Ốc bươu vàng hoành hành, người dân lo lắng

Bắc Vũ 11/07/2016 22:58

Thời gian gần đây, trên các cánh đồng lúa ở Con Cuông, Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An)... xuất hiện tình trạng ốc bươu vàng gây hại hàng chục hecta lúa. Người dân hằng ngày phải đi nhặt và tiêu diệt nhưng do sự sinh sôi nảy nở quá nhanh nên bắt hôm nay, hôm sau cánh đồng lại “nhan nhản” hàng ngàn con ốc bươu vàng gây hại lúa.

Ốc bươu vàng hoành hành, người dân lo lắng

Bà Cao Thị Khanh (xóm 8, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An) bắt ốc bươu vàng.

Ốc bươu vàng nhiều bắt không xuể

Nhiều hộ phải huy động hết nhân lực ra đồng bắt và tiêu diệt ốc nhưng vẫn không xuể. Sau khi bắt ốc, nông dân đem đổ lên các tuyến giao thông nội đồng, quốc lộ, tỉnh lộ khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 6, khi cây lúa ở giai đoạn 3-4 lá, ốc bươu vàng lần lượt xuất hiện và tăng nhanh theo cấp số nhân.

Bà Cao Thị Khanh (SN 1957) trú tại xóm 8, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, ốc bươu vàng xuất hiện khoảng hơn nửa tháng nay, cắn hại rất nhiều lúa nên hầu như ngày nào gia đình cũng cử người đi bắt nhưng nó sinh sôi nhanh quá, trước kia người ta hay nhặt về làm thức ăn cho heo, ngan ngỗng nhưng do nhiều quá, nên rải lên đường.

Cũng giống như bà con nông dân huyện Thanh Chương, ở huyện Nam Đàn tình trạng ốc bươu vàng hại lúa còn nặng nề hơn. Bà Nguyễn Thị Vinh trú tại xóm 5, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn vụ hè thu năm nay trồng 8 sào lúa, hơn tuần nay ốc bươu vàng xuất hiện trên tất cả 8 sào ruộng.

“Cả nhà tôi, 4 - 5 người ngày nào cũng ra đồng nhặt ốc nhưng chúng phát triển quá nhanh, bắt không xuể. Cả làng, cả xã đều phải ra đồng diệt ốc. Không hiểu sao năm nay ốc bươu vàng phát triển nhanh đến thế? Chắc là phải vừa bắt vừa phun thuốc thì may ra mới hết được”.

Tại huyện Nam Đàn, theo ghi nhận của chúng tôi, ốc bươu vàng xuất hiện và phá hại lúa xảy ra tại hầu hết các cánh đồng của huyện, tập trung chủ yếu ở các cánh đồng vùng trũng, thấp như xã Nam Xuân, Nam Anh, Xuân Hòa và Nam Giang. Mật độ nơi thấp từ 5 - 7 con/m2, cục bộ có nơi phải đến 20 - 30 con/m2.

Đơn cử như tại xã Nam Xuân, ốc bươu vàng xuất hiện nhiều nhất ở các cánh đồng của các xóm 3, 8, 9, 11 và 12. Do các tuyến đồng này trũng, thấp, sau thu hoạch vụ lúa đông xuân, ốc bươu vàng thường trú ngụ và sinh sản dưới các kênh rạch, mương máng. Gặp điều kiện thuận lợi như sau một trận mưa hoặc sau khi bơm nước dưỡng lúa, chúng sinh sôi phát triển rất nhanh.

Bà con nông dân cho biết, hầu hết xác ốc bị cán nát trên đường đều có trứng màu đỏ hồng. Nếu không kịp thời tiêu diệt, số trứng này sẽ nở thành ốc con, cánh đồng lúa sẽ bị ốc phá sạch.

Đang bắt ốc dưới ruộng, bác Nguyễn Mạnh Tam, hộ dân ở xóm 11, xã Nam Xuân cho biết: “Gia đình làm 3 sào lúa, do năm nay ốc bươu vàng xuất hiện cắn hại lúa khá nhiều, nên vợ chồng tôi cứ sáng sớm và chiều là phải xuống ruộng bắt ốc nếu không nó ăn hết lúa. Việc bắt ốc bằng phương pháp thủ công không xuể nên phải tính phương án phun thuốc phòng trừ”.

Khuyến cáo của ngành chức năng

Theo ông Nguyễn Hữu Thuận- Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Xuân, toàn xã Nam Xuân hiện có 300 ha đã gieo trồng lúa hè thu (chủ yếu là gieo thẳng). Ban nông nghiệp xã cũng đã đi kiểm tra các tuyến đồng cho thấy, tình trạng ốc bươu vàng phá lúa tập trung chủ yếu ở các vùng trũng và thấp hơn.

Ban cũng khuyến khích bà con nên diệt ốc bươu vàng theo phương pháp thủ công bắt bằng tay và đập chết hoặc đốt, không nên lạm dụng việc phun thuốc hóa học vì nếu không đảm bảo được các yêu cầu trong thời gian cách ly và sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thắng- Phó phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn thì ốc bươu vàng xuất hiện tăng nhanh mật độ trong vụ hè thu và gần như năm nào cũng có. Nhưng năm nay, chúng phát triển rất nhanh nên bà con rất lo lắng.

Địa phương khuyến cáo nông dân kết hợp bắt thủ công và phun thuốc để tiêu diệt. Nguyên nhân, do thời gian qua thời tiết nắng nóng đã làm nứt nẻ đất ruộng, điều này tạo thuận lợi cho ốc bươu vàng trú ngụ, sinh sản dưới các đường chân chim nên lượng ốc hiện nay trên các tuyến đồng rất nhiều.

Ngoài ra, do nước đang dần về trên các tuyến đồng nên tạo điều kiện thuận lợi cho ốc phát triển hơn, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm. Được biết, toàn huyện Nam Đàn có gần 600 ha được gieo trồng lúa hè thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ốc bươu vàng hoành hành, người dân lo lắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO