Phần lớn doanh nghiệp vẫn 'dửng dưng' với các FTA

Minh Phương 13/06/2019 08:00

Việt Nam đã và đang tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA giúp mở cửa thị trường, song số doanh nghiệp (DN) nắm bắt cơ hội và tận dụng những lợi thế từ các FTA này không nhiều - chỉ khoảng hơn 30% DN. Điều này cũng đồng nghĩa, đến gần 70% DN đang khá dửng dưng với việc hội nhập.

Phần lớn doanh nghiệp vẫn 'dửng dưng' với các FTA

Mặc dù các FTA mang lại lợi thế lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết tận dụng.

Hàng loạt lợi thế đến từ các FTA

Nói về những cơ hội mà Việt Nam có được khi tham gia các FTA, giới chuyên gia kinh tế nhận định, chúng ta có hàng loạt các cơ hội lớn cho tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế. Ngành đặc biệt được hưởng lợi từ các FTA phải kể đến ngành dệt may. Cụ thể, nếu như khi tham gia WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc thành phẩm trung bình là 25% thì khi các FTA ký kết, mức thuế quan giảm chỉ còn trung bình 0-5%. Đây là một con số “đẹp” dành cho các DN tham gia vào lĩnh vực dệt may.

Đối với các ngành khác như nông lâm thủy sản, lợi thế cũng rất lớn. Đặc biệt, ngành này có những cơ hội rõ rệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, FTA thế hệ mới này sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nào đó. Với CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế.

Đơn cử, tại thị trường Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan; xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xóa bỏ thuế quan được 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ; Chi-lê xóa bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực…

Với CPTPP, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là FTA sâu rộng nhất mà Việt Nam đã kí kết và thực hiện. “Ngoài những cam kết truyền thống như các FTA trong ASEAN như hàng hóa, đầu tư, sở hữu trí tuệ… CPTPP còn có những cam kết mới như mua sắm chính phủ; chính sách cạnh tranh, viễn thông, thương mại và môi trường, lao động… - những vấn đề được coi là phi truyền thống” – bà Nga thông tin.

Nếu xét về mức độ hội nhập trong các nước ASEAN, đến nay Việt Nam chiếm vị trí nổi bật. Đến năm 2018, Việt Nam và ASEAN đã xóa bỏ tới 98% dòng thuế.

Có thể thấy, các DN mọi thành phần kinh tế đều có những lợi thế rất lớn khi Việt Nam bước chân vào sân chơi hội nhập. Nhìn vào cấu trúc cũng như cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, rõ ràng, việc cắt giảm nhiều dòng thuế và mở cửa thị trường đầu tư và thương mại là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn của thế giới, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Giới chuyên gia đánh giá: Các cam kết về mở cửa thị trường cùng những quy tắc trong bảo hộ đầu tư, mua sắm công, minh bạch hóa các cơ chế chính sách… đã giúp cho Việt Nam nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện thể chế cũng như môi trường đầu tư kinh doanh khởi sắc hơn.

Chỉ hơn 30% DN biết tận dụng cơ hội

Tuy nhiên làm thế nào để tận dụng được những cơ hội này lại là câu chuyện không đơn giản. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nêu thực trạng, qua việc đánh giá việc khai thác lợi ích từ các FTA trong thời gian vừa qua cho thấy, DN Việt Nam thực sự chưa khai thác tốt, dù cơ hội từ các FTA đưa lại rất lớn về mở cửa thị trường nhưng số lượng DN khai thác có hiệu quả chỉ mới chiếm từ 30 – 40%.

Điều này cũng đồng nghĩa, gần 70% số DN Việt Nam hiện nay chưa tận dụng được những lợi ích, cơ hội từ các FTA. Lý giải thực tế này, bà Nga cho rằng: Có nhiều lý do khác nhau cả khách quan và chủ quan, có thể do còn nhiều DN chưa biết về các FTA này do khả năng tiếp thu còn hạn chế bởi phần lớn DN của Việt Nam là các DN vừa và nhỏ, việc tiếp cận thông tin không được tốt. Chính bởi vậy, vị này nêu quan điểm: Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến về các FTA cần được đẩy mạnh hơn nữa đến cộng đồng DN.

Bà Nga cũng khuyến cáo, các DN sản xuất kinh doanh rất cần tìm hiểu thị trường đối tác trong FTA để sản xuất sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào và giá cả bao nhiêu, áp dụng quy tắc xuất xứ ra làm sao… bởi vỉ dù thuế suất có thể giảm về 0% nhưng không phải DN Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm gì cũng có thể bán được ở thị trường các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam…

Giới chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh vào những quy tắc xuất xứ của đối tác trong các FTA mà Việt Nam tham gia. Theo đó, DN cần nắm rõ thông tin về quy tắc xuất xứ được quy định trong các FTA chúng ta ký kết, bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ với phía Chính phủ để tháo gỡ các hàng rào kiểm dịch khi sản phẩm xuất khẩu bị vướng mắc, bởi hội nhập tạo cơ hội song kèm với đó cũng có không ít thách thức mà DN phải vượt qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phần lớn doanh nghiệp vẫn 'dửng dưng' với các FTA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO