Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Những giải pháp đồng bộ

Lê Minh Long 05/05/2018 07:12

Theo số liệu thống kê, từ năm 2014-2017, Việt Nam luôn duy trì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở con số trên 100.000 lao động/năm. Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, dù XKLĐ đã đem lại nhiều cơ hội thoát nghèo cho hàng chục nghìn người, song công tác quản lý XKLĐ tồn tại khá nhiều bất cập.

Theo quy định, để đưa người đi làm việc ở nước ngoài trước hết NLĐ được đưa đi phải có giấy chứng nhận sức khỏe, thế nhưng không ít doanh nghiệp “phù phép” tạo ra những giấy chứng nhận giả để đưa NLĐ đi.

Điển hình như mới đây là trường hợp bà Trần Thị Bình (53 tuổi), quê Nghệ An, là đối tượng khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp. Bà được xác nhận có bệnh về thần kinh, chân bị giãn tĩnh mạch đi khập khiễng nhưng được phù phép thành một người trẻ hơn 14 tuổi, đủ sức khỏe để đi giúp việc gia đình tại Saudi Arabia, sau đó tử vong sau 7 tháng làm giúp việc tại Saudi Arabia.

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, năm 2017 Thanh tra Bộ phối hợp cùng với Cục tiến hành 44 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong đó, trực tiếp thanh tra định kỳ tại 27 doanh nghiệp và kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 16 doanh nghiệp với số tiền 2,6 tỷ đồng, thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp, đình chỉ từ 6 – 9 tháng đối với 3 doanh nghiệp.

Đáng chú ý mới đây, vào đầu tháng 3, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và xuất nhập khẩu. Được biết công ty này của Phó chủ tịch Hiệp hội XKLĐ.

Lý do bị xử phạt do thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hình thức xử phạt bằng tiền với mức 65 triệu đồng.

Đứng trước thực tế này, mới đây Bộ LĐTB&XH đã đề xuất nâng mức phạt lên tới 200 triệu đối với hành vi vi phạm trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Mức phạt trên được đánh giá là cao nhất từ trước tới đây, tuy nhiên nói về tính khả thi, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa đủ sức răn đe, bởi lâu nay việc phạt tiền, thậm chí là rút giấy phép hoạt động (3 tháng) đã được ngành chức năng sử dụng nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa giảm.

Chính vì vậy cùng với việc tăng chế tài xử phạt, ngành chức năng cần có những đánh giá, tổng kết để làm cơ sở đề xuất sửa đổi những chính sách không còn phù hợp.

Chia sẻ về những giải pháp nhằm trợ giúp lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động làm việc ở nước ngoài trở về hội nhập với thị trường lao động Việt Nam, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tại nhiều địa phương cho rằng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tổ chức công đoàn, nhất là cấp cơ sở.

Theo đó công đoàn cơ sở cần tăng cường công tác tuyên tuyền, cung cấp thông tin đến người lao động có những kiến thức, kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Những giải pháp đồng bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO