giai đoạn 3 là cám hỗ hợp cho lợn mẹ nuôi con; trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi lợn đen Lũng Pù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO