Bến thủy, cầu cảng trái phép trên sông Đáy: Người dân lãnh đủ

Đức Sơn - Minh Lương 05/04/2016 09:15

Các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xây dựng các bến thủy, cầu cảng tự phát trên sông Đáy đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường thủy và gây ô nhiễm môi trường xung quanh khiến nhân dân khốn đốn… Đó là thực trạng nhức nhối xảy ra nhiều năm qua tại xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nhưng chưa được ngành chức năng địa phương vào cuộc xử lý.

Bến thủy, cầu cảng trái phép trên sông Đáy: Người dân lãnh đủ

Bến thủy, cầu cảng tự phát đua nhau lấn sông Đáy
khiến giao thông đường thủy bị ảnh hưởng,

Bến thủy, cầu cảng tràn lan

Có mặt tại xã Thanh Tân, chúng tôi nhận thấy có khoảng 30 bến thủy- cầu cảng tự phát dựng san sát kín cả đoạn sông dài. Khu vực này như một đại công trường trên sông bởi các phương tiện máy móc, ôtô tải, thuyền bè hoạt động suốt ngày đêm. Khi những xe chở đất đá, vật liệu xây dựng vận chuyển xuống tàu, thuyền để vận chuyển đi tiêu thụ, một lượng lớn bụi tỏa ra khu vực rộng lớn khiến khu vực này bị ô nhiễm nặng. Cùng với đó, các ôtô tải vận chuyển đất đá ra các bến bãi không có bạt che phủ bạt, rơi vãi xuống đường cũng gây bụi mù mịt. Các tuyến đường dọc theo thôn Nam Công, Tân Lập (xã Thanh Tân) hướng ra các bến thủy, cầu cảng tự phát kể trên bị xe tải cày xới, băm nát nham nhở. Do lượng xe đi lại quá lớn và lượng bụi quá nhiều nên mặc dù các nhà dân đã sử dụng mành, rèm, lắp cửa kính để chắn bụi thế nhưng đồ dùng, vật dụng trong nhà luôn bị phủ một lớp bụi dầy. “Tại đây, rất nhiều người đã bị bệnh phổi, kể cả ung thư. Lo nhất là lũ trẻ chúng ho liên tục, còi cọc, chậm lớn”- ông Đinh Văn Hoàng, một người dân xã Thanh Tân chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng bức xúc, bà Trần Thu Liên lo lắng: “Mỗi ngày hàng trăm xe tải chở vật liệu xây dựng, cát sỏi ra vào các bến thủy khiến con đường xung quanh bị băm nát. Tiếng động cơ xe tải gầm rú cộng với tiếng tàu thuyền, xà lan ầm ầm dưới sông suốt ngày đêm khiến người lớn đau đầu, trẻ con choáng váng không thể học hành. Người dân ra đường nơp nớp lo bị xe tải cán. Rất mong ngành chức năng sớm can thiệp”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Đoàn- Chủ tịch UBND xã Thanh Tân thừa nhận, những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác, chế biến khoáng sản phát triển, tổ chức khai thác bằng máy móc nên sản lượng, sản phẩm ra nhiều, từ đó hình thành các máng phao, máng rót. Trên địa bàn xã Thanh Tân có 26 máng rót tự phát hoạt động. Với sự hoạt động thường xuyên của các máng rót cùng với lượng xe vận tải lớn nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư.

Đe dọa an ninh đường sông

Cũng theo lãnh đạo xã Thanh Tân, hiện nay trên địa bàn xã có 28 cầu cảng, máng rót của 18 công ty, hộ cá nhân đang hoạt động. Trong đó, chỉ có 2 công ty là Công ty khai thác khoáng sản Nam Hà và Công ty Ngọc Việt đã được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do Cảng vụ Đường sông cấp, nhưng giấp phép của Cty Ngọc Việt cũng đã hết hạn. Tất cả các vị trí còn lại đều chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. UBND xã có ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, cá nhân này thuê đất bờ sông Đáy để làm bãi chứa vật liệu xây dựng xuống đường sông với thời hạn đến hết năm 2016, và chỉ có 1 hợp đồng có thời hạn đến hết năm 2017 với số tiền thuê đất chỉ chưa đến 100 triệu đồng/năm.

Việc có quá nhiều bến thủy, máng rót tự phát và việc chính quyền buông lỏng quản lý không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương mà con đe dọa an toàn giao thông trên sông Đáy qua khu vực này. Theo quan sát của chúng tôi, các bến thủy, cầu cảng dựng lô nhô ra lòng sông gây cản trở dòng chảy, thu hẹp lòng sông, làm vật cản ảnh hưởng đến giao thông trên sông Đáy. Tại khu vực các bến thủy tự phát này, các thuyền bè, xà lan ra vào như mắc cửi mà chẳng đèn báo hiệu, chẳng ai phân luồng. Ông Trần Văn Kiên, làm nghề lái tàu thủy trên khu vực cho biết, “mỗi khi lái tàu qua đoạn sông Đáy ở xã Thanh Tân cánh lái tàu chúng tôi hết sức lo lắng xảy ra tai nạn vì khu vực các bến thủy ở khu vực này hoạt động rất bát nháo. Các tàu ra vào bến thủy vô tội vạ lại không có đèn cảnh báo. Nhiều khi tàu chúng tôi đang chạy bon bon thì bất ngờ các tàu thuyền từ bến thủy vọt ra cắt ngang mũi tàu, may chúng tôi xử lý kịp. Vì vậy, khi điều khiển tàu qua đây chúng tôi rất vất vả”.

Theo người dân phản ánh, thực tế khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ va chạm tàu bè trên sông mà nguyên nhân do các bến thủy, cầu cảng tự phát trên địa bàn xã Thanh Tân gây ra.

Được biết, hiện chỉ riêng trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã có 45 Cty, hộ cá nhân có cầu cảng và bến bốc xếp dọc tuyến sông Đáy. Trong đó, hầu hết các cầu cảng và bến bốc xếp này đều chưa có thủ tục để để mở bến hoạt động, chỉ hợp đồng thầu khoán thuê đất với UBND các xã, thị trấn.

Như vậy đã rõ, chính quyền xã Thanh Tân và các xã khác thuộc huyện Thanh Liêm chỉ chăm chăm cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê đất bãi sông Đáy để thu lợi nhuận mà “quên” các biện pháp quản lý, khiến cho hoạt động bến thủy, cầu cảng bát nháo ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và an toàn đường sông nơi đây.

Đề nghị ngành chức năng của huyện Thanh Liêm và tỉnh Hà Nam kiểm tra, xử lý các vi phạm bến thủy, cầu cảng để giải tỏa sự lo lắng, bức xúc của nhân dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bến thủy, cầu cảng trái phép trên sông Đáy: Người dân lãnh đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO