Bài 3: Đưa chính sách vào cuộc sống

Lê Minh Long – Ánh Ngọc 24/05/2016 09:13

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 được xem là sự kiện đánh dấu bước phát triển về việc đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Chính vì vậy, để Luật BHXH nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động việc triển khai đồng bộ các chế tài được xem là công cụ hữu hiệu trước vấn nạn nợ đọng BHXH. 

Luật BHXH nhanh chóng đi vào cuộc sống,
đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Nhiều băn khoăn

Còn nhớ vào năm 2015, Đoàn giám sát liên ngành gồm: UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam đã tiến hành giám sát 16 DN tại sáu tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp và An Giang.

Tuy kết quả giám sát còn trong phạm vi hẹp nhưng kết quả giám sát đã “dựng” lên một bức tranh toàn cảnh, rõ nét về vấn đề nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp hiện nay. Trong đó cụm từ nợ đọng dường như tồn tại, ẩn hiện trong phần lớn các doanh nghiệp. Điều đáng nói là mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhằm giải quyết vấn đề này cũng như có cơ sở pháp lý xử lý các hành vi vi phạm, thế nhưng các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật BHXH vẫn không giảm.

Có thể thấy, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH theo Nghị định 95/2013 thời gian vừa qua còn chưa nhiều và chưa đủ sức răn đe; công tác hậu kiểm và khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa còn nhiều vướng mắc, như: DN sau khi thanh tra, kiểm tra, xử phạt không liên lạc với cơ quan BHXH hoặc không còn khả năng thanh toán nợ... Chính vì vậy, việc xử lý hình sự, trao quyền cho cơ quan BHXH thanh tra và xử lý và công đoàn được quyền khởi kiện được xem là liều thuốc mạnh cho vấn nạn nợ đọng BHXH.

Tuy nhiên, thời điểm để các quy định trên có hiệu lực không còn nhiều, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều băn khoăn về tính khả thi của chính sách. Đơn cử như theo quy định, công đoàn có quyền khởi kiện theo các chuyên gia, hiện nay cán bộ công đoàn cơ sở bị nhiều áp lực, vướng mắc về quản lý, kinh tế, việc làm. Cuộc sống của họ gắn liền với doanh nghiệp, vì vậy cán bộ công đoàn cơ sở rất khó để phát huy vai trò của mình.

Hơn nữa, khi những nội dung có liên quan đến tố tụng lao động (khoảng 100 điều khoản) nằm rải rác trong các chương của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm bắt và hiểu được những quy định này với cán bộ công đoàn không hề đơn giản. Cùng với đó tuy việc trao quyền thanh tra cho ngành BHXH được ví như trao cho ngành này chiếc gậy để từ đó tăng thêm quyền năng xử lý triệt để đối với những hành vi vi phạm chính sách liên quan đến BHXH. Song với số doanh nghiệp khá lớn như hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng thanh tra có đủ sức để xử lý?

Không nhân nhượng với những DN cố tình quỵt

Trước những ý kiến băn khoăn trên, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thừa nhận, Bộ luật Tố tụng dân sự có nhiều điều, nhiều chương để NLĐ và cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở tìm ra những điều liên quan đến mình là hết sức khó khăn.

Chính vì vậy, để tạo thuận lợi cho các cấp công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng những vụ án lao động, trên cơ sở Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tổng LĐLĐ đã xây dựng dự thảo quy trình công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Quy trình này sắp xếp theo logic một vụ án lao động theo tuần tự từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

Cùng với đó Tổng LĐLĐVN cũng đã cung cấp các mẫu hồ sơ công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, như: Giấy ủy quyền tham gia tố tụng; Đơn khởi kiện; Đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng tiền lệ án; Giấy giới thiệu; Đơn khiếu nại… để các cấp công đoàn áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.

Liên quan đến lo ngại về việc lực lượng thanh tra có đảm bảo nguồn lực cũng như chất lượng hay không, Phó Tổng Giám đốc BHXH Đỗ Văn Sinh cho biết, để triển khai hiệu quả Nghị định 21/2016/NĐ-CP về thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN và BHYT, hiện BHXH Việt Nam đang gấp rút xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Vụ Thanh tra- Kiểm tra; quy chế, quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành trong hệ thống.

Đồng thời, đã phối hợp Thanh tra Chính phủ mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho hơn 500 cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra và công tác thu. Đến tháng 6-2016, sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho hơn 300 cán bộ; mở một lớp nghiệp vụ để cấp chứng chỉ thanh tra viên cho gần 100 cán bộ công chức là lãnh đạo ngành, lãnh đạo Vụ Thanh tra - Kiểm tra, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố để thực hiện chức năng xử lý vi phạm theo quy định của Luật Thanh tra.

Dự kiến, năm 2016 đến 2018, sẽ tiếp tục đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho khoảng 3.000 cán bộ ngành BHXH làm công tác thu, kiểm tra….

“Cán bộ thanh tra của ngành BHXH sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi) và quy định khác của pháp luật có liên quan, tránh việc gây khó khăn, phiền hà cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp” – ông Sinh khẳng định.

Được biết tại buổi làm việc mới đây với cơ quan BHXH Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huân cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ hỗ trợ BHXH Việt Nam trong đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác này đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật.

Năm 2015, BHXH Việt Nam thực hiện kiểm tra BHXH tại 14 tỉnh, kiểm tra đột xuất công tác giám định, thanh quyết toán chi phí BHYT tại 3 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra đã phát hiện 1.117 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 10.808 lao động đóng thiếu mức đóng, thời gian đóng; thu hồi về quỹ BHXH hơn 1,6 tỷ đồng, quỹ BHYT hơn 21 tỷ đồng chi không đúng quy định và hơn 11 tỷ đồng trả chế độ BHXH cho người đã nghỉ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Đưa chính sách vào cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO