Ô nhiễm nguồn nước

Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Conserve C’est la Vie) 13/12/2017 21:54

Tại chuyên đề Dân tộc và Miền núi báo Đại Đoàn Kết, số 44, chúng tôi đã có bài viết về tình hình ô nhiễm biển. Trong số này, xin được tiếp tục đề cập đến ô nhiễm nguồn nước nói chung trên thế giới.

Ô nhiễm nguồn nước

Trong các các mục phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thì chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường là rất quan trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các quốc gia cần phải tăng cường phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc về tất cả các vấn đề liên quan đến nước ngọt.

Tiến sĩ Maria Neira- giám đốc WHO cho biết, hiện nay, gần 2 tỷ người đang phải sử dụng nguồn nước uống có nguy cơ ô nhiễm chất thải, dẫn đến nguy cơ gia tăng nhiễm dịch tả, kiết lỵ, thương hàn và bệnh bại liệt. Một báo cáo cho biết, ô nhiễm nước uống mỗi năm gây ra hơn 500.000 trường hợp tử vong do tiêu chảy. WHO cũng cảnh báo rằng, ô nhiễm nguồn nước là một yếu tố quan trọng gây nên những bệnh nhiệt đới. Đáng tiếc là tình trạng đó đang bị lãng quên hoặc không được chú ý đúng mức.

Không chỉ ở những nước nghèo tình trạng ô nhiễm nguồn nước mới không được chú ý đúng mức, mà ngày cả những quốc gia phát triển thì vấn đề này cũng không nhận được sự quan tâm thường xuyên. Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nước sạch trung bình mỗi năm cần đến 114 tỷ đô-la, (chưa bao gồm chi phí vận hành và bảo trì). Cũng chính vì để tiết kiệm kinh phí nên không ít chính phủ đã “bỏ qua” vấn đề này.

Ô nhiễm nguồn nước - 1

Dầu loang gần khu vực sản xuất dầu ở hồ Maracaibo, gần làng Barranquitas, Venezuela, ngày 15/8/2011.

Theo ông Guy Ryder- tổng giám đốc Tổ chức lao động quốc tế, thì đây là một thách thức lớn. Báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về chất lượng nước thế giới, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt đang ở mức báo động tại châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, đe dọa đời sống người dân, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.

Cảnh báo của UNEP cho biết, hơn 300 triệu người trên thế giới có nguy cơ mắc các bệnh dịch tả và thương hàn do tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước là do chất thải trong hoạt động sản xuất đã bị xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, hoặc có xử lý thì cũng không tiệt để. theo người phụ trách Chương trình Khoa học của UNEP, Jacqueline McGlade, thì lượng nước chưa qua xử lý thải vào các sông, hồ ngày càng nhiều đã trở nên rất đáng lo ngại.

Ông J.McGlade cũng cho rằng, việc khôi phục những dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng và ngăn chặn các dòng sông tiếp tục bị ô nhiễm sẽ rất khó khăn vì lượng nước thải bẩn vẫn tiếp tục đổ vào từng ngày. Vị chuyên gia này cũng dẫn ra số liệu của UNEP rằng, trong giai đoạn 1990-2010, môi trường nước của hơn 30% các dòng sông toàn cầu bị ô nhiễm vi sinh vật và ô nhiễm hữu cơ, đồng thời, nước bị nhiễm mặn cũng tăng gần 1/3. Cụ thể, khoảng ¼ các con sông ở châu Mỹ La-tinh, 10-25% sông ở châu Phi và 50% sông châu Á bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm vi sinh vật, phần lớn là do việc xả nước thải, chất thải, rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra sông.

Ô nhiễm nguồn nước - 2

Một hồ gần rừng rậm bên cạnh thị trấn Sacha, Ecuador, đầy dầu thô do hoạt động khai thác dầu nhiều năm trước, ảnh chụp ngày 21/10/2003.

-Thật đáng lo ngại là tại không ít quốc gia, có tới hơn 50% số người sử dụng nước mặt bị ô nhiễm phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu hàng ngày, đó chính là mối đe dọa lớn đến sức khỏe- J.McGlade nói.

Trong khi đó, nước tại các ao hồ (được coi là nguồn nước tự nhiên nhưng ít luân chuyển) cũng bị đe dọa nghiêm trọng, bởi người dân trong vùng xả thải trực tiếp. Việc đó thúc đẩy sự phát triển của các loài tảo, rong, rêu, thực vật phù du trong nước, dẫn đến thiếu dưỡng khí, cạn kiệt ôxy hòa tan, giảm số lượng thủy sinh nước ngọt. Báo cáo của UNEP cho biết, 23/25 hồ lớn của thế giới có hàm lượng phốt-pho lớn, chủ yếu là từ các nguồn như phân bón, chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt.

-Hiện tượng ao hồ bị ô nhiễm vẫn tăng lên, trong khi ý thức người dân về tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra chậm được nâng lên. Đã đến lúc chúng ta phải sử dụng những công cụ quản lý môi trường để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nước đang gia tăng, vì sức khỏe con người và sự phát triển bền vững thế giới- ông J.McGlade nói.

Nhân đây, cũng có thể nhắc lại một số vụ ô nhiễm môi trường lớn đã tững ảy ra trên thế giới, từ ô nhiễm nguồn nước. Năm 1956, một thảm họa nước biển nhiễm độc xảy ra tại Nhật Bản do nhà máy hóa chất Chisso xả trực tiếp nước thải chứa thủy ngân chưa qua xử lý ra vịnh Minamata và biển Shiranui. Tuy nhiên, đến năm 1968 người ta mới đưa ra kết luận chính thức về hậu quả của nó, và cuối cùng tập đoàn Chisso đã phải trả 86 triệu USD tiền bồi thường cho các nạn nhân và bị yêu cầu phải làm sạch khu vực biển bị ô nhiễm.

Ô nhiễm nguồn nước - 3

Đàn chim cánh cụt bị nạn dầu loang hủy hoại.

Tại Mỹ, năm 2010, sự cố nổ giàn khoan của hãng dầu khí BP, ngoài khơi bờ biển Louisiana, Mỹ, đã gây ra một vụ tràn dầu rất lớn. Thảm họa xảy ra khi giàn khoan di động nước sâu Horizon khoan dầu thô ở độ sâu 1.500 m tại khu vực mỏ dầu khí Macondo Prospect. Khí thoát ra từ giếng dầu có áp suất rất cao, phát nổ khiến 11 người chết và 17 người khác bị thương. Giàn khoan bốc cháy và chìm xuống biển, gần 5 triệu thùng dầu tràn vào khu vực rộng lớn của vịnh Mexico, phá hủy các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến ngành ngư nghiệp và du lịch của các quốc gia trong vùng. Đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo giới khoa học, vụ tràn dầu này đã ảnh hưởng tới hơn 400 loài sinh vật sống tại vùng biển này.

Cũng tại Mỹ, tháng 12-1999, một vụ ô nhiễm xảy ra trên sông White, bang Indiana, hủy hại đời sống thủy sinh kéo dài hơn 90 km và giết chết khoảng 4,6 triệu con cá, tương đương 187 tấn. Cuối cùng, nhà máy sản xuất đèn ôtô của tập đoàn Guide tại Anderson đã bị buộc phải chi trả 13,9 triệu đô-la tiền phạt và chi phí xử lý môi trường, trong đó 6,25 triệu đô-la được dùng để khôi phục dòng sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO