Ô nhiễm môi trường và cái giá phải trả

Minh Phương (thực hiện) 18/12/2016 08:15

Phát triển xanh, bền vững đã thành xu thế. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông John Rockhold- Trưởng nhóm công tác Điện và năng lượng VBF cho rằng, Việt Nam nhất định phải thu hút đầu tư vào phát triển năng lượng sạch, cùng với đó là các quy định chặt chẽ về môi trường, thực thi luật một cách hiệu quả thì mới có thể phát triển bền vững.

Ô nhiễm môi trường và cái giá phải trả

Ông John Rockhold.

PV: Năng lượng và phát triển nguồn năng lượng sạch đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Là một nhà đầu tư nước ngoài, ông có mong muốn gì khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam, thưa ông?

Ông John Rockhold: Vâng! Chúng tôi mong muốn được tham gia đầu tư ở lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và sẽ không thể phát triển ngành năng lượng nếu không có sự tham gia của các công ty trong nước.

Chúng tôi cần các doanh nghiệp trong nước mạnh, cần các trang thiết bị sản xuất tại Việt Nam để có thể giảm chi phí, hiện nay chúng tôi vẫn phải nhập khẩu các trang thiết bị này.

Như các bạn biết, mức đầu tư sản xuất và tiến hành các dự án năng lượng tái tạo rất đắt, vì vậy chúng tôi mong có sự tham gia cùng của các DN trong nước. Các DN trong nước có thể xây dựng, sản xuất các trang thiết bị cho dự án để từ đó, có thể điều chỉnh giá xuống thấp hơn.

Tôi lấy ví dụ, ở một số nước họ đầu tư vào năng lượng mặt trời. Ở giai đoạn đầu tiên, giá của dự án năng lượng mặt trời này là 13-14 cent/kwh. Nhưng chỉ vài năm sau khi các DN trong nước có thể tham gia sản xuất cùng với việc học hỏi kinh nghiệm từ kỹ thuật, giá đã được kéo xuống 6 cent/kwh. Đây chính là điều chúng tôi rất hy vọng sẽ có được tại thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, một số sự việc liên quan đến môi trường, xả thải của một vài DN FDI đã khiến dư luận xã hội ở trong nước bức xúc. Điều này có làm các nhà đầu tư thay đổi mục tiêu, ý tưởng không, thưa ông?

- Điều này hoàn toàn không đáng lo. Chúng tôi đã có một số khảo sát hồi năm ngoái để tìm hiểu xem tại sao các DN FDI lại đến Việt Nam. Câu trả lời là Việt Nam đã có những luật tương đối đầy đủ về vấn đề môi trường.

Các DN FDI tìm đến Việt Nam chủ yếu vì dân số trẻ, nhiều người ở độ tuổi lao động và hầu hết đều ham học hỏi và học rất nhanh. Thực tế tôi đã trải nghiệm là, khi chúng tôi đầu tư xây dựng một dự án điện gió tại Việt Nam, chỉ trong vài tuần, dự án điện gió đó đã được tiến hành bởi đội ngũ công nhân Việt Nam.

Như vậy rõ ràng, chúng tôi được tiết kiệm về mặt thời gian và chi phí khi được sử dụng đội ngũ công nhân lành nghề. Ngoài ra, các DN FDI cũng đễ dàng để tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, không có lý do gì chúng tôi e ngại khi đầu tư vào đây.

Liên quan đến vấn đề môi trường mà trong Báo cáo tại Diễn đàn DN Việt Nam 2016 vừa qua ông cũng đề cập đến, hiện tại đây là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Quan điểm của ông đối với các DN xả thải ra môi trường, cần phải xử lý thế nào?

- Nhiều nước trên thế giới đã có luật với tên là “Pollution pays” và xử lý rất nghiêm khắc với những hành vi hủy hoại môi trường. Nếu bạn gây ô nhiễm môi trường, bạn phải trả giá cho nó.

Nhưng ở Việt Nam thì khác, người gây ô nhiễm môi trường chỉ bị phạt với một mức phạt rất thấp, không đủ sức răn đe. Tôi nghĩ, các DN sẽ phải chú ý hơn trong hoạt động xả thải của mình nếu như họ phải chịu những hình phạt rất nặng.

Việt Nam đã có đủ luật và quy định về bảo vệ môi trường nhưng tiếc là chúng ta đã thấy một số công ty vi phạm mà bỏ qua điều luật này. Chính phủ cần phải thực thi một cách toàn diện, nhất quán, bắt buộc các công ty thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công ty tiêu thụ năng lượng lớn có nguy cơ gây ô nhiễm cao như các nhà máy xi măng, sắt thép bắt buộc trả giá về những thiệt hại gây ra.

Việc thực thi luật nhất quán, minh bạch sẽ khuyến khích đầu tư vào công nghệ bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế không cần thiết phải đi đôi với rủi ro môi trường và sức khỏe người dân.

Xu hướng của thế giới là phát triển xanh, đẩy mạnh các nguồn năng lượng sạch, theo ông lời giải cho phát triển xanh ở Việt Nam là gì?

- Xu hướng công nghiệp xanh, sạch là tất yếu để có thể phát triển bền vững. Như chúng ta đã biết, điện đóng vai trò quan trọng trong phát triển, tăng trưởng kinh tế. Và những dự án để phát triển nguồn điện sạch đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học.

Tại diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2016, Nhóm công tác Điện và Năng lượng chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp về Năng lượng và biến đổi khí hậu, tập trung nhấn mạnh vào các nguồn điện năng sạch hơn tại Việt Nam cũng như các giải pháp và bí quyết kỹ thuật phát triển nhanh chóng nguồn điện năng trong nước.

Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân để phát triển các tiềm năng khí ngoài khơi và cơ sở hạ tầng, đồng thời khuyến khích các hoạt động thăm dò nhằm khai thác được nguồn khí bổ sung càng sớm càng tốt để giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu than.

VBF có thể phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý của Việt Nam xây dựng các điều kiện có thể đầu tư và các quy định phù hợp về Hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất năng lượng sạch và hỗ trợ nỗ lực thu hút đầu tư vốn ở quy mô lớn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam. Việc ra quyết định đúng đắn và công nghệ mới có thể giúp Việt Nam đối phó với các vấn đề về môi trường và tránh được nhiều hậu quả môi trường mà các nước đã gặp phải.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm môi trường và cái giá phải trả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO