Ở đầu nguồn lũ Long An

Khuynh Diệp 29/09/2017 09:10

Năm 2017, lũ về sớm một tháng so với cùng kỳ nhiều năm trước. Lũ về sớm cộng mưa lớn kéo dài đã gây úng ngập hàng ngàn ha lúa chưa kịp thu hoạch.

Những ngày cuối tháng 9/2017, chúng tôi lên xã Hưng Điền B thuộc khu vực vùng đầu nguồn lũ Long An, tại các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng có 2.027,8 ha diện tích lúa bị thiệt hại từ 20 – 30% do lũ về đột ngột cộng mưa lớn kéo dài. Đến thời gian này trong tổng số 1.757 ha của huyện Tân Hưng chưa thu hoạch có 679,5 ha đang bị ngập; 94 ha có khả năng mất trắng.

Trao đổi thêm với chúng tôi về lũ năm 2017, ông Trần Tấn Tài, Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hưng nói: “Tuần cuối tháng 9, đỉnh lũ đo được ở Tân Hưng là 2,05m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,4m nhưng lại thấp hơn cùng kỳ 2011 tới 0,90 m”.

Ông Tài dự báo, đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào ngày 15-10 dương lịch, mặc dù năm nay lũ không lớn nhưng lại gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân huyện đầu nguồn lũ Tân Hưng (Long An).

Theo báo cáo mới nhất của Uỷ ban nhân dân huyện Tân Hưng thiệt hại do lũ gây ra đến ngày 15-8 ước khoảng 20.774 triệu đồng, trong đó diện tích mất trắng khoảng 2.479 triệu đồng; diện tích bị ảng hưởng từ 70 – 80% khoảng 4.775 triệu đồng.

Giải thích nguyên nhân vì sao lũ không lớn nhưng gây thiệt hại nặng cho vùng lúa Tân Hưng, ông Trần Tấn Tài cho biết: Năm nay lũ về sớm một tháng so với năm ngoái; một số khu vực sản xuất bà con chưa xây dựng đê bao lửng; nông dân có quan niệm năm nay nhuận tháng 6 nên cô bác xuống loại giống dài ngày, khi lũ về trùng với thời điểm lúa chín. Ngoài thiệt hại lúa hè thu, hiện Tân Hưng còn 10.668 ha lúa Thu đông chưa thu hoạch. Nếu lũ tiếp tục dâng cao nguy cơ bị ảng hưởng là không tránh khỏi.

Tình trạng lũ tràn về sớm một tháng kéo theo sự cố vỡ đê bao lửng, làm thiệt hại hàng ngàn ha lúa chưa kịp thu hoạch đã đặt ra cho ngành nông nghiệp Long An bài toán và những giải pháp phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nông dân vựa lúa vùng Đồng Tháp Mười. Để “giải cứu” tình trạng, đối với những khu vực ngập trũng, nông dân đắp đê bao phát triển nghề ương cá bột (cá giống), chủ yếu là cá tra phục vụ người nuôi xuất khẩu.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hưng Điền B cho biết: “Hiện có 40 hộ sản xuất 120 ha cá giống. Có hộ mở rộng mặt nước ương 10 ha như hộ Nguyễn Văn Dũng, Trần Hùng Tráng... lợi nhuận cao gấp 2 – 3 lần so với lúa!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở đầu nguồn lũ Long An

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO