Bắc Ninh: Nghi vấn tại dự án xây dựng Trường THCS xã Ninh Xá

Đức Sơn 28/06/2019 08:00

Với mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh trên địa bàn, UBND xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã quyết định đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Trường THCS xã Ninh Xá. Tuy nhiên, ngay khi mới triển khai, dự án này đã xảy ra nghi vấn bất minh, bất thường khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Bắc Ninh: Nghi vấn tại dự án xây dựng Trường THCS xã Ninh Xá

Dự án xây mới lớp học 3 tầng 12 phòng học và phụ trợ trường THCS Ninh Xá.

2/3 nhà thầu “tự trượt” với lý do giống nhau

Theo thông báo mời thầu của UBND xã Ninh Xá, gói thầu số 01, hạng mục xây lắp lớp học 3 tầng 12 phòng học và phụ trợ được mời chào với giá 11 tỷ 237 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xã và các nguồn vốn khác. Theo yêu cầu của bên mời thầu thì doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng của nhà thầu tối thiểu là 16,8 tỷ đồng, trong vòng 3 năm trở lại đây…

Tuy là gói thầu đấu thầu rộng rãi trong cả nước, nhưng sau khi UBND xã Ninh Xá mời thầu, chỉ có 3 nhà thầu trên địa bàn huyện Thuận Thành và huyện Gia Bình đến mua hồ sơ và nộp hồ sơ dự thầu là: Công ty TNHH xây dựng Hòa Bình, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Loan Phương và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành An.

Sau quá trình chấm thầu, ngày 6/5/2019, ông Trương Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Ninh Xá, đã ban hành văn bản Thông báo nhà thầu được lựa chọn trúng thầu là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Loan Phương với giá trúng thầu là 10 tỷ 949 triệu đồng. Chỉ 3 ngày sau, đến ngày 9/5/2019, UBND xã Ninh Xá ký hợp đồng thi công dự án nêu trên với công ty Loan Phương.

Theo UBND xã Ninh Xá, nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng Hòa Bình và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành An bị trượt thầu với cùng lý do giống hệt nhau: “Bảo lãnh dự thầu bằng sec không có chữ ký xác nhận bảo chi của ngân hàng và không có thời gian hiệu lực.”

Cần làm rõ dấu hiệu bất thường

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Ninh Xá khẳng định, quá trình tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu được xã thực hiện đúng quy trình, thủ tục và đúng quy định của pháp luật. Công ty TNHH xây dựng và thương mại Loan Phương có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để trúng thầu. Tuy nhiên, qua tiếp cận các hồ sơ, tài liệu liên quan, phóng viên nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu đối với dự án trên.

Cụ thể, theo hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Loan Phương (do ông Cao Đình Ánh làm Giám đốc, địa chỉ phố Mới, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thể hiện doanh nghiệp này có số vốn điều lệ chỉ vẻn vẹn 4,8 tỷ đồng. Doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng trong các năm 2016, 2017, 2018 của doanh nghiệp này là 16 tỷ 991 triệu đồng (vừa đủ đáp ứng so với yêu cầu bên mời thầu). Lợi nhuận sau thuế của công ty Loan Phương các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt chỉ có 7,8 triệu, 16,1 triệu và 30,3 triệu đồng.

Trong khi đó, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành An có vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Tổng doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng cũng ngang ngửa so với công ty Loan Phương. Thậm chí, lợi nhuận sau thuế 3 năm gần đây còn cao hơn công ty Loan Phương nhưng vẫn bị trượt vì lý do hết sức sơ đẳng. Đặc biệt, Công ty TNHH Xây dựng Hòa Bình có vốn điều lệ 20 tỷ. Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng của công ty này là 31 tỷ 234 triệu đồng, cao gấp đôi so với công ty Loan Phương. Tổng tài sản các năm 2016, 2017, 2018 gấp nhiều lần so với công ty Loan Phương.

Từ đó cho thấy, việc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành An và Công ty TNHH xây dựng Hòa Bình có năng lực và kinh nghiệm ngang ngửa, thậm chí cao hơn hẳn so với Công ty TNHH xây dựng và thương mại Loan Phương mà lại cùng mắc lỗi sơ đẳng nhất trong đấu thầu là “bảo lãnh dự thầu bằng sec không có chữ ký xác nhận bảo chi của ngân hàng và không có thời gian hiệu lực” là điều nghi vấn và bất thường. Việc này chẳng khác gì tự “đánh trượt” để nhường cho đơn vị khác trúng thầu.

Theo các chuyên gia về đấu thầu nhận định, chẳng có nhà thầu nào “đi thi lại tự làm cho mình trượt” mà không kèm theo một động cơ hay lợi ích kinh tế nào đó. Điều này đang phản ánh một tình trạng đáng lo ngại là nhà thầu tham dự thầu và trượt thầu là có chủ đích, những nhà thầu này chỉ là “quân xanh”, “chân gỗ” cho đơn vị khác trong nhóm lợi ích trúng thầu.

Còn luật sư Diệp Năng Bình- Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cũng cho rằng, việc nhà thầu tự trượt thầu có chủ đích với những lý do sơ đẳng nhất trong đấu thầu đang đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ tham gia đấu thầu của nhà thầu. Rất có thể đó là những hành vi “tiếp tay” cho tình trạng đấu thầu thiếu cạnh tranh, minh bạch và lợi ích nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Ninh: Nghi vấn tại dự án xây dựng Trường THCS xã Ninh Xá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO