Nứt núi, hàng chục hộ dân bị đe dọa

Điền Bắc 14/11/2020 08:29

Sau đợt mưa lớn vừa qua, nhiều địa phương tại tỉnh Nghệ An xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Từ bờ sông đến vách núi, nhiều vết nứt cứ ngày càng lộ diện. Điển hình như vệt nứt lún sâu gần 2m tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) đe dọa đến hàng chục hộ dân sống gần đó.

Những vết nứt khổng lồ trên triền núi phía sau bản Bủng Xát khiến người dân vô cùng lo lắng.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều người dân tại bản Bụng Xát 2, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) bàng hoàng và lo lắng khi phát hiện ngọn núi nằm ngay phía trên bản xuất hiện những vết nứt lớn, kéo dài hàng trăm mét. Sau những tiếng động lớn, một số đất đá đã đổ xuống, khiến người dân nơi đây khiếp sợ, hốt hoảng di tản đến nơi khác để đảm bảo an toàn.

Theo quan sát của chúng tôi, vết nứt có nhiều điểm sâu hơn 2m, nhiều vị trí rộng đến 80cm. Vết nứt chạy theo hình vòng cung có chiều dài hơn 200m, có thể đổ ập xuống phía dưới bất cứ lúc nào. Thông tin nhanh chóng được trình báo đến chính quyền địa phương. Ngay sau khi nhận được thông tin, xã đã sơ tán 17 hộ với hơn 50 nhân khẩu, họ phải tá túc ở nhà người thân, họ hàng gần đó.

Theo bà Lục Thị Diện (62 tuổi), trú tại bản Bụng Xát có nhà nằm ngay sát phía dưới vết nứt lớn trên núi cho biết, hôm đó, trời mưa rất to, mưa xối xả mấy ngày liền, bỗng bất ngờ nghe tiếng động rất lớn, ngay sau đó một số tảng đá to lăn xuống. “Người dân trong bản lên xem, phát hiện trên núi có những vết nứt sâu. Người dân sau đó được di dời. Tôi cùng với nhiều gia đình trong bản phải chạy sang nơi khác, từ hôm đó đến nay”, bà Diện kể.

Theo khảo sát của chính quyền xã Châu Khê, vết nứt chạy dọc triền núi xuất hiện từ ngày 29/10, sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Theo ước tính, lượng đất đá có thể tách rời hoàn toàn khỏi triền núi từ vết nứt này lên đến nửa triệu khối. Nếu xảy ra mưa lớn, lượng đất đá khổng lồ này có thể san phẳng cả khu vực phía dưới thành một bình địa.

Sau hơn 10 ngày di tản, sáng ngày 10/11, một số hộ dân tại đây đã trở về thăm nhà. Tuy nhiên, họ rất lo lắng và bất an, sợ “tử thần” có thể đổ ập xuống, cướp đi tính mạng của mình bất cứ lúc nào. Bà Quang Thị Thiện (65 tuổi) trú tại bản Bủng Xát lo lắng: “Hơn 10 ngày rồi, hôm nay trời nắng mới dám về thăm nhà. Sống như thế này sợ lắm, chúng tôi cũng mong nhà nước hỗ trợ để di dời đến nơi ở mới an toàn hơn”.

Và để an toàn cho người thân và gia đình, nhiều hộ dân đã bắt đầu tháo dỡ nhà của mình để di chuyển đến nơi ở mới. “Ở đây nguy hiểm quá, núi không biết đổ sập xuống bất cứ lúc nào”, anh Vi Văn Bảy, bản Bủng Xat cho biết.

Vết nứt sâu cực kỳ nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn, nhiều ngày qua, UBND xã đã cắt cử lực lượng để không cho người dân trở về nhà khi mưa lớn. Xã cũng đã báo cáo lên huyện. UBND tỉnh cũng đã về khảo sát để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Trao đổi với ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, ông cho biết: ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã đã tuyên truyền, vận động di dời khẩn cấp 17 hộ dân với khoảng 64 khẩu bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Ngoài ra cử lực lượng túc trực 24/24 ở bản Bủng Xát để cảnh báo người dân qua lại vì tình trạng sạt lở núi.

“Chúng tôi sẽ sớm di dời 6/17 hộ đến nơi ở mới”, ông Thương cho biết thêm. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư huyện Con Cuông cũng cho biết, sau khi xuất hiện vết nứt nói trên, huyện đã có văn bản gửi tỉnh, hiện tỉnh cũng đã giao chuyên gia nghiên cứu đưa ra phương án hữu hiệu nhất. Trước đó, khi phát hiện sự việc, huyện đã chỉ đạo, đã di dời 17 hộ đi chỗ khác.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, sau khi trực tiếp tới hiện trường kiểm tra, ông đã giao huyện Con Cuông tiếp tục chỉ đạo xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân. “Trong thời gian tới, chúng tôi đã đề nghị địa phương chủ động thuê tư vấn khảo sát hiện trạng, xây dựng giải pháp xử lý sạt lở”, ông Hiếu cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nứt núi, hàng chục hộ dân bị đe dọa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO