Nuôi lươn trong bể không bùn

Văn Dân 01/04/2021 09:30

Lươn là loại thực phẩm giàu chất bổ dưỡng, ăn ngon miệng, có thể chế biến thành nhiều món.

Trước kia, người dân thường bắt lươn ngoài đồng ruộng, ở những con kênh mương hay là trong ao. Sau này, lươn đã được nuôi nhiều hơn, đem lại thu nhập khá cho nông dân. Đặc biệt, với kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong bể không bùn bằng giống nhân tạo và thức ăn viên, đã và đang được nhân rộng.

Nuôi trên bể không bùn bằng giống nhân tạo và sử dụng thức ăn viên là hình thức khá phổ biến hiện nay. Nuôi lươn kiểu này sẽ cho ra những lứa lươn thương phẩm đồng đều, chất lượng giống ổn định. Khi sử dụng thức ăn viên sẽ giúp cho tỷ lệ lươn sống cao hơn, thuận lợi trong quá trình nuôi, lại ít tốn diện tích phù hợp cho hộ ít đất sản xuất, phù hợp cả nơi đô thị, ít tốn thời gian, dễ áp dụng kỹ thuật. Từ đó cho thu nhập cao.

Người nuôi lươn trong bể không bùn nhiều kinh nghiệm cho biết, thường thì bể nuôi là bể xi măng, bể lót bạt và có thể tận dụng chuồng heo cũ để nuôi. Cần chú ý, lươn có thể dựng thân vào thành bể để ngoi lên bò ra ngoài, nên bể cần có đủ độ cao để tránh lươn bị thất thoát. Bể có hình chữ nhật chiều rộng 1 đến 2 m, chiều dài từ 2 đến 5m, độ sâu tối thiểu từ 0,8 đến 1m.

Để tiết kiệm diện tích xây dựng và dễ quản lý, nên thiết kế khu nuôi thành nhiều bể liên tiếp. Thành và đáy bể cần làm bằng các vật liệu trơn láng. Mặt đáy cần bằng phẳng và hơi nghiêng về phía ống thoát nước. Toàn bộ hệ thống nuôi được che bởi mái che nhằm hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm nhiệt độ nước tăng cao ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lươn.

Về ống cấp nước, cần nối thông với nguồn nước cấp, đặt bằng hoặc cao hơn mặt bể. Ống thoát nước đặt sát đáy bể. Ống xả tràn đặt cao hơn mực nước trong bể khoảng 10cm (để xả bỏ lớp nước mặt sau những trận mưa). Tất cả các ống nói trên đều phải được chắn lưới để tránh lươn chui ra ngoài.

Ngoài bể nuôi lươn thương phẩm nên có ba bể: Bể lắng, bể lọc và bể xử lý chất thải. Sàng ăn là khung hình chữ nhật làm bằng tre hoặc ống nước, rải thức ăn vào bên trong khung để dễ quản lý thức ăn.

Về cách chọn và thả giống: Nên chọn mua con giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín. Con giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu tươi, có màu vàng đặc trưng của loài, bơi nhanh nhẹn, da không bị trầy xước, mất nhớt. Cỡ giống khoảng 300 - 500 con/kg. Đặc biệt, chúng đã phải được thuần bằng thức ăn viên.

Mật độ nuôi dưỡng (giai đoạn 1 khi lươn còn nhỏ): 200 đến 300 con/m2. Mật độ nuôi thương phẩm (giai đoạn 2): 150 đến 200 con/m2.

Trước khi thả lươn giống vào bể nuôi, tắm qua dung dịch nước muối nồng độ 2 đến 3% khoảng 1 đến 2 phút. Cần kiểm tra kỹ, nếu phát hiện những con bị bệnh hay yếu, lờ đờ, xây sát thì phải loại ra. Ngày thứ nhất sau khi bố trí lươn vào bể nuôi dưỡng không nên cho ăn để lươn ổn định. Từ ngày thứ 2 trở đi bắt đầu cho lươn ăn giun chỉ hoặc giun quế để tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu với bệnh. Khẩu phần ăn bằng 1 - 2% trọng lượng đàn. Thức ăn rải trong sàng ăn để dễ quản lý, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Nếu không có nguồn giun thì cho lươn ăn thức ăn công nghiệp với khẩu phần ăn chiếm khoảng 1 đến 3% trọng lượng đàn. Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần, lần 1 lúc 6 giờ sáng, lần 2 lúc 5 giờ chiều.

Trong giai đoạn nuôi dưỡng nên thay nước hàng ngày và vệ sinh bể nuôi để kích thích lươn bắt mồi. Sau 2 đến 3 tháng nuôi dưỡng lươn đạt cỡ giống lớn thì tiến hành phân cỡ và san bể nuôi để lươn trong mỗi bể có kích cỡ đồng đều. Do lươn có tập tính ăn lẫn nhau, nên khoảng 1 tháng nuôi hoặc thấy lươn có phân đàn cần tiến hành phân cỡ ra nuôi riêng để hạn chế lươn hao hụt. Trước khi phân cỡ cho lươn nhịn ăn 1 ngày, dùng sàng trơn láng để phân loại cỡ lươn hoặc dùng vợt để bắt lươn (không dùng tay).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi lươn trong bể không bùn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO