Bạc Liêu: Chính quyền làm khó doanh nghiệp?

Quốc Trung 25/06/2019 08:00

Di dời không được 2 hộ dân xây dựng trái phép nhiều năm trên đất, Công ty cổ phần Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông 719 (gọi tắt là Công ty 719) có nguy cơ bị UBND tỉnh Bạc Liêu không tiếp tục cho thuê đất…

Bạc Liêu: Chính quyền làm khó doanh nghiệp?

Hai hộ ông Thường và bà Lựu xây nhà trên đất của Công ty 719.

Từ việc xây nhà trái phép

Theo ông Huỳnh Hớn Dũng- Giám đốc Công ty 719 (phường 8, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), trước đây Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719 (nay là Công ty cổ phần Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông 719) được UBND tỉnh Bạc Liêu giao quyền sử dụng đất lâu dài (không thu tiền sử dụng đất) với diện tích trên 17.900m2.

Khoảng năm 2000, ông Phạm Văn Thường và bà Bùi Thị Lựu cùng với 4 cán bộ, nhân viên khác được Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719 tạo điều kiện bố trí khu vực để xây dựng nhà tập thể cho 6 công nhân viên này ở. Do công ty không có kinh phí để xây dựng nhà ở tập thể nên để cho 6 cán bộ công nhân viên này tự túc kinh phí xây nhà theo quyết định phê duyệt của Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu. Sau đó có 4 cán bộ hoặc chuyển công tác, hoặc không có nhu cầu ở nên chỉ có 2 cán bộ là ông Phạm Văn Thường và bà Bùi Thị Lựu tự bỏ tiền ra để xây dựng nhà ở kiên cố trong khuôn viên của công ty.

Ngay sau đó, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719 không xây dựng nhà ở tập thể như thiết kế ban đầu mà để cho 2 hộ dân tự xây dựng nhà độc lập. Sở yêu cầu ngừng thi công 2 hộ này. Đến tháng 6/2001 Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có văn bản số 24/CV.SXD đình chỉ thi công xây dựng dãy nhà ở tập thể trong đó có 2 hộ dân đang xây dựng (là hộ ông Phạm Văn Thường và bà Bùi Thị Lựu). Ngày 4/7/2001 UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn số 866/UB về việc chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm quản lý sử dụng đất đai. Công văn có nêu: Đề nghị giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 719 thu hồi và huỷ ngay toàn bộ các quyết định giao đất không đúng thẩm quyền mà Công ty đã giao cho cán bộ công nhân viên công ty trước đó. UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu Sở Xây dựng phải thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho công ty xây dựng nhà ở tập thể, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính việc xây dựng nhà không đúng thiết kế được duyệt.

Ngày 5/7/2001 Sở Xây dựng tiếp tục có công văn số 28/CV-SXD thu hồi giấy phép xây dựng nhà tập thể đã cấp cho Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719. Sau đó, Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719 cũng đã có văn bản số 145/TCHC ngày 6/7/2001 thu hồi và huỷ các quyết định giao đất cho 6 cán bộ công nhân viên của công ty. Công ty cũng đã họp và ra văn bản yêu cầu 2 hộ gia đình ông Thường và bà Lựu phải ngưng thi công 2 căn nhà trên đất của công ty, nhưng 2 hộ này vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thiện. Cũng trong ngày 19/7/2001 Thanh tra Sở xây dựng đã có 2 quyết định xử phạt số 28/QĐXP-TTr, xử phạt vi phạm hành chính ông Phạm Văn Thường số tiền 1,7 triệu đồng và số 29/QĐXP-TTr, xử phạt hộ bà Bùi Thị Lựu, 1,4 triệu đồng cùng với hành vi xây dựng công trình nhà ở không giấy phép xây dựng trên phần đất chưa có quyền sử dụng hợp pháp….

Doanh nghiệp không có chức năng cưỡng chế

Thực hiện công tác cổ phần hoá, tháng 11/2013 Công ty 719 có công văn trình UBND tỉnh Bạc Liêu về việc xem xét phương án sử dụng đất cho Công ty 719 để chuyển đổi cổ phần hoá. Khoảng tháng 12/2013 UBND tỉnh cũng có công văn về việc xử lý phương án sử dụng đất của Công ty 719 để chuyển đổi cổ phần hoá. Theo đó, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Công ty 719 phải di dời 2 hộ dân ông Thường và bà Lựu ra khỏi khu vực công ty mới tiếp tục cho thuê đất.

Ông Huỳnh Hớn Dũng chia sẻ: Công ty 719 đã nhiều lần thoả thuận hỗ trợ để 2 hộ dân này di dời đi nơi khác nhưng không nhận được sự hợp tác của họ. 2 hộ dân này mong muốn được hợp thức hoá đất và nhà ở, ngoài ra 2 hộ này còn đòi tiền hỗ trợ quá cao. Đáng lẽ việc yêu cầu di dời 2 hộ dân này chính quyền địa phương phải chung tay với công ty đằng này lại giao toàn bộ việc di dời cho công ty, trong khi công ty lại không có chức năng cưỡng chế.

“Để tiếp tục được thuê đất và ổn định phát triển công ty, chúng tôi cũng đã trình lên UBND tỉnh Bạc Liêu 2 phương án: Phương án 1 là tách 2 hộ dân này ra khỏi diện tích đất của công ty để chúng tôi tiếp tục được thuê đất hoạt động; phương án 2 là vẫn để 2 hộ dân này nằm trong khuôn viên đất của công ty và công ty tiếp tục thuê đất (cả phần đất của 2 hộ dân – PV) phía công ty sẽ có cách tính toán riêng đối với 2 hộ dân này. Tuy nhiên UBND tỉnh Bạc Liêu không thống nhất với phương án nào mà tiếp tục yêu cầu chúng tôi phải di dời được 2 hộ dân này mới tiếp tục cho thuê đất và phải hoàn thành việc di dời vào cuối tháng 6/2019. Làm như vậy khác nào chính quyền đang làm khó doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có phương án gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục được thuê đất để sản xuất kinh doanh”- ông Dũng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạc Liêu: Chính quyền làm khó doanh nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO