Páng Cang - Ngôi làng hạnh phúc

TÙNG DUY 27/03/2022 11:34

Bản Páng Cang được gọi tên “Ngôi làng hạnh phúc” ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái). Từ cuộc sống nguyên sơ bản Mông, Páng Cang đang chạm tay vào kinh tế du lịch với tiềm năng và bản sắc riêng có.

Bản Páng Cang.

1. Con đường núi kéo lên đỉnh Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) uốn vắt qua những nương chè đang nảy lộc. Mây lạnh mát từ phía rừng già bất ngờ sà xuống rồi lại tan biến. Quả rằng ai đến Tây Bắc mà chưa một lần lên với Suối Giàng thì hẳn là thiệt thòi. Ở đây có bản Páng Cang toàn người Mông sinh sống và trông giữ vườn chè cổ thụ mệnh danh “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”, có cây đã 300 năm tuổi được xếp loại di sản quốc gia cực hiếm.

Páng Cang như một sơn cước thu nhỏ với 159 hộ gia đình. Họ trồng chè, hái măng, chăm lúa nương, nấu rượu và nuôi lợn mán. Ven con đường bê tông khang trang sạch sẽ tỏa đi khắp bản, những ngôi nhà lợp gỗ ván pơ mu đã cũ nối xếp bên nhau vẻ thanh bình.

Loáng thoáng vài phụ nữ đeo gùi, đi bộ lên rẫy, dường như họ không màng lắm đến những chiếc xe ô tô du lịch vừa đến bản vào ngày cuối tuần - Suối Giàng đã từ nhiều năm nay trở thành điểm check-in tham quan và lưu trú danh tiếng với một khu NaHi Village đẹp như tranh vẽ.

“Không có những vụ li hôn, và rất hiếm hoi có chuyện cãi nhau, Páng Cang có mấy họ Sùng, Vàng, Lường... nhưng vẫn bao đời ấm êm đoàn kết. Ở đây cán bộ công tác Mặt trận không phải làm hòa giải bao giờ”, Chủ tịch xã Suối Giàng Lường Tâm chia sẻ.

Vàng Thị Mai sáng nay diện cái váy đẹp hơn. Mai đang háo hức cùng các cô gái và đám trai bản đến dự “Ngày hội hạnh phúc” ngay cạnh vườn trà cổ do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức. “Có cả múa khèn, ném pao vui lắm”, Mai rót chén trà mời chúng tôi, dư vị trà quánh ngọt do vợ chồng Mai trồng trên núi rồi tự chế biến.

Hằng ngày cô bán những gói trà nhỏ ở ngay cổng vườn chè cổ. Bản Páng Cang giao cho gia đình Mai kiêm việc trông giữ và hướng dẫn khách lối vào tham quan vườn trà. Dịp cuối tuần cô bán được khoảng dăm trăm ngàn đồng cho khách du lịch. Mai cũng lấy chè của nhiều hộ trong bản Páng Cang để bán những hôm được khách.

Cây trà cổ thụ 300 năm tuổi ở Suối Giàng.

2. “Thu nhập không cao nhưng người Mông ở Páng Cang cứ hạnh phúc với một cuộc sống an yên. Nhiều năm qua, Yên Bái đã có một kế hoạch dài hơi tạo nên diện mạo Suối Giàng ấn tượng và tôn lên hơn nữa vẻ đẹp Páng Cang. Trường học chuẩn quốc gia, điện lưới phủ toàn diện, đường nhựa và bê tông hóa thuận tiện, tuyên truyền người dân bản Mông từ bỏ tảo hôn, ma chay lê thê, hủ tục, khích lệ và phát huy bản sắc đẹp...

Tất cả có được là một chặng đường dài. Và “Ngày hội hạnh phúc” được tổ chức tại Suối Giàng là dịp để thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam”, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đoàn Thị Thanh Tâm phấn khởi nói với chúng tôi lúc vào thăm bản.

Giờ cũng là lúc cần quảng bá nhiều hơn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế du lịch. “Ngày hội hạnh phúc” cũng là dịp Páng Cang yêu thương nhau hơn, hiểu hơn về bản sắc của người Mông, cùng chia sẻ, có trách nhiệm với nhau và hướng đến xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp.

Tiếng khèn dập dìu, những chàng trai, cô gái Páng Cang rạng rỡ tung pao hò reo. Ở ngay đầu bản có các tình nguyện viên đến từ Trường Đại học Y Hà Nội đang khám mắt và cấp thuốc miễn phí cho già làng.

Các em nhỏ thì tụ tập ở ngôi nhà sàn cạnh đó lắng nghe một cán bộ Đoàn nói về quyền trẻ em và cách phòng dịch Covid-19. Hai thanh niên trẻ đến từ thành phố Yên Bái nhanh tay kéo đang cắt tóc cho vài em nhỏ khác. Rất nhiều người đang dồn lại khi trưng bày mua bán sản phẩm của đồng bào Mông ở dãy nhà bên cạnh.

Một sân khấu lớn có tiếng loa lớn đang diễn ra buổi trình diễn trang phục Mông. Còn bên bãi rộng trước “Nhà trung tâm” của NaHi Village thì huyên náo vô cùng bởi một trận đấu kéo co với rất nhiều nam nữ trẻ...

Người Mông ở Páng Cang vui mừng đón nhận sách “Văn hóa người Mông” do Trường CĐSP Yên Bái tặng.

3. Xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc - một nội dung quan trọng từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái vừa qua, đang được cụ thể hóa bằng hàng chuỗi việc đã và đang làm.

“Ngoài việc tổ chức triển lãm ảnh về đời sống bình dị ở bản Mông, chúng tôi cũng tặng sách “Văn hóa người Mông”, được biên tập rất công phu. Tôi thực sự mong muốn sách này sẽ là cẩm nang để người dân phát triển, gìn giữ văn hóa dân tộc Mông qua các thế hệ, để người dân có thể phát triển du lịch trên mảnh đất quê mình”, cô giáo Mùa Thị Pàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái cho biết.

Em Sùng Thị Mai Hương, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Giàng nâng niu áp cuốn sách lên ngực: “Sách in hình đẹp quá ạ, rất dễ hiểu. Hôm nay cũng là lần đầu tiên chúng em được vui một ngày hội đặc biệt có nhiều thứ vui thế này. Hôm nay còn có cả múa rối cạn, chúng em lần đầu được xem, thích quá”.

Đêm hội hạnh phúc ở Páng Cang tái hiện nét văn hóa Mông và vinh danh 10 cặp đôi gia đình hạnh phúc của bản. Khích lệ và làm lan tỏa mô hình bản làng hạnh phúc vùng cao, và cơ hội nhận thức làm kinh tế du lịch từ bản sắc của chính người Mông, Yên Bái đang đẩy mạnh những chương trình an sinh xã hội, hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, tạo sự đồng thuận đoàn kết hơn nữa từ mỗi bản làng, động viên bà con vùng khó khăn, qua đó giúp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Có nhà khoa học lên Páng Cang đã phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm và to như cây chè ở Suối Giàng”.

Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những ruộng lúa bậc thang cong theo vạt núi, phía dưới là thung lũng lúa vàng Mường Lò. Du khách đến đây không chỉ phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể được cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách, hoặc trải nghiệm sống ở bản Mông.

Những năm gần đây, Suối Giàng có sự đầu tư rất mạnh mẽ và quy mô nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với các điểm du lịch cộng đồng và kinh doanh dịch vụ, hướng tới các dịch vụ du lịch xanh, bản sắc. Ngụm trà đắng ngọt tháng ba ở sơn cước cổ tích Páng Cang có vị ấm áp của bàn tay người Mông Suối Giàng.

Páng Cang đang thức dậy từ hạnh phúc nhỏ đến hạnh phúc lớn hơn ở ngọn núi trời ban trà quý. Có vị khách du dưới xuôi đang nấn ná như chẳng muốn rời khỏi ngọn núi. Chén rượu men ngô nồng thơm tối qua ai đó đã phải lòng ai...

Có tới 98% dân số của Suối Giàng là người Mông và họ biết trồng, chế biến chè từ hàng trăm năm nay. Vi chất trong chè Shan tuyết Suối Giàng từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước do chất lượng sản phẩm rất cao với hương thơm, vị đượm, giàu dinh dưỡng. Hiện xã có trên 674 ha chè, trong đó có 193 ha chè cổ thụ.

Suối Giàng hiện đã có nhiều homestay với sức lưu trú 500 khách mỗi ngày. Ngày càng có nhiều du khách tới trải nghiệm cuộc sống với dân bản Páng Cang ở ngọn núi cao 1.400m, thăm vườn trà cổ di sản, cắm trại qua đêm, ngắm mây “check in”, và đặc biệt là thưởng lãm “Không gian trà Suối Giàng” với các “bungalow” ấm cúng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Páng Cang - Ngôi làng hạnh phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO