‘Ông điện’ độc quyền

Lê Anh Đức 15/07/2020 11:22

Suốt hai tháng qua, dư luận xã hội nóng lên với thông tin hàng nghìn hộ gia đình trên khắp cả nước bỗng nhiên nhận được hóa đơn tiền điện tăng đột biến với mức 1,3-300 lần sử dụng thực tế. Điều đáng nói là lãnh đạo các công ty điện lực đưa ra những lý do giải thích hết sức khiên cưỡng. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành điện đang ỷ thế độc quyền.

Ảnh: Quang Vinh.

Từ độc quyền bán

Kể từ khi Chính phủ có chủ trương xã hội hóa ngành điện, đến nay có rất ít doanh nghiệp (ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), nếu không muốn nói là chưa có doanh nghiệp nào có thể “chen chân” được vào thị trường bán lẻ điện cho người tiêu dùng. Lý do thì có nhiều nhưng vấn đề cốt lõi là hiện hạ tầng lưới điện quốc gia đang được giao cho EVN quản lý, khai thác, trong khi “ông lớn” này không muốn chia sẻ với bất cứ doanh nghiệp nào.

Từ thế độc quyền bán điện, EVN tỏ ra coi thường và thiếu trân trọng khách hàng. Thay vì phải chăm sóc tốt khách hàng, EVN tỏ rõ thái độ “không cần bán” nếu khách hàng đòi hỏi phải minh bạch thông tin, giá cả. Lẽ ra một doanh nghiệp phải “nịnh nọt” khách hàng để họ không quay lưng với sản phẩm của mình, nhưng với EVN thì không như vậy. EVN tỏ rõ cho khách hàng thấy: Dịch vụ chỉ có vậy, không mua thì thôi. Thái độ của người bán như vậy, thế mà khách hàng lại cứ phải “lao vào” mua, giống như các quán “bún chửi” vẫn đông khách.

Đơn giản là nếu không mua điện của EVN thì biết mua của doanh nghiệp nào đây? Trong thời đại công nghiệp 4.0 này, gi gỉ gì gi cái gì cũng cần đến điện, không có điện làm sao sống nổi?! Đặc biệt trong tiết trời hầm hập nóng đến 40-45 độ C như những ngày qua thì không có điện chắc là chết mất.

Và tất nhiên đó chính là điểm yếu của khách hàng đã được EVN khai thác triệt để. EVN cho rằng, nếu khách hàng không mua điện thì chấp nhận chịu nóng, chịu tối, không sử dụng được các thiết bị công nghệ, thậm chí không làm việc được đối với một số ngành nghề. Kiểu gì khách hàng cũng sẽ phải mua điện của EVN, có lý gì phải tốn công chăm sóc, tử tế với “thượng đế”? Dĩ nhiên là kiểu gì khách hàng cũng phải mua điện của EVN nên doanh nghiệp này không cần thiết phải minh bạch, rõ ràng trong giá điện, cách tính tiền điện.

Đó là lý do mà cứ đến mùa hè hàng năm, hóa đơn tiền điện của người dân lại tăng đột biến. Mọi năm thì không xảy ra chuyện ầm ĩ, vì khách hàng chẳng có chứng cứ gì, chỉ nói suông nên EVN chỉ cần buông một câu ngắn gọn: Ngành điện đã tính tiền đúng theo sử dụng. Nhưng năm nay thì khác, nhiều hộ gia đình đã trèo lên cột điện, “soi” chỉ số công tơ, chụp ảnh để làm bằng chứng nên các công ty điện lực chẳng còn có thể cãi vào đâu được nữa. Thế là từ một vài trường hợp ban đầu đã phát hiện ra hàng nghìn trường hợp “vô tình” gian lận tiền khách hàng của ngành điện.

Đến độc quyền sản xuất

Thị trường bán lẻ điện thì còn có thể miễn cưỡng lý giải sự độc quyền của EVN là do không thể kéo dây xây dựng hạ tầng mạng điện khác dẫn đến chồng chéo khó quản lý. Song, ngay cả trong sản xuất điện thì các doanh nghiệp bên ngoài EVN cũng đang bị đơn vị này làm khó. Vẫn là mạng lưới điện quốc gia do EVN quản lý, khai thác, nếu các doanh nghiệp khác có sản xuất điện thì cuối cùng vẫn chỉ có một giải pháp duy nhất là bán điện cho EVN để “ông lớn” này bán lại cho người tiêu dùng.

Không thể tiếp cận thị trường bán lẻ điện, sản xuất điện xong buộc phải bán cho EVN thì làm sao cấc doanh nghiệp không bị EVN chèn ép giá, gây khó dễ?! Không ít doanh nghiệp còn không thể hòa lưới điện quốc gia vì không chấp nhận bán điện cho EVN với giá bèo. Đương nhiên là EVN không thể lộ liễu giải thích không cho doanh nghiệp khác hòa lưới điện quốc gia là do họ không chịu bán điện giá rẻ, mà sẽ đưa ra lý do mạng lưới điện không thể chịu được tải khi nhiều doanh nghiệp đấu nối.

Hệ lụy tất yếu là hầu hết các doanh nghiệp tham gia sản xuất điện chán nản, bỏ cuộc, để mặc cho EVN độc quyền, “làm mưa làm gió” trên thị trường sản xuất và kinh doanh điện. Làm sao có thể không chán nản khi mà hoặc là phải chọn giải pháp bán rẻ sản phẩm điện, hoặc là sẽ bị EVN gây khó không thể hòa lưới điện quốc gia. Đằng nào cũng dẫn đến đường “chết” cả thì doanh nghiệp làm sao có thể tồn tại? Biết vậy tại sao không rút lui sớm, bảo toàn vốn, cố đấm ăn xôi không khéo lại phá sản doanh nghiệp.

Vậy là dù Chính phủ có chủ trương xã hội hóa thị trường điện, nhưng với cơ chế chính sách hiện nay, EVN vẫn giữ lợi thế số 1 mà không có bất cứ doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh. EVN không chỉ có tiềm lực kinh tế lớn, mạng lưới chân rết rộng, mà còn được Nhà nước bảo hộ ở một số vấn đề nên sẽ không có đối thủ nào xứng tầm để có thể cạnh tranh với “ông lớn” này. Các doanh nghiệp đã biết húc đầu vào đá thì chi bằng rút sớm, rút êm còn bảo toàn được vốn, tránh nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản. Đó chính là lý do mà chủ trương đúng đắn của Chính phủ đã không thể triển khai trong thực tiễn.

Người dân gánh hậu quả

Lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng, khi ở một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào đó mà xảy ra thế độc quyền thì ở đó người tiêu dùng sẽ phải chịu sự thua thiệt. Trong trường hợp cụ thể này, EVN không chỉ độc quyền trong sản xuất điện, mà còn một mình một chợ trong thị trường bán lẻ, dẫn đến khách hàng phải chịu đủ thứ thiệt thòi. Đơn cử nhất là hầu hết người dân, trong đó bao gồm cả trí thức cũng không nắm được quy trình sản xuất, giá cả đầu vào để sản xuất 1KW điện của EVN là bao nhiêu. Như vậy thì làm sao có cái để mà so sánh, đối chiếu xem EVN đã đẩy giá điện lên gấp bao nhiêu lần để hưởng lợi.

Ngay trong câu chuyện tính tiền điện theo giá bậc thang của EVN cũng hết sức mù mờ, thiếu minh bạch. Khoảng cách giữa các bậc về giá tiền thì chênh lệch rất lớn, nhưng chênh lệch về chỉ số điện tiêu thụ lại rất nhỏ. Đó là lý do để EVN thu bộn tiền dù vẫn được tiếng là có chia sẻ với các hộ nghèo, bằng cách “bắt” các hộ giàu dùng nhiều điện phải trả tiền cao để bù cho hộ nghèo dùng ít. Với khoảng cách chênh lệch chỉ số tiêu thụ điện giữa các bậc thang ngắn như hiện nay, hầu hết các hộ gia đình đều đang bị EVN tính giá điện cao, chứ không có bất cứ sự chia sẻ nào như “ông lớn” vẫn đang lý giải.

Còn nữa, do không có sự giám sát của bất cứ cá nhân, tổ chức nào nên đối với việc ghi chỉ số công tơ của EVN, người dân hoàn toàn trông chờ vào sự “tự giác”, trung thực của doanh nghiệp chứ còn cách nào hơn. Đó là lỗ hổng để các nhân viên “nhà đèn” thích ghi chỉ số bao nhiêu cũng được, số càng cao thì tiền điện người dân phải trả càng nhiều, càng có lợi cho doanh nghiệp. Và để che giấu sự gian lận thì cũng phải có kiểu, nghĩa là không thể tính tiền điện đột biến vào các mùa xuân, thu, đông, bởi các mùa đó không thể giải thích người dân sử dụng nhiều điện được.

Chỉ có mùa hè là có thể vô tư “nhầm ăn người”, vì nếu bị thắc mắc chỉ việc trả lời do nắng nóng nên người dân dùng nhiều điện dẫn tới tăng tiền điện. Nếu bị trưng ra chứng cứ gian lận thì nói đó là sự nhầm lẫn và hứa trả lại tiền là xong, có chết ai đâu. Đương nhiên là người dân chỉ cần được trả lại tiền điện đã mừng hú rồi, làm sao còn dám đòi xử lý gì đối với các công ty điện lực nữa. Lằng nhằng không khéo họ thù, cúp điện giữa mùa hè oi bức thì có mà... toi.

Và cũng từ việc chẳng có ai phải chịu trách nhiệm với hàng nghìn vụ “nhầm ăn người”, có những hóa đơn tiền điện tính vống lên đến hàng 300 lần, nên trải qua nhiều năm EVN vẫn không hề muốn sửa chữa việc nhầm lẫn. Đến hẹn lại lên, cứ đến màu hè hàng năm là người dân lại tá hỏa vì hóa đơn tiền điện tăng vọt, ít là gấp 1,3 lần, nhiều thì hàng chục lần, vài chục lần, đỉnh điểm là gấp tới 300 lần so với số tiền sử dụng thực tế. Biết kêu ai, ai biết mà kêu?

Tới thời điểm này cũng chưa có bất cứ một cuộc thanh tra, kiểm tra độc lập nào từ phía các cơ quan chức năng đối với việc gian lận hóa đơn tiền điện do lỗi “sơ ý” của EVN. Tất cả các cuộc rà soát đều là do EVN tiến hành, rồi chính doanh nghiệp này giải quyết khúc mắc của khách hàng. Vừa đá bóng, vừa thổi còi làm sao có thể phanh phui ra sự thực, làm sao có thể cho bàn dân thiên hạ biết chính mình gian lận?! Cũng chính vì như vậy mà người dân sẽ mãi phải chịu thiệt thòi, bị EVN “bóp cổ” mà không thể kêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Ông điện’ độc quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO