Bình Đẳng

Hải Phong 07/04/2016 09:36

TAND tối cao vừa có Công văn 88/TANDTC-PC gửi TAND và TAQS các cấp hướng dẫn triển khai thực hiện mô hình phòng xử án theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua năm 2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016. Theo bố trí của phòng xử án mới thì luật sư đã có vị trí ngồi bào chữa ngang hàng với các kiểm sát viên và thư ký tòa. Giờ thì đã có sự bình đẳng giữa người buộc tội và người gỡ tội.

Điều 257, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác, đồng thời giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết về mô hình phòng xử án. Đối với việc xét xử người dưới 18 tuổi, Khoản 4, Điều 423, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi.

Với lý do trên, TAND tối cao ban hành văn bản 88/TANDTC-PC hướng dẫn TAND và TAQS các cấp hiện thực hóa quy định trên của luật. TAND tối cao đưa ra 2 mô hình phòng xử án đối với các vụ án hình sự thông thường và vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Cụ thể: Đối với vụ án hình sự thông thường: HĐXX ngồi trên bục cao nhất; dưới một cấp đồng thời là thư ký phiên tòa (quay lưng vào HĐXX), đại diện VKS và luật sư ngồi đối diện nhau (phải và trái của HĐXX); thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa. Đối với vụ án mà bị cáo dưới 18 tuổi: Tất cả những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đều ngồi trên một mặt phẳng; HĐXX ngồi ở giữa, đại diện VKS bên phải, thư ký phiên tòa bên trái và người giám hộ, người dưới 18 tuổi, luật sư ngồi đối diện với HĐXX.

Dù đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ tổ chức phiên tòa theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 khi bắt đầu có hiệu lực, song 2 mô hình phòng xử án mà TAND tối cao đưa ra chưa phải là đóng khung cố định mà vẫn “mở” để nhận ý kiến đóng góp của các cấp TA, đảm bảo việc triển khai mô hình phòng xử án hợp với thực tế địa phương, nhưng phải bảo đảm tiết kiệm và đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là mô hình phòng xử án của một số địa phương có thể khác đi so với mô hình mà TAND tối cao đưa ra, song quan trọng là phải đảm bảo 2 quy định “cứng” tại Điều 257 và Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Luật quy định, giờ lại có hướng dẫn cụ thể của TAND tối cao đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ quan công tố và người bào chữa khiến giới luật sư hết sức hồ hởi và đánh giá cao. Song, đó mới chỉ là trên “lý thuyết”, còn trong thực tiễn xét xử, các luật sư có thể bình đẳng với KSV hay không thì còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ chờ các thẩm phán chủ tọa phiên tòa trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Đẳng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO