Phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 lĩnh vực đường thủy nội địa

Theo VGP 17/01/2018 11:07

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ 64 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thuỷ, đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ này mới đạt khoảng 26%.

Phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 lĩnh vực đường thủy nội địa

Thứ trưởng Nguyễn Nhật, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam nhấn nút công bố dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 lĩnh vực đường thủy nội địa. Ảnh: VGP.

100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Sau 3 năm thực hiện (2015-2017), Cục Đường thuỷ nội địa đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ 64 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thuỷ (đạt 100%). Trong đó, 27/37 thủ tục hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, số còn lại thực hiện cung cấp dịch vụ mức độ 3.

Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong năm 2017, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết là 335.234 hồ sơ. Số lượng hồ sơ được đăng ký giải quyết qua mạng và tin nhắn là 87.132 hồ sơ, chiếm 26,01%.

Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa cho biết, việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến cũng như các phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy tình xử lý, giảm thời gian và chi phí đi lại, khuyến khích việc công khai, minh bạch, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đã được người dân ủng hộ, hoan nghênh.

Song song với đó công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được Cục quan tâm thực hiện hiệu quả. Ngoài việc triển khai 27 dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4, Cục Đường thuỷ nội địa còn thường xuyên cập nhật dữ liệu chứng chỉ chuyên môn, thuyền viên..., xây dựng thêm các báo cáo tổng hợp hiện trạng cập nhật dữ liệu các phần mềm đã triển khai tại Cục, phân tích và thực hiện thông báo đến các đơn vị chậm trễ cập nhật dữ liệu. Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân (Viwa Alert) để nâng cao hiệu qua công tác giám sát tiếp nhận xử lý kiến nghị của người dân trong hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa.

Tuy nhiên, ông Duy cũng nhìn nhận thực tế hiện tỷ lệ dịch vụ được thực hiện trực tuyến chưa cao (26%) do người dân và doanh nghiệp chưa có thói quen áp dụng công nghệ thông tin.

"Bản thân cơ quan Cục Đường thuỷ nội địa cũng chưa chủ động tuyên truyền, hướng dẫn tích cực để người dân thực hiện. Một số cán bộ, công chức chưa kịp thời chuyển đổi tư duy về việc ứng dụng công nghệ mới, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp", ông Phan Văn Duy cho hay.

Phải duy trì hệ thống hoạt động tốt khi người dân cần

Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong năm 2017 của Cục Đường thuỷ nội địa và cho rằng: Đường thủy nội địa là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ và Bộ hết sức quan tâm và mong muốn có sự phát triển bứt phá trong năm 2018. Do đó, lãnh đạo Cục cần có tìm kiếm giải pháp cũng như có hành động cụ thể để lĩnh vực này có sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm nay.

"Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý cũng như việc xây dựng và triển khai 27 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đã làm tốt. Song, cần duy trì để hệ thống luôn hoạt động tốt, không để tình trạng hệ thống hoạt động nhanh và tốt khi khai trương còn khi người dân cần thì hệ thống lại không hoạt động", Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Cục Đường thuỷ nội địa cũng cần làm tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu để có thể đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa theo hình thức PPP.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa cũng cho biết, sang năm 2018, Cục sẽ phấn đấu tăng mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến lên 30% trong tất cả các hoạt động quản lý chuyên ngành.

Năm 2017, Cục Đường thuỷ nội địa đã tham mưu và trình Bộ GTVT ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật. Cục cũng đã triển khai, thay thế 3875 đèn năng lượng mặt trời có gắn thiết bị giám sát từ xa tình trạng báo hiệu trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia, lắp đặt 50 vị trí trạm đọc mực nước tự động, thí điểm lắp đặt camera đếm phương tiện tự động tại 5 vị trí 55 trạm thu tín hiệu tự động nhận dạng AIS trên các tuyến...

Bên cạnh, đó công tác quản lý vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt đã góp phần nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách so với năm 2016, với 172.9 triệu hành khách, tăng 3.8%; về luân chuyển đạt 3.2 tỷ HK.km,tăng 8.4%; vận chuyển hàng hóa đạt 249.6 triệu tấn, tăng 7.5%; vận tải sông biển tăng 157% tương ứng tăng 8.962 lượt.

Năm 2018, phát huy các kết quả đã đạt được, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể lĩnh vực đường thuỷ nội địa, bên cạnh tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật đề án thuộc chương trình công tác, Cục sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu vận tải thủy nội địa theo quy định, phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt nam, Cục Đường sắt, Tổng cục Đường bộ đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối với với các phương thức vận tải khác. Đề xuất các cơ chế chính sách để tăng thị phần đường thuỷ nội địa, vận tải sông pha biển, vận tải container... Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT, đôn đốc các chi cục, cảng vụ đẩy nhanh tiến độ rà soát cập nhật thông tin về cảng, bến thủy nội địa lên cơ sở dữ liệu của Cục làm cơ sở để theo dõi quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa. Ngoài ra, Cục cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT cân đối bố trí nguồn vốn để tập trung giải quyết những nút thắt về hạ tầng trên các tuyến vận tải huyết mạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 lĩnh vực đường thủy nội địa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO