Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD

Minh Phương (ghi) 03/01/2020 06:53

Năm 2019, ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực để có thể đạt được con số xuất khẩu ở mức 41 tỷ USD. Năm 2020, dù còn nhiều khó khăn, song theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD năm 2020 là trong tầm tay.

Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

PV:Ông có thể chia sẻ những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2019 vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhìn lại năm 2019, có thể thấy, ngành nông nghiệp không chỉ khó khăn do những tác động của biến đổi khí hậu cực đoan. Tháng 6 nóng lịch sử, ở Nghệ An có những nơi 42 độ C, thời tiết chưa nóng như vậy bao giờ… mà ngành nông nghiệp còn trải qua cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi, rồi nạn sâu keo mùa thu... Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của của hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ DN, HTX đến bà con nông dân, bức tranh nông nghiệp năm 2019 vẫn có được kết quả khả quan.

Cụ thể, trong hoàn cảnh bị tác động của dịch tả lợn châu Phi, chúng ta vẫn đạt tăng trưởng trên mốc 2%, đây là cố găng lớn. Thứ hai, xuất khẩu nông sản vẫn đạt mức 41,3 tỷ USD, kết quả này cao nhất từ trước tới nay. Trong bối cảnh bức tranh toàn cầu rất khó khăn về hoạt động thương mại nông sản, chúng ta đạt được như thế là rất đáng ghi nhận. Thứ ba, về nông thôn mới, chúng ta đã hoàn thành được với 54% số xã (khoảng 4.800 xã).

Nói về câu chuyện DN đầu tư vào nông nghiệp có thể thấy, con số đã tăng lên rất nhanh với sự tham gia của rất nhiều tập đoàn lớn. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là sức hút của ngành nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?

- Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều DN kết nối cùng với bà con nông dân để phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. DN đã trở thành lực lượng “hạt nhân” trong chuỗi sản xuất, cũng như làm nòng cốt trong tái cơ cấu nông nghiệp. Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có trên 750 ngàn DN, trong đó có một bộ phận DN nông nghiệp đã đủ điều kiện, kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính. Quan trọng hơn là, qua 30 năm đổi mới, các DN đã đủ khát vọng để tổ chức thực hiện tốt, giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế chứa nhiều khó khăn, rủi ro hơn cả. Việc các DN tham gia mạnh mẽ cho thấy khu vực nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng lợi thế.

Mặc dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỷ USD, nông sản đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định dư địa còn rất lớn. Tại sao dư địa lớn vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm vào khoảng hơn 2 nghìn tỷ, trong đó giá trị có được từ khâu chế biến thương mại còn rất nhiều. Việt Nam cũng vậy, hơn 40 tỷ USD xuất khẩu chủ yếu là thô. Do đó, nếu như làm tốt khâu chế biến, làm tốt sản xuất chuỗi, thì giá trị từ khu vực này còn rất lớn. Tôi lấy ví dụ, cà phê hiện nay một năm xuất khẩu tới 3,5 tỷ USD nhưng bản thân chế biến chỉ có 11%, vậy 89% còn lại đó là “dư địa”. Nếu làm tốt, tập trung chế biến, tổ chức thương mại thật tốt đúng theo thiết chế hạ tầng của bối cảnh hiện nay chắc chắn các DN sẽ tìm ra “dư địa” ở đó.

Tiếp nữa là các chủ trương, chính sách hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các DN vào cuộc. 63 tỉnh, thành tỉnh trên cả nước liên tục mời gọi các nhà đầu tư trong 3 năm qua. Trong xúc tiến đầu tư đều có dành một phần quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả TP Hồ Chí Minh hiện nay GDP nông nghiệp chỉ chiếm 0,6% nhưng luôn mong muốn với khát vọng và cầu thị có thể mời các DN vào tập trung phát triển vùng.

Năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Cái khó mà chúng ta phải đối mặt ngay đầu tiên, đó là toàn bộ miền Trung đang thiếu nước, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được dự báo hạn mặn gay gắt. Một yếu tố nữa, đó là dịch tả lợn châu Phi. Tuy rằng dịch đã xuống đáy nhưng chưa phải an toàn. Chúng ta vẫn phải đối mặt, rồi nạn sâu keo mùa thu đã xuất hiện ở14 tỉnh… Đó là những khó khăn hiện hữu trong năm 2020 đối với ngành nông nghiệp. Thêm vào đó, thị trường nông sản tiếp tục đối diện nhiều rào cản do tác động của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Trong đó biểu hiện lớn nhất là, các quốc gia đang muốn trở lại phát triển nông sản tại chỗ, đây là một áp lực lớn cho xuất khẩu của chúng ta.

Vậy chúng ta có thể tự tin vào với mục tiêu xuất khẩu của năm 2020 với khoảng 41,5-42 tỷ USD không, thưa ông?

- Mặc dù xác định trước năm 2020 nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất tiếp tục là về thị trường nhưng ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu ít nhất là 42 tỷ USD.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO