Bi kịch gia đình qua một bản án

Thạch Sơn – Lê Mai 03/10/2015 09:02

Vì nghèo khó nên gia đình ông Nguyễn Thế Hiền (ngụ thôn 1, thị trấn Iakha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nhận phơi thuê cà phê. Không ngờ việc làm thuê đã đẩy gia đình ông Hiền rơi vào cảnh “vô phúc đáo tụng đình” với một bản án rất khó hiểu.

Bi kịch gia đình qua một bản án

Ông Nguyễn Thế Hiền hàng ngày vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" kêu oan.

Từ giao kèo bất thường …

Từ Nghệ An vào sinh sống ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, gia đình ông Nguyễn Thế Hiền, bà Hoàng Thị Hồng (ngụ thôn 1, thị trấn Iakha, huyện Ia Grai) vì hoàn cảnh hết sức khó khăn nên phải nhận làm thuê phơi cà phê lấy tiền công nuôi con ăn học. Thế nhưng, bỗng nhiên ông Hiền, bà Hồng trở thành con nợ “từ trên trời rơi xuống”.

Theo bản án sơ thẩm số 07/2015/DS-ST ngày 19/6/2015 của TAND huyện Ia Grai, ngày 13/3/2013, Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai khởi kiện vợ chồng ông Hiền, bà Hồng yêu cầu trả 24.752 kg cà phê nhân xô.

Theo đơn khởi kiện, năm 2006, vợ chồng ông Hiền ký đơn nhận phơi, chế biến cà phê niên vụ 2006-2007 với Nông trường cà phê Ia Grai (nay là Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai). Ngày 10/5/2007, đại diện nông trường do ông Thái Tăng Minh, cán bộ phòng kế toán, vật tư cùng ông Hiền đối chiếu công nợ, xác định gia đình ông Hiền còn thiếu, chưa giao cho nông trường 24.752 kg cà phê. Công ty đã khởi kiện, yêu cầu vợ chồng ông Hiền phải trả tổng số tiền hơn 732 triệu đồng.

Tại phiên tòa, ông Hiền khẳng định không nhận được thông báo nào của nông trường về việc phơi cà phê. Khoảng tháng 11/2006, ông Nguyễn Đại Ngọc (Giám đốc Nông trường Ia Grai) đặt vấn đề nhờ ông giúp nhận phơi và xay xát cà phê vì không có người nhận khoán. Do có 4 con đang độ tuổi ăn học, gia cảnh nghèo khó nên ông Hiền đồng ý lên nông trường làm công cho ông Ngọc.

Ông Hiền trình bày: Làm việc được khoảng 10 ngày, ông Nam (cán bộ nông trường) gặp ông đưa ra một tờ giấy, yêu cầu ông điền thông tin cá nhân rồi ký vào. Do mắt kém nên ông Hiền nhờ ông Nam đọc lại, được ông Nam giải thích là đơn xin phơi cà phê, điền tên vào để nộp ông Ngọc cho có lệ. Ông Hiền không nghi ngờ nên điền xong rồi ký tên. Ông Nam còn nói ông Hiền ký thay chữ ký bà Hồng (vợ ông Hiền) “cho hợp lệ”.

Sau khi kết thúc mùa vụ, số cà phê trên sân được bàn giao, cán bộ nông trường Thái Tăng Minh gọi ông Hiền lên và yêu cầu ký vào Bản đối chiếu vụ cà phê để thanh toán tiền công, trong đó có ghi ông Hiền giao thiếu công ty 24.752 kg cà phê. Ông Hiền thắc mắc và được ông Minh giải thích ký vào làm hồ sơ, sổ sách để công ty thanh toán tiền công, không nhằm mục đích buộc ông trả cà phê. Ông Hiền tin tưởng nên mới ký vào Bản đối chiếu.

Dù lời khai các bên mâu thuẫn, nhiều chứng cứ chưa được làm rõ nhưng ông Nguyễn Văn Huy, thẩm phán TAND huyện Ia Grai ngồi ghế chủ tọa phiên tòa vẫn tuyên xử buộc ông Nguyễn Thế Hiền phải trả cho Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai 24.752 kg cà phê vối nhân với “chất lượng trung bình”. Ngoài ra, buộc ông Hiền “gánh” thêm 40 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.

…Đến việc “xử” nhưng không “xét”

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Hiền gửi đơn kháng cáo, liên tục khiếu nại kêu oan khắp nơi. Không chỉ ông Hiền kêu cứu, ngày 3/7/2015, Viện trưởng VKSND huyện Ia Grai ký quyết định số 251/QĐKN-VKS-DS, kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm do TAND huyện Ia Grai xét xử. Quyết định kháng nghị đã chỉ ra hàng loạt những vi phạm của tòa án, trong đó có vi phạm trong thu thập và đánh giá chứng cứ.

Bà Hồng (vợ ông Hiền) không thừa nhận việc tham gia ký tên vào đơn nhận phơi, chế biến cà phê vụ 2006-2007. Ông Hiền cho rằng vì ông tin lời đại diện công ty là chỉ ký để làm thủ tục thanh toán tiền công phơi cà phê nên ông là người ký tên thay bà Hồng, không ngờ việc ký tên này đã biến thành việc “ký nhận nợ”.

Phía công ty khẳng định bà Hồng có ký nhưng không cung cấp bản gốc để phục vụ việc giám định. VKS nhận định đơn đã bị giả mạo chữ ký ngay khi xác lập nên không có giá trị pháp lý. Ngoài ra, về hình thức, đơn không có ngày tháng xác lập; trong đơn có thành phần xác nhận phải ký là “Giám đốc nông trường” và “Chủ tịch Hội đồng” nhưng những người này đều chưa ký là không đảm bảo tính pháp lý. Như vậy, không có căn cứ xác định thời điểm phát sinh giao kết giữa hai bên.

Theo quyết định kháng nghị, có những văn bản tài liệu không có ngày tháng ban hành nhưng vẫn được thẩm phán Nguyễn Văn Huy “mạnh dạn” đưa vào làm căn cứ để xác định việc phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự.

Có những văn bản mâu thuẫn, chưa được tòa điều tra, làm rõ, chưa được HĐXX xem xét trước khi ra bản án nhưng vẫn được “vận dụng” khiến bản án có vi phạm trong thu thập và đánh giá chứng cứ.

Ngoài ra, Viện trưởng VKSND huyện Ia Grai đã chỉ ra vi phạm trong việc ủy quyền tham gia tố tụng của Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai, văn bản ủy quyền được lập không có số, ngày ủy quyền bị sửa chữa, không nhận diện được ngày chính xác nhưng vẫn được thẩm phán Huy chấp nhận... Đặc biệt, cách vận dụng pháp luật bất thường của “quan tòa khi bản án xác định không chính xác số lượng và chủng loại cà phê.

VKSND huyện Ia Grai kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bi kịch gia đình qua một bản án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO