Phải coi thương hiệu là tài sản

Thúy Hằng 07/10/2019 08:00

Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ vững được thương hiệu càng khó hơn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguy cơ doanh nghiệp (DN) Việt Nam đánh mất thương hiệu càng lớn.

Nuối tiếc những thương hiệu đã mất

Thương hiệu là tài sản lớn, đại diện cho giá trị và văn hóa DN. Thương hiệu là vô hình, nhưng lại tạo ra những lợi ích bền vững cho DN.

Thế nhưng, thời gian qua tại Việt Nam, nhiều trường hợp thương hiệu DN bị mất đi để lại những nuối tiếc khó lường. Trong đó Trung Nguyên được xem là dẫn chứng điển hình của việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Còn nhớ, vào thời điểm năm 2000 Trung Nguyên từng bị Công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới). Hay năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN. Sau đó Vinataba đã phải chi đến cả tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài.

Chưa hết cũng tại Việt Nam, có rất nhiều thương hiệu đình đám một thời và mãi mãi không gặp lại, chẳng hạn như kem đánh răng Dạ Lan.

Là quốc gia sản xuất chè lớn thứ 7 và xếp ở vị trí thứ 9 thế giới về xuất khẩu chè nhưng Việt Nam lại chưa được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè lớn trên thế giới. Nguyên nhân do DN chè của Việt Nam chưa quan tâm tới xây dựng thương hiệu.

Theo thống kê, dưới 1% DN Việt thực sự coi thương hiệu là tài sản và có chiến lược xây dựng thương hiệu riêng. 99% còn lại mới chỉ dừng ở mức nhận biết cơ bản về nhận diện thương hiệu và có tới trên 50% trong số này thậm chí chưa thiết kế bộ nhận diện thương hiệu - cấp độ thấp nhất trong xây dựng thương hiệu.

Doanh nghiệp phải tự làm mới mình

Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc điều hành Mibrand Việt Nam, cho rằng nếu các DN không tự làm mới mình và tìm một hướng đi thật sự khác biệt thì sẽ bị tụt hậu.

Theo ông Mạnh, các DN gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu vì không có chiến lược đường dài, đồng thời thiếu công cụ triển khai về chiến lược xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, DN cũng gặp khó trong việc biến chiến lược thương hiệu thành chiến lược trải nghiệm thực sự cho người dùng.

Ông Samir Dixit giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương nhận định trong tương lai, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng, vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát triển. Nếu không cập nhật sẽ rất dễ đến tụt hậu và mất thương hiệu.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nếu không muốn bị lấn át bởi các thương hiệu lớn, DN chỉ còn cách phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. Vậy thương hiệu như thế nào sẽ hấp dẫn người tiêu dùng? Theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại), người tiêu dùng hiện đại không chỉ kỳ vọng vào giá trị sử dụng của sản phẩm, mà họ còn mong muốn có được các giá trị khác như: bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ... Sản phẩm đáp ứng được những đòi hỏi này dễ có thương hiệu hơn.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, phát triển gắn với xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi DN. Đặc biệt, điểm nhấn cần có cho thương hiệu và văn hóa DN Việt là tôn trọng “chữ tín”, “tính liên kết” và trách nhiệm cộng đồng; lòng tự hào, tự trọng và tự tôn dân tộc trong hoạt động kinh doanh như một chuẩn mực chung. DN nào xây dựng được văn hóa DN tốt thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người lao động và người tiêu dùng luôn là DN có thương hiệu, uy tín, hình ảnh thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải coi thương hiệu là tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO