Paralympic Rio 2016: Giấc mơ đã thành hiện thực

Khánh Vy 14/09/2016 09:15

Võ Thanh Tùng chính là một trong những gương mặt mà thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam kỳ vọng sẽ đem về huy chương cho Tổ quốc tại Paralympic Rio 2016. Sáng 13/9 (theo giờ Việt Nam), VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi ghi thêm vào bảng thành tích 1 chiếc HCB.

VĐV Võ Thanh Tùng xuất sắc giành HCB Paralympic 2016.

Hoàn thành sứ mệnh

Võ Thanh Tùng chính là cái tên được kỳ vọng sẽ giành được tấm huy chương bơi đầu tiên cho đoàn TTNKT Việt Nam tạo Paralympic Rio. Đến với Paralympic, Võ Thanh Tùng được kỳ vọng nhiều bởi anh đang là người nắm giữ kỷ lục châu Á ở nội dung sở trường 50m tự do (hạng thương tật S5) với thành tích 34,43 giây. Và tại lượt thi đấu chung kết, dù xuất phát không tốt và chỉ xếp thứ 5 trong khoảng 20m đầu. Nhưng sau đó, anh đã bứt lên và đoạt HCB với thời gian 33,94 giây. Thanh Tùng đã giành HCB và hoàn thành mục tiêu có huy chương của bơi lội người khuyết tật VN.

Thành tích của Tùng vừa đạt được cũng giúp kình ngư VN vượt qua chính kỷ lục châu Á 34,43 giây mà anh lập nên tại giải bơi người khuyết tật châu Âu mở rộng cách đây vài tháng. Thành tích của Tùng chỉ kém chút ít VĐV huyền thoại Daniel Dias của nước chủ nhà Brazil, người giành HCV với thành tích 32,78 giây. Xếp hạng ba nội dung này là Roy Perkins (Mỹ) với thành tích 34,42 giây.

Dù thành tích đã được dự báo nhưng thực sự đây vẫn là thành công vượt ngoài mong đợi của Võ Thanh Tùng, người đã giành HCV Giải bơi người khuyết tật châu Âu mở rộng 2016 tại Bồ Đào Nha hồi tháng 5.

Cái tên Võ Thanh Tùng được kỳ vọng nhiều tại Paralympic lần này bởi ai cũng còn nguyên những ký ức đầy ấn tượng về chiến tích của anh cách đây 2 năm. Tại Asian Para Games 2014, Võ Thanh Tùng giành năm tấm HCV ở các cự ly 50m tự do, 100m tự do, 200m tự do, 50m bướm, 50m ngửa, 200m hỗn hợp cá nhân. Tại giải VĐTG 2015, với thành tích 34 giây 88, Thanh Tùng đã giành tấm HCĐ nội dung 50m tự do hạng thương tật S5, vượt chuẩn A Paralympic tới hơn 4 giây, và ngang ngửa với HCB Paralympic.

Với những gì đã thể hiện, khát vọng về có huy chương tại Paralympic 2016 của anh đã trở thành hiện thực. Lúc này, với tâm lý thoải mái nhất cơ hội để Thanh Tùng tiếp tục thi đấu thành công và đem về thêm những chiếc huy chương ở những nội dung khác trong những ngày tới là hoàn toàn có cơ sở. Tại những nội dung sẽ thi đấu tới đây, ở các nội dung 50m ngửa (ngày 16-9) và 100m tự do (ngày 18-9) thành tích của Thanh Tùng cũng đã áp sát Top 3. Có nghĩa là, một hay thậm chí một vài tấm huy chương Paralympic ở các đường bơi tiếp theo hoàn toàn không xa tầm tay của anh.

Phần thưởng từ nỗ lực không ngừng

Sinh ra hoàn toàn lành lặn, nhưng dịch sốt bại liệt năm bốn tuổi đã cướp đi cơ hội làm người bình thường của Võ Thanh Tùng. Thời ấy chưa có thuốc phòng bại liệt, gia cảnh cũng khó khăn nên dẫn đến đôi chân bị khuyết tật, ốm teo dần, không còn đi bình thường được nữa. Kể từ đó, anh phải làm quen với tình cảnh của một người khuyết tật. Gia đình vốn ở trên thuyền theo nghề sông nước nên cha anh đã hướng dẫn anh tập bơi với mục đích đầu tiên chỉ là để có thể tự cứu mình nếu xảy ra lũ lụt hoặc khi té xuống sông.

Con đường đến với thành công với bơi lội của Thanh Tùng bắt đầu từ những con sông chảy quanh nhà. Đó là nơi nuôi dưỡng năng khiếu thể thao nhưng để duy trì niềm đam mê đã ăn vào huyết quản, Thanh Tùng phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều. Không chỉ vượt qua những mặc cảm đời thường của một người khuyết tật, nghị lực sống của Thanh Tùng còn được biểu hiện ở suy nghĩ tự vươn lên để sống tốt với cộng đồng.

Năm 18 tuổi, Tùng lên TP Cần Thơ học ngành Điện tử Viễn thông (hệ Đại học tại chức) với mong muốn sẽ giúp ích cho cha mẹ sau này. Để có tiền trang trải hằng ngày, Tùng phải đi làm thuê tại các quán cà phê hoặc ai thuê gì làm nấy. Sau thời gian cố gắng học tập, cuối cùng Tùng cũng nhận được bằng tốt nghiệp ra trường. Thế nhưng, với đôi chân tật nguyền, Tùng cầm hồ sơ đến cơ quan nào thì nơi ấy đều lắc đầu, không nhận. Không hề chán nản, Thanh Tùng đã quyết định đi học ngành sửa chữa điện thoại để kiếm tiền sống qua ngày.

Nghiệp VĐV đến với Tùng rất tình cờ và đó là cơ hội mở ra trang đời mới gắn anh với thành công của bơi lội là vào năm 2005. Năm đó, TP. Cần Thơ thông báo tuyển người vào đội tuyển thể thao nhưng vì không có tiền đóng học phí, mua dụng cụ tập luyện nên Tùng đã không đăng ký. Rất may, trong thời gian này, Tùng may mắn gặp được thầy Bùi Thanh Tâm - HLV thể thao của Trường Trung cấp TDTT TP Cần Thơ và được thầy nhận vào sau khi vượt qua vài vòng bơi thử thách. Tùng được mời tham gia thi đấu cho phong trào TTNKT TP Cần Thơ. Và chỉ sau 1 tháng tập luyện, Tùng đã giành được 2 HCV, 1 HCB tại giải thể thao khuyết tật toàn quốc năm 2005.

Giành được chiến thắng ngay sau thời gian ngắn chính là động lực để Tùng tiếp tục cố gắng tập luyện hơn nữa. Hầu như toàn thời gian của Tùng đều tập trung vào việc học tập các thao tác bơi lội cho hoàn thiện. Kể từ đó, những thành tích, những tấm huy chương và những kỷ lục đã liên tiếp được anh thiết lập.

Năm 2009, lần đầu thi đấu cho đội tuyển bơi lội Người khuyết tật Việt Nam, Tùng 2 lần phá kỷ lục Đông Nam Á. Từ đó tới nay, Tùng gần như không có đối thủ ở khu vực. Những tấm huy chương vàng cấp độ châu lục và đặc biệt là kỳ tích giành 5 HCV tại Asian Paragames 2014… là tiền đề để Thanh Tùng ghi dấu ấn tại Paralympic lần này.

Trong thể thao, để thành công thì ngoài đam mê, nỗ lực tập luyện hay may mắn thì cần phải có năng khiếu và Thanh Tùng đã sở hữu yếu tố quyết định đấy. Kỳ tích mang tên Võ Thanh Tùng thực sự gây chấn động trên đường đua xanh dành cho những người vượt lên số phận. Những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy đã được đền đáp xứng đáng bằng tấm huy chương tại một sân chơi đỉnh cao như Paralympic Rio.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Paralympic Rio 2016: Giấc mơ đã thành hiện thực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO