Phân biệt cơn đau đầu thường và đau đầu cảnh báo đột quỵ

Ánh Tuyết 06/06/2021 08:20

BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch - Đột quỵ Cần Thơ lưu ý, bệnh nhân và người nhà cần trang bị kiến thức phân biệt các cơn đau đầu thông thường, đau đầu cảnh bảo đột quỵ.

Ảnh minh họa.

BS Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca đột quỵ, xuất huyết não. Bệnh nhân không giới hạn độ tuổi, giới tính, tuy nhiên có ghi nhận tình trạng trẻ hóa.

Điểm mấu chốt để có thể can thiệp cứu sống bệnh nhân chính là yếu tố tầm soát phát hiện sớm và cấp cứu bệnh nhân trong “giờ vàng” (khoảng 6 tiếng tính từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đột quỵ). Theo BS Phong, kết hợp được 2 điều kiện này dù bệnh nhân cao tuổi vẫn có cơ hội được cứu sống.

Đơn cử, bệnh nhân L.V.S. (nam, 84 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên phải, lơ mơ. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc nhập viện là 5h30. Kết quả chụp CTscan não cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền từ vị trí hợp lưu đến đỉnh thân nền.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp, trong 10 phút đã tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc, hút ra được nhiều huyết khối. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục gần như hoàn toàn.

BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch - Đột quỵ Cần Thơ lưu ý, bệnh nhân và người nhà cần trang bị kiến thức phân biệt các cơn đau đầu thông thường, đau đầu cảnh bảo đột quỵ. Cụ thể, đau đầu do các nguyên nhân như mất ngủ, căng thẳng, uống rượu bia quá nhiều… chỉ cần nghỉ ngơi sẽ dứt cơn đau.

Đau đầu bệnh lý tiềm ẩn đó là đau đầu do rối loạn chức năng của cơ thể như đau đầu migraine, đau đầu do nhiễm trùng (viêm màng não, sốt cao), đau đầu do tăng huyết áp khiến bệnh nhân choáng váng, nôn ói.

Đau đầu migraine là chứng đau đầu nguyên phát, xuất hiện thành đợt. Triệu chứng thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể trầm trọng hơn. Đau thường ở một bên, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hôi.

Đau đầu nguy hiểm đó là những cơn đau kéo dài khoảng 10-15 phút hoặc vài giờ khiến người bệnh mất tập trung trong công việc và thường hay cáu gắt, bực bội. Tình trạng đau đầu diễn ra thường xuyên, nhất là khi đi tàu xe đường dài, suy nghĩ nhiều hoặc khi mới ngủ dậy... Bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh có thể là đau đầu do thiếu máu não (hẹp mạch máu não).

Đau đầu do dị dạng mạch máu não thường là cơn đau đầu nặng, bệnh nhân kèm theo hiện tượng sụt mi, choáng váng, có dấu hiệu của bệnh động kinh, co giật toàn thân, đi tiểu không tự chủ nhất là ở trẻ em, người trẻ. Dấu hiệu đau đầu cảnh báo u não đó là người đau đầu thường đi kèm chóng mặt...

BS Phong cho biết thêm, ngoài các dấu hiệu đau đầu, bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ thường có triệu chứng gợi ý đột quỵ như: đột ngột xuất hiện méo miệng, liệt hoặc yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được. Khi thấy các triệu chứng trên, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để cấp cứu. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định phần lớn khả năng phục hồi của bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân biệt cơn đau đầu thường và đau đầu cảnh báo đột quỵ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO