PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam: Cần giảm thiểu những tổn thương tâm lý cho trẻ

Việt Quỳnh (thực hiện) 13/09/2019 09:15

Chuyên gia tâm lý - giáo dục PGS-TS Trần Thành Nam với tư duy rõ ràng đưa ra những giải pháp tối ưu buộc người đọc cần hạn chế cảm xúc tiêu cực để tỉnh táo nhìn nhận vấn đề, phương pháp giải quyết trước nhất là tốt cho chính bản thân mình.

PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam: Cần giảm thiểu những tổn thương tâm lý cho trẻ

1. Ly hôn để lại nhiều hậu quả, nhưng trẻ em có lẽ là người chịu những hệ quả nặng nề nhất. Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều bị tác động xấu bởi ly hôn, mặc dù phản ứng ra bên ngoài của các em khác nhau.

Các bằng chứng nghiên cứu xã hội học cho thấy trẻ em trong các gia đình ly hôn, nhìn chung, gặp nhiều vấn đề cảm xúc và ít hạnh phúc hơn những đứa trẻ sống trong các gia đình nguyên vẹn. Trẻ trong các gia đình ly hôn cũng có kết quả học tập thấp hơn, nhiều vấn đề về hành vi chống đối và bạo lực hơn, khả năng điều chỉnh tâm lý kém hơn, mức độ tự nhận thức về bản thân tiêu cực hơn. Các em gặp nhiều khó khăn trong xã hội và có nhiều vấn đề trong quan hệ với cả cha và mẹ. Những nghiên cứu còn chỉ ra khi lớn lên trình độ học vấn cao nhất của nhóm trẻ sống trong các gia đình ly hôn thấp hơn, làm những công việc mang tính kỹ thuật, chân tay nhiều hơn, có một mức sống và thu nhập thấp hơn những trẻ sống trong những gia đình có đầy đủ cả cha và mẹ. Đặc biệt tỷ lệ hài lòng về cuộc hôn nhân của chính những đứa trẻ này về sau khi lập gia đình cũng thấp hơn, tỉ lệ ly hôn cao hơn nhiều so với nhóm trẻ sống trong gia đình nguyên vẹn.

2. Tuy nhiên, người ta cũng tìm ra bằng chứng cho thấy: việc cha mẹ duy trì các trách nhiệm làm cha mẹ, cùng chăm sóc và nuôi dưỡng, coi nhau như bạn cũ, thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động xã hội của trẻ, không tìm cách lôi kéo đứa trẻ về phe của mình để tấn công hoặc chỉ trích người còn lại sẽ giúp giảm thiểu những yếu tố gây tổn thương tâm lý cho trẻ nhiều nhất. Khi mối quan hệ giữa cha mẹ trở nên không thể hàn gắn thì cảm giác ức chế và lo lắng của cả cha và mẹ được phóng chiếu lên đứa trẻ làm chúng trở nên lo lắng hơn. Cha mẹ trong giai đoạn xung đột không thể thực hiện chức năng làm cha mẹ tốt, thường bỏ mặc hoặc sử dụng hình phạt khắc nghiệt hơn. Những điều này khiến trẻ cảm thấy mất giá trị, không được quan tâm. Trẻ chứng kiến xung đột giữa cha và mẹ cũng tập nhiễm niềm tin rằng sử dụng bạo lực là một cách thức phù hợp để giải quyết sự khác biệt hoặc khó chịu.

Nếu quyết tâm ly hôn, muốn bảo vệ và giúp con cân bằng tâm lý, hãy nhờ đến các chuyên gia tâm lý trị liệu gia đình. Nhà tâm lý có chuyên môn và biết rõ cần phải làm gì để giúp giảm lo lắng, thù địch và những hiệu ứng khác của xung đột có thể ảnh hưởng đến những đứa trẻ. Về cơ bản nhà tâm lý sẽ đưa ra những giải pháp giảm sự giận dữ, buộc tội, chỉ trích mà người này hướng đến người kia để cho hai người có thể đưa ra một vài quyết định cho mối quan hệ của cặp đôi, hướng cho cặp đôi đối diện với nỗi đau của riêng mình, giúp cặp đôi sáng tỏ những cảm giác bối rối, xác định các khả năng có thể xảy ra để tìm hướng giải quyết, đưa ra quyết định có lợi nhất cho con cái đặc biệt là khi cả hai đều dành tình cảm cho những đứa con. Nhà tâm lý có thể hướng dẫn cha mẹ cách thức chuẩn bị tâm lý cho con một cách phù hợp, giúp con chấp nhận thực tế là bố mẹ ly hôn nhưng việc chia tay không ảnh hưởng đến những quyền lợi hay sự quan tâm của cha mẹ đối với chúng và chúng vẫn duy trì mối quan hệ với cả bố và mẹ bình thường.

Với cặp đôi, nhà tâm lý cũng có thể thảo luận cởi mở về quyền nuôi con, nhắc nhở cặp đôi nguy cơ con cái trở thành nạn nhân trong cuộc chiến ly hôn. Cần khuyến khích sự hợp tác và quyền nuôi con chung, thống nhất với nhau cách thức giúp con hình thành nếp sống, thói quen cuộc sống mới.

3. Cách thức giảm thiểu tác động xấu của ly hôn đến trẻ đầu tiên là phải phát triển các chính sách xã hội để giảm tỉ lệ ly hôn nói chung. Ví dụ như Chính phủ nghiên cứu và áp dụng những chính sách hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sống chung và nuôi con; các chính sách hỗ trợ các cặp đôi chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân; hướng dẫn kỹ năng trở thành một gia đình; phát triển các dịch vụ hỗ trợ và tham vấn trị liệu hôn nhân gia đình…

Với những trường hợp ly hôn, cần nghiên cứu chính sách để tăng cường tác động của quyền nuôi con chung. Các chính sách bắt buộc cùng chung nuôi con (joint physical custody), trao quyền hợp pháp và trách nhiệm cho cả cha mẹ để đảm bảo cho trẻ có khoảng thời gian dành cho mỗi người. Yêu cầu người cha tăng cam kết kinh tế với trẻ cũng có thể là một cách dẫn tới việc tăng quyền thăm con và chăm con của các ông bố.

Cần nghiên cứu và cải cách hệ thống hỗ trợ trẻ em nói chung và trẻ em sau ly hôn nói riêng. Ví dụ như cần phát triển các dịch vụ can thiệp định hướng giúp trẻ giảm bớt những vấn đề hành vi cảm xúc mà chúng thường gặp sau ly hôn, bao gồm cả các phiên can thiệp trị liệu cá nhân và can thiệp trị liệu cho nhóm trẻ có cùng hoàn cảnh.

Ở Việt Nam, cũng cần phát triển những nghiên cứu cơ bản về thực trạng tỷ lệ trẻ sống trong các gia đình ly hôn và các vấn đề sức khỏe tâm thần để có những chương trình can thiệp quản lý rủi ro và nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam: Cần giảm thiểu những tổn thương tâm lý cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO